Mô hình trường giúp trường: Cơ hội tìm giải pháp phù hợp

GD&TĐ - Tại Hà Nội nhiều trường mầm non chủ động học hỏi kinh nghiệm thông qua hội thi, buổi trao đổi chuyên môn để tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng GD.

Trẻ tham gia hoạt động góc tại Trường Mầm non Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: TG
Trẻ tham gia hoạt động góc tại Trường Mầm non Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: TG

Phối hợp chặt chẽ

Theo cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), để triển khai hiệu quả công tác nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, ngoài thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, làm tốt khâu tuyên truyền, nhà trường chú trọng phối hợp với gia đình và cộng đồng có giải pháp hỗ trợ, cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Cùng đó, phát huy tốt vai trò của ban đại diện cha mẹ trẻ trong giám sát chất lượng bữa ăn bán trú.

Trường thực hiện nghiêm túc công tác nuôi dưỡng trẻ theo quy định của Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín, rõ trách nhiệm giải trình về chất lượng thực phẩm. Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với trẻ.

“Nhà trường thường xuyên công khai thực đơn đến từng phụ huynh qua nhóm Zalo lớp, mời cha mẹ tham gia việc giao nhận thực phẩm và giám sát quá trình chế biến, phân chia thức ăn bán trú cho trẻ hằng ngày. Điều này giúp gia đình thêm yên tâm khi gửi trẻ tại trường”, cô Hà nhấn mạnh.

Tại Hội thi nhân viên nuôi dưỡng giỏi cấp huyện vừa qua, Trường Mầm non Yên Sở đoạt giải Nhất. Các cô nuôi đã xây dựng thực đơn phong phú đa dạng thực phẩm, đảm bảo cân đối tỷ lệ calo giữa các chất và chế biến ra thành phẩm ngon, phù hợp độ tuổi, cảm quan món ăn đẹp mắt. Qua hội thi, các cô nuôi được trổ tài nấu 10 suất ăn của độ tuổi Nhà trẻ với mức ăn 25.000 đồng/trẻ/ngày.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho rằng, lứa tuổi mầm non là giai đoạn cần quan tâm đặc biệt. Các cô giáo phải nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ để có phương pháp giáo dục, chăm nuôi hợp lý. Với hơn 600 trẻ theo học, nhà trường luôn thực hiện tốt vai trò phối hợp với cha mẹ trẻ trong nhiều hoạt động.

“Một trong các ưu tiên của chúng tôi là thực hiện tốt khâu nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn bán trú cho trẻ. Đồng thời, trường cũng tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ vận động nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần mỗi ngày đến trường. Không chỉ học các kỹ năng trên lớp, trẻ còn vui chơi, khám phá nhiều điều mới mẻ nên rất hào hứng”, cô Thu An chia sẻ thêm.

Với hệ thống cơ sở vật chất mới được đầu tư khang trang, hiện đại, Trường Mầm non Họa Mi (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có 330 trẻ theo học ở 10 lớp. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hằng: Đội ngũ giáo viên đứng lớp, nhân viên nuôi dưỡng được kiện toàn đảm bảo đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Các bé được tham gia chơi ở khu vui chơi ngoài trời có mái che cũng như sân trường để phát triển thể chất.

Những hoạt động giáo dục thể chất, thể thao có lồng ghép kiến thức nền tảng về màu sắc, hình khối, số đếm… giúp trẻ phát triển về trí tuệ. Hơn nữa, khi cơ thể khỏe mạnh, hệ thần kinh phát triển, các giác quan tinh tường, khả năng quan sát cũng nhanh nhạy để tư duy trẻ trở nên nhạy bén, sáng tạo hơn. Đó là điều cả nhà trường và phụ huynh luôn mong đợi ở trẻ.

mo-hinh-truong-giup-truong-1-4280.jpg
Đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức và Phú Xuyên trong một hội nghị giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục mầm non năm 2023. Ảnh: TG

Trường giúp trường tiến bộ

Thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2023 - 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động, nhiều trường mầm non tại huyện Phú Xuyên đã kết nghĩa và học hỏi kinh nghiệm với các trường ở quận Hà Đông.

Cô Chu Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) cho biết, qua những buổi sinh hoạt chuyên đề với trường bạn, nhà trường có thêm nhiều kinh nghiệm để chọn lọc, áp dụng những điểm mới phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, phối hợp các phương pháp, tăng cường tính chủ động của trẻ theo hướng “học bằng chơi, chơi mà học”.

Nhà trường áp dụng phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng để khuyến khích trẻ sáng tạo, làm thay đổi và cá thể hóa những trẻ thiếu hụt hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng hoạt động chủ đạo từng lứa tuổi, tạo ra cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú và sự phát triển…

Còn theo cô Nguyễn Thị Đàm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đội Bình (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), qua học tập kinh nghiệm với các trường bạn ở quận Hoàng Mai, nhà trường chủ động xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường công tác quản lý chỉ đạo thực hiện chuyên đề. Xây dựng các tiết dạy mẫu để giáo viên được trao đổi, học hỏi chuyên môn; tổ chức kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm cho giáo viên.

“Không chỉ các hoạt động chuyên môn, công tác nuôi dưỡng cũng được nhà trường tích cực triển khai, học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị trong và ngoài huyện. Từ đó, trường phát huy những điểm mạnh và tìm giải pháp khắc phục hạn chế để củng cố, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo định hướng của Chương trình GDMN hiện hành”, cô Đàm trao đổi.

Từ năm học trước, ngành Giáo dục huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức hai chuyên đề về chăm sóc, giáo dục trẻ tại Trường Mầm non Đức Thượng và Mầm non Yên Sở. Thông qua phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đã giúp các trường trên địa bàn học hỏi nhiều điều bổ ích, mô hình hay từ các trường của quận Thanh Xuân để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Vương Văn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức nhấn mạnh, chủ trương của Sở GD&ĐT Hà Nội về tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các phòng GD&ĐT của 30 quận/huyện/thị xã thời gian qua đã phát huy hiệu quả bước đầu. Các nhà trường có dịp soi chiếu, nhìn lại mình có điểm mạnh nào, thiếu ở mặt gì để áp dụng trong tổ chức dạy học, trải nghiệm phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ