'Sửa sai' chọn ngành, chọn trường cho người học

GD&TĐ - Sau năm nhất, nhiều sinh viên nhận ra ngành học, trường học mà mình lựa chọn chưa hẳn là mong muốn và phù hợp.

Nhiều phụ huynh đồng hành cùng con trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ
Nhiều phụ huynh đồng hành cùng con trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ

Để tránh những hệ lụy, việc lựa chọn ngành học, trường học phải thực sự nghiêm túc.

Mất động lực học tập

Dù là ngày phải lên giảng đường để học tập theo thời khóa biểu nhưng Nguyễn Mạnh Hùng, quê Hà Nam - sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn chạy xe ôm công nghệ. Lý giải về việc này, Mạnh Hùng thẳng thắn chia sẻ: “Em chọn sai ngành học nên không có hứng thú học tập.

Thấy các bạn trúng tuyển đại học nên em cũng xác nhận nhập học để không bị mang tiếng ‘trượt vỏ chuối’. Em tính thi lại trong năm nay để xét tuyển vào trường đại học khác, khoa truyền thông. Hiện em vẫn giấu bố mẹ, đợi khi nào xét tuyển đại học thành công sẽ trình bày để gia đình hiểu và thông cảm. Trước mắt, em chạy xe ôm để có tiền trang trải sinh hoạt”.

Khác với Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thanh Vân “chọn nhầm” ngành học, trường học do bố mẹ sắp đặt. Thanh Vân kể, em thích ngành Sư phạm tiểu học nhưng bố mẹ làm doanh nghiệp nên định hướng cho em học kế toán. 18 tuổi, em chưa đủ độ chín để tự quyết định nghề nghiệp và công việc tương lai của mình. Nhưng giờ thì em đã thấm thía việc “ngồi nhầm lớp học” - Thanh Vân bộc bạch.

Từ học sinh giỏi 3 năm liền thời THPT, nay Thanh Vân phải thi lại “lên bờ xuống ruộng”. Thanh Vân không thấy hứng thú học tập. “Thú thật, lúc nào em cũng có suy nghĩ bỏ học nên càng cố, càng cảm thấy áp lực. Trước sau gì em cũng sẽ trở lại với ước mơ là cô giáo của mình và quyết tâm làm lại từ đầu” – Thanh Vân quả quyết.

Cách đây hơn 2 năm, một Trung tâm Dự báo nhân lực ở TP Hồ Chí Minh đã có khảo sát về tỷ lệ học sinh chọn ngành, chọn trường. Kết quả, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Đáng chú ý, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành mình chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ. 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

Trường ĐH Gia Định (TPHCM), hằng năm tiến hành khảo sát về chọn ngành học. Theo ThS.Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng nhà trường, kết quả cho thấy vẫn còn không ít sinh viên băn khoăn hoặc hoang mang và không hứng thú với ngành nghề mình đang học.

Một khảo sát khác cũng cho kết quả, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn. 50,8% sinh viên không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình.

Thực tế trên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sinh viên bị buộc thôi học hoặc ra trường không đúng hạn. Năm ngoái, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã đưa thông báo hơn 1.000 sinh viên dự định bị buộc thôi học hoặc cảnh báo học vụ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) cho hay, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 200 sinh viên ra trường không đúng hạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: Sinh viên muốn cải thiện điểm, xếp loại bằng tốt nghiệp của mình nên xin hoãn xét tốt nghiệp. Có em chưa đạt chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng không ít sinh viên chọn sai ngành, trường dẫn đến mất động lực học tập nên nợ môn...

Thí sinh và phụ huynh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ

Thí sinh và phụ huynh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ

Nghiêm túc khi lựa chọn

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023 (ngày 19/3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường cao đẳng, đại học. Sau năm thứ nhất, nhiều em nhận ra ngành học, trường học mà mình lựa chọn chưa hẳn đã phù hợp với bản thân.

Theo Thứ trưởng, nhiều học sinh chưa biết tận dụng hết cơ hội để xét tuyển vào trường cao đẳng, đại học, ngành học, trường học mà mình mong muốn. Thông qua hoạt động tư vấn tuyển sinh, Thứ trưởng hy vọng học sinh sẽ xác định đúng năng lực, sở trường, sở thích và điều kiện thực tế. Trên cơ sở đó lựa chọn cho mình ngành học và ngôi trường phù hợp nhất, định hướng cho nghề nghiệp sau này. “Tôi mong các bậc phụ huynh cùng tham gia tư vấn để đồng hành, củng cố niềm tin, giúp các em có lựa chọn đúng đắn” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) tư vấn, thí sinh có thể lựa chọn lĩnh vực, ngành học mình yêu thích và muốn học. Sau đó, các em chọn các trường có ngành đào tạo đó, rồi xếp thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Nếu thí sinh chưa biết mình thích gì thì có thể lựa chọn ngành học liên quan tới môn học là thế mạnh của mình. “Thế mạnh là môn Ngoại ngữ, các em có thể chọn các môn học xét tuyển với tổ hợp có môn Ngoại ngữ. Hơn nữa, môn Ngoại ngữ cũng là lợi thế để học tập và sử dụng trong công việc sau này” - PGS.TS Vũ Thị Hiền viện dẫn.

Đứng ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Đào Văn Phúc – Công ty Pure Nutrition khuyến nghị: Thí sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Các em không nên chạy theo ngành “hot” để đăng ký xét tuyển, vì nhu cầu về nhân lực của xã hội biến đổi không ngừng… Trước khi đăng ký xét tuyển, sĩ tử cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề định theo đuổi và chọn trường để theo học. Đặc biệt, các em cần tham khảo ý kiến của bố mẹ, người thân, thầy, cô giáo và chuyên gia để có lựa chọn đúng đắn.

Luật sư Trịnh Hữu Chung cho rằng, chỉ có yêu nghề, lành nghề mới là yếu tố quyết định đưa tới thành công. Vì thế, chọn nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Khi còn là học sinh lớp 11, các em cần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mà mình mong muốn theo đuổi. Lên lớp 12, các em sẽ căn cứ kết quả học tập để có lựa chọn phù hợp. Chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ có kết quả tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.