“Mở khóa” giữa đại dịch?

GD&TĐ - Ấn Độ đang chuẩn bị mở cửa trở lại, mặc dù tỷ lệ nhiễm Coronavirus hàng ngày đang tăng vọt và chưa hề có dấu hiệu chậm lại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đất nước 1,3 tỷ dân này có tới hơn 75.000 ca lây nhiễm trong 5 ngày liên tiếp - mức tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Chỉ trong thứ Tư tuần trước, Ấn Độ có tới 85.687 trường hợp nhiễm mới Covid-19 – một mức tăng đột biến trong một ngày cao nhất thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu, vượt qua kỷ lục trước đó là 77.255 trường hợp nhiễm trong 1 ngày ở Mỹ vào ngày 16/7.

Tỷ lệ lây nhiễm của Ấn Độ đã tăng theo cấp số nhân trong những tuần gần đây. Trong sáu tháng đầu, Ấn Độ có 1 triệu trường hợp, nhưng tăng gấp đôi chỉ trong ba tuần sau đó, và 16 ngày sau đã chạm mốc 3 triệu ca nhiễm.

Với tốc độ này, tổng số ca của Ấn Độ, hiện là hơn 3,6 triệu ca, đang trên đà vượt xa Brazil để trở thành quốc gia cao thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ ở mức 1,79%.

Trong tình trạng các ca nhiễm Covid-19 tăng cao như vậy, chính phủ Ấn Độ vẫn quyết định tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn. Cuối tuần qua, Bộ Nội vụ Ấn Độ thông báo đất nước này sẽ bước vào một giai đoạn mới mở cửa trở lại vào ngày 1/9 được gọi là “mở khóa 4”.

Các động thái cho giai đoạn này bao gồm việc nối lại các dịch vụ tàu điện ngầm của đất nước theo “cách thức phân loại” từ ngày 7/9. Theo quy định mới, các cuộc tụ tập dưới 100 người sẽ được phép tổ chức tại các sự kiện thể thao, giải trí, văn hóa, tôn giáo và chính trị bên ngoài các khu vực nóng từ ngày 21/9, tuy nhiên những người tham dự vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang và chấp hành xã hội.

Các trường học sẽ vẫn đóng cửa cho đến cuối tháng 9, mặc dù có tới 50% giáo viên được phép quay lại trường để giảng dạy các khóa học trực tuyến; học sinh THPT cũng có thể tự nguyện quay lại trường.

Là cứu cánh cho hàng triệu người sống ở các thành phố lớn của Ấn Độ, mạng lưới tàu điện ngầm đã bị đóng cửa vào cuối tháng 3, khi Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh đóng cửa hoàn toàn và yêu cầu người dân ở nhà.

Tuy nhiên, việc đóng cửa nghiêm ngặt, được áp đặt với rất ít cảnh báo cũng như không được lập kế hoạch, cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và khủng hoảng kinh tế của Ấn Độ. Ở các khu vực thành thị, hàng triệu người làm công ăn lương hàng ngày không có việc làm, thậm chí không có thực phẩm. Nhiều người phải tự túc di chuyển, thường là đi bộ, để về nhà ở các bang xa xôi. Thậm chí có người đã thiệt mạng trên đường vì kiệt sức.

Dưới áp lực phục hồi nền kinh tế đang bị suy sụp, chính phủ của ông Modi bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp đóng cửa trên toàn quốc vào tháng 5. “Corona sẽ vẫn là một phần cuộc sống của chúng ta trong một thời gian dài, nhưng chúng ta không thể để cuộc sống của mình chỉ giới hạn xung quanh Corona”, ông phát biểu trên truyền hình quốc gia vào thời điểm đó.

Kể từ đó, các hạn chế trên toàn quốc đã được nới lỏng dần dần, mặc dù một số vùng khó khăn của đất nước đã thực thi các biện pháp hạn chế riêng. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã tăng vọt, từ chỉ hơn 180.000 ca ở thời điểm ngày 30/5 lên con số một triệu vào giữa tháng 7, trong đó New Delhi và Mumbai, hai thành phố đông dân nhất của đất nước, nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ