Các trường công bố chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu chất lượng cao của địa phương.
Tỉnh kêu gọi đầu tư
Đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh Tây Ninh phát thông báo mời gọi thành lập phân hiệu tại tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Mục tiêu của việc thành lập phân hiệu nhằm đa dạng hình thức đào tạo, liên thông đào tạo gắn đào tạo chính quy với vừa học, vừa làm, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ vào thực tiễn.
Ngoài ra, việc này còn góp phần vào sự phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lực của địa phương, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, nhất là đào tạo nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực mà địa phương ưu tiên.
Tỉnh đưa ra 2 tiêu chí lựa chọn trường đại học thành lập phân hiệu với thang điểm 100. Trong đó, tiêu chí “Kinh nghiệm triển khai” chiếm 75 điểm. Trong tiêu chí này, tỉnh nhấn mạnh trường đại học có khả năng tiếp nhận đầy đủ bộ máy, nhân sự hiện tại của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh sau khi sáp nhập.
Trường đại học cũng cần có ngành đào tạo phù hợp với hướng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án của tỉnh (ưu tiên giáo dục, y tế, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nông nghiệp…). Một số tiêu chí thành phần khác được nhắc đến như: Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành, có chương trình được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng; có kinh nghiệm triển khai thành lập phân hiệu đại học đã đi vào hoạt động.
Ngoài ra, tiêu chí thứ hai “Chứng minh năng lực tài chính” chiếm 25 điểm có 2 thành phần: Năng lực tài chính đảm bảo điều kiện xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật theo quy mô hoạt động của phân hiệu tại Tây Ninh; là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên nhóm 2 trở lên…
UBND tỉnh Tây Ninh sẽ thành lập Hội đồng xét chọn để xem xét, đánh giá, tuyển chọn các hồ sơ dự tuyển đáp ứng các điều kiện về hồ sơ, tiêu chí và đạt tổng số điểm từ 80 điểm trở lên. Trường đại học có tổng số điểm cao (theo kết quả đánh giá của Hội đồng xét chọn của tỉnh) sẽ được chọn lập đề án thành lập phân hiệu.
Trước đó, theo thông tin từ UBND tỉnh Tây Ninh, các đoàn công tác của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Trà Vinh… đã khảo sát và đề xuất thành lập phân hiệu của các trường này tại tỉnh.
Xu hướng sáp nhập trường cao đẳng ở địa phương, phát triển thành phân hiệu diễn ra gần đây. Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận (thành lập năm 2000) sáp nhập vào Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TPHCM hồi tháng 3/2021. Trường Đại học Sư phạm TPHCM được Bộ GD&ĐT cho phép mở phân hiệu tại Long An và Gia Lai, trên cơ sở sáp nhập trường cao đẳng sư phạm tại 2 địa phương này. Khóa đào tạo đầu tiên của phân hiệu nhà trường tại tỉnh Long An vừa khai giảng hồi đầu tháng 10/2024 với 485 tân sinh viên.
Mới đây, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và UBND tỉnh Bình Phước tiến hành ký kết hợp tác giai đoạn 2024 - 2027 với nội dung quan trọng là trong quý I/2025, phân hiệu nhà trường tại Bình Phước sẽ đi vào hoạt động.
Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường Cao đẳng Bình Phước. Tại Sóc Trăng, Trường Đại học Cần Thơ cũng tiếp nhận khu A và khu B của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng để thành lập phân hiệu ở địa phương này.
Đào tạo theo nhu cầu địa phương
Theo đại diện các địa phương và trường đại học, mở phân hiệu của một trường trên địa bàn là lời giải cho bài toán đào tạo nhân lực tại chỗ. Bởi lẽ, các tỉnh này phần lớn chưa có nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Tại Bình Phước, bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hằng năm có 43% học sinh xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Tỉnh đã thực hiện cuộc khảo sát với 20.000 học sinh lớp 12, và 55% trong số này có nguyện vọng học đại học tại tỉnh. Mặt khác, học sinh các tỉnh lân cận Bình Phước cũng có nhu cầu học đại học gần địa phương mình.
Tại Long An, địa phương hiện còn thiếu 1.169 giáo viên. Tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này nhưng chưa giải quyết được dứt điểm. Ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An mong muốn Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn và đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao của địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Theo ông Hòa, tỉnh Long An xác định phân hiệu này là một trong những cơ sở đào tạo quan trọng, cùng các trường đại học, cao đẳng khác trên cả nước sẽ giúp tỉnh Long An đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chất lượng; từng bước hiện thực hóa “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc thành lập phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại địa phương sẽ đáp ứng kỳ vọng của người dân, giải quyết nhu cầu học tập tại chỗ và giảm bớt khó khăn về đi lại. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư Cảng nước sâu Trần Đề, khu logistics, các khu, cụm công nghiệp…, do đó rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đại diện Trường Đại học Cần Thơ, trong giai đoạn đầu, phân hiệu trường tại Sóc Trăng sẽ tổ chức đào tạo các lớp ngắn và trung hạn ở các lĩnh vực mà tỉnh đang cần. Đến năm 2025, phân hiệu dự kiến đào tạo trình độ đại học chính quy với 3 ngành: Kế toán, Luật, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, phân hiệu sẽ đào tạo thạc sĩ với các ngành: Công nghệ thông tin, Hệ thống nông nghiệp - chuyên ngành biến đổi khí hậu và nông nghiệp nhiệt đới bền vững, Khoa học cây trồng - chuyên ngành kỹ thuật nông nghiệp thông minh.
Về phía nhà trường, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhận định, trong điều kiện nền kinh tế đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, vai trò của giáo dục - đào tạo trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay thật sự cần thiết.
Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước và trung tâm của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Do đó, việc thành lập Phân hiệu nhà trường tại Gia Lai sẽ góp phần duy trì và mở rộng quy mô đào tạo; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo cũng như nhu cầu bồi dưỡng giáo viên và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực.
Theo dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (công bố tháng 10/2023), cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó gồm 20 phân hiệu được hình thành mới, 4 phân hiệu hình thành trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm, 9 phân hiệu trên cơ sở trường đại học. Quy mô các phân hiệu được đánh giá thấp, nhưng phần nào góp phần nâng cao độ bao phủ giáo dục đại học tại một số địa phương, đặc biệt ở địa bàn khó khăn.