Có sinh viên đặt nhầm thứ tự nguyện vọng xét tuyển nên trúng tuyển vào ngành không mong muốn. Cũng có em trượt hết nguyện vọng yêu thích và trúng tuyển nguyện vọng “sơ cua”.
Đây không phải câu chuyện mới bởi kết quả khảo sát do nhóm chuyên gia đến từ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thực hiện cho thấy, khoảng 65,4% sinh viên chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa ngành học mình lựa chọn. 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình.
Còn theo kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhân lực TPHCM, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%; 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.
Nói vậy để thấy, thiếu hiểu biết dẫn đễn chọn nhầm ngành hay đặt nhầm nguyện vọng năm nào cũng xảy ra. Quan trọng là chúng ta ứng xử với việc này thế nào. Trên thực tế, khi “lỡ trúng tuyển”, nhiều sinh viên quyết định nhập học để không mang tiếng trượt đại học. Cũng vì học ngành không yêu thích nên nhiều em chán nản, thiếu động lực học tập. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều sinh viên khóa trước bị nợ môn, không tốt nghiệp đúng kỳ hạn.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, các chuyên gia lại cho rằng: Học ngành “lỡ trúng tuyển” không phải dấu chấm hết. Hãy mở lòng với từng tiết học, với bạn bè trong lớp và mạnh dạn sẻ chia khó khăn với thầy cô. Biết đâu, các bạn sẽ tìm thấy cái hay của ngành học mới cùng với niềm vui, động lực trong học tập. Nên nhớ, để thành công, chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15%. Vì thế nếu đã lựa chọn “nhầm ngành”, sinh viên cần cố gắng học tốt ở ngành đó. Còn lại hãy trau dồi 85% thái độ sống và kỹ năng toàn diện để sau này, ra ngoài xã hội vẫn làm tốt ở ngành, nghề khác.
Ngoài ra, sinh viên có thể tạm thời bảo lưu để có thời gian suy nghĩ chín chắn. Các bạn có thể chờ đăng ký xét tuyển vào năm sau, bên cạnh đó, tìm hiểu điều kiện về chuyển đổi ngành, trường học.
Từ câu chuyện trên đặt ra vấn đề về vai trò của công tác tư vấn hướng nghiệp với học sinh, sinh viên. Nói như Luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TPHCM), tổ chức tốt định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ nhận thức tầm quan trọng của lựa chọn nghề nghiệp. Khi đó, các em sẽ chọn được ngành, trường học phù hợp.
Lựa chọn đúng, giúp sinh viên phát huy được khả năng, tố chất. Sau khi học xong ra trường, các em được làm việc đúng đam mê, sở thích, phát triển sự nghiệp và hạnh phúc trong công việc. Vì thế, có thể nói, chọn nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Dù là ngành nghề gì, thì sự lành nghề mới là yếu tố quyết định thành công.