Mở cửa trường học: Không để dịch bệnh cản trở học sinh tới trường

GD&TĐ - Sau Tết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến số ca F0 trong cộng đồng và trường học tăng cao.

Giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội) vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội) vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. Ảnh: NTCC

Do đó, tăng cường biện pháp phòng chống dịch để bảo đảm sức khỏe và trở lại học tập trực tiếp của học sinh được các nhà trường đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao theo diễn biến dịch. 

Dịch bệnh tràn vào trường học

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai (Lào Cai) trao đổi: Tính hết ngày 13/2, toàn huyện có 16 giáo viên diện F0, 218 giáo viên diện F1; 97 học sinh là F0 và 1.311 học sinh F1. Số giáo viên và học sinh bị lây nhiễm bệnh có thể tiếp tục tăng trong vài ngày tới dù phòng GD&ĐT, các nhà trường đều triển khai gắt gao các biện pháp phòng dịch trước khi trở lại trường học.

Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) có 5 học sinh được xác định là F0, 100 học sinh là F1. Theo cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường, số học sinh diện F0, F1 nghỉ học điều trị còn hơn 200 học sinh vẫn tiếp tục đến lớp học trực tiếp.

Ngày học sinh trở lại trường sau Tết, Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) đã tổ chức test nhanh và phát hiện 1 học sinh lớp 1 có kết quả dương tính Covid-19. Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường đã khoanh vùng lớp học và chuyển sang học trực tuyến đối với lớp có học sinh F0. Sau 5 ngày học trực tuyến, trường test nhanh lại. Toàn bộ học sinh của lớp có kết quả đều âm tính và đã trở lại học trực tiếp. Tuy nhiên, lớp được bố trí học riêng ca chiều.

Theo cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng), hiện là thời điểm số ca mắc tăng cao. Học sinh toàn trường phải học trực tuyến (theo yêu cầu của phụ huynh) và sẽ trở lại học trực tiếp ngày 20/2.

Theo cô Phượng, trường có 63 học sinh diện F0 ở 20 lớp/27 lớp, hơn 100 học sinh diện F1. Học sinh và phụ huynh dù khá hồ hởi mong tới trường song số ca F0 cao và ở diện rộng nên để đảm bảo an toàn vẫn yêu cầu nhà trường cho học online hết tuần 2 của tháng 2.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội) kiểm soát dịch từ cổng trường. Ảnh: NTCC
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội) kiểm soát dịch từ cổng trường. Ảnh: NTCC

Linh hoạt trong kiểm soát dịch và dạy học

Dịch bệnh bùng phát sau nghỉ Tết khiến các trường gặp khó khăn trong triển khai dạy học và phòng, chống dịch. Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cho hay: Để dịch bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe giáo viên, học sinh và việc trở lại trường học, Phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai đang rốt ráo chỉ đạo công tác phòng, chống dịch theo diễn biến hàng ngày.

Theo đó, sau Tết đã vận động xã test nhanh cho hơn 4.000 học sinh /11.566 học sinh toàn huyện khi trở lại trường và tiếp tục test tất cả học sinh vùng đỏ, cam, vàng. Đối với học sinh vùng xanh chỉ test khi có biểu hiện nhiễm bệnh.

Đối với giáo viên, học sinh diện F1 sẽ khoanh vùng phạm vi nhỏ để sàng lọc và triển khai dạy học. Lớp nào có F0, học sinh nghỉ học; lớp nào đảm bảo điều kiện y tế, không có học sinh diện F học bình thường. Trường có giáo viên, học sinh diện F1 cao sẽ báo cáo huyện để thành lập khu cách ly ngay tại trường. Học sinh đã trở lại trường bán trú và được kiểm soát thì thực hiện ở lại cuối tuần nhằm tránh lây lan từ cộng đồng.

Đặc biệt, phòng chỉ đạo các trường có học sinh bán trú và lưu trú bên ngoài có thể linh động tổ chức lại lớp học. Cụ thể, học sinh bán trú học lớp riêng, học sinh ở ngoài học 1 lớp. Thậm chí có thể ngăn riêng khu học tập của học sinh bán trú và học sinh ngoại trú…

“Các điều kiện của huyện Si Ma Cai cho dạy học trực tuyến không khả thi khi có dịch bệnh. Vì vậy ngành GD-ĐT xác định sẽ khoanh vùng kiểm soát thật kỹ để làm sao học sinh vẫn được đến trường học tập. Tận dụng thời gian tối đa để dạy học đảm bảo chương trình chung. Với học sinh phải nghỉ học vì dịch sẽ lên kế hoạch hỗ trợ, bù lấp kiến thức sau khi học sinh trở lại trường…”, bà Oanh trao đổi.

Cô Phạm Thị Huệ cũng khẳng định: Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng nhà trường quyết tâm triển khai tốt mô hình “lớp học bong bóng”. Lớp nào có học sinh diện F sẽ chuyển sang học trực tuyến, còn lại học trực tiếp bình thường.

Cùng đó, các buổi sáng đều đo thân nhiệt, yêu cầu học sinh sát khuẩn tay, căng dây để các em đi đúng làn vào lớp. Giáo viên đo thân nhiệt lần 2 trong lớp… Ngoài ra, mỗi lớp có 1 nhật ký sức khỏe hàng ngày. Quá trình học, học sinh có biểu hiện ho sốt, giáo viên chủ nhiệm lập tức liên hệ với phụ huynh để đón và đưa trẻ tới trạm y tế khám sức khỏe. Giáo viên theo dõi và đo thân nhiệt học sinh khác trong lớp.

Đặc biệt, trường chú trọng tầm soát đối tượng học sinh có nguy cơ mắc dịch cao như: Bố là lái xe, nhà bán hàng, thăm thân chúc Tết ngoài địa bàn của huyện, tỉnh. Cùng đó thực hiện tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch kỹ càng cho cả phụ huynh, học sinh. Giám sát chặt chẽ học sinh diện F1 và yêu cầu thực hiện cách ly ít nhất 1 tuần trước khi trở lại học.

Chia sẻ quan điểm phòng chống dịch của nhà trường, cô Nguyễn Thị Phi Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội) thông tin: Phòng chống và không để dịch bệnh cản trở việc trở lại học tập của học sinh không cách nào tốt hơn là học sinh, giáo viên, phụ huynh phải hiểu biết về dịch và cách phòng chống một cách khoa học tại trường, lớp, gia đình. Mặt khác, sự phối kết hợp của nhà trường và gia đình trong việc theo dõi sức khỏe, test nhanh học sinh trước khi tới trường là cách tầm soát dịch hiệu quả và bền vững.

Học sinh của trường trải rộng trong 20 xã. Do đó, trường thực hiện phòng dịch theo tinh thần phụ huynh chủ động kết hợp với nhà trường. Khuyến khích gia đình test nhanh cho con, phát huy tinh thần, trách nhiệm việc theo dõi sức khỏe để tránh lây sang học sinh khác... “Trường cố gắng kiểm soát dịch ở mức tốt nhất để học sinh sớm trở lại trường và học tập trong môi trường không dịch bệnh một cách bền vững. Tránh tình trạng có vài phụ huynh đưa con tới trường hoặc đến trường 1 - 2 hôm lại nghỉ vì có dịch…”, cô Vũ Thị Phượng khẳng định. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.