Mở cửa trường học: Phối hợp để ứng xử đúng đắn

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc đóng cửa trường học chưa chắc có thể làm giảm số ca mắc Covid-19.

Xác suất nhiễm Covid-19 ở trẻ em bằng 1/10 người lớn.
Xác suất nhiễm Covid-19 ở trẻ em bằng 1/10 người lớn.

Bình thường mới trong học đường đồng nghĩa là mọi người cần rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách cần thiết, hạn chế tiếp xúc trực diện giữa thầy - trò, cũng như giữa trò và trò.

Đóng cửa trường chưa chắc hiệu quả

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi phát hiện có học sinh mắc Covid-19 trong trường học, nhà trường cần tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học. Đồng thời, xét nghiệm toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng test nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Sau thời gian dài học trực tuyến, trẻ em toàn quốc sẽ được trở lại trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng vì trẻ chưa được tiêm vắc-xin. Chia sẻ về vấn đề này, GS y khoa Nguyễn Văn Tuấn – Đại học New South Wales (Australia) - cho biết, trẻ em có nguy cơ nhiễm Covid thấp hơn người lớn.

“Ngay từ đầu dịch, số liệu nghiên cứu cho thấy, xác suất nhiễm ở trẻ em rất thấp, bằng 1/10 người lớn. Ngay cả ngày nay, khi số ca nhiễm tăng với các biến thể mới, trẻ em vẫn có nguy cơ nhiễm thấp hơn người lớn.

Không chỉ nguy cơ nhiễm thấp, khi mắc Covid-19, trẻ ít bị nặng và nguy cơ tử vong cũng rất thấp. Xu hướng này được ghi nhận ở khắp nơi trên thế giới. Chẳng ai biết tại sao trẻ em có nguy cơ nhiễm thấp, nhưng giả thuyết là do hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn so với người lớn”, chuyên gia chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Tuấn, sự lây lan virus ở trẻ không giống như người lớn. Ông dẫn chứng, đa số những ca lây nhiễm là do lan truyền trong nhà/gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở châu Á cho thấy, trẻ em bị nhiễm trong nhà nhưng không hoặc rất ít truyền bệnh sang người khác. Theo chuyên gia này, Australia ghi nhận những ca nhiễm ở trường học. Song, những ca này không lây lan cho học sinh khác.

“Ý tưởng đóng cửa trường hay để trẻ học online là nhằm kiểm soát và giảm số ca Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có chứng cứ nào cho thấy đóng cửa trường học sẽ làm giảm số ca Covid-19? Câu trả lời là chưa có bằng chứng nào để nói vậy. Thực ra, trước đây đã có một phân tích mô hình cho thấy, đóng cửa trường để giảm lây lan cúm mùa, nhưng không đem lại lợi ích lớn. Do đó, có thể suy luận rằng, đóng cửa trường không có hiệu quả giảm lây lan Covid”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

Không thể chờ hết dịch

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam liên tiếp tăng mạnh. Từ hơn 8.500 ca nhiễm trong ngày 3/2, hơn 10 ngày sau, tổng số ca mắc vượt mốc 31.000 ngày 15/2. Xu hướng số ca nhiễm tăng đã được lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia dự đoán trước. Bên cạnh đó, số ca tử vong không tăng đột biến.

Tuy nhiên, Giáo sư Tuấn cho rằng, “mở cửa” trường không có nghĩa là quay về tình trạng bình thường như trước khi Covid-19 bùng phát. Thực tế, chúng ta phải sống với bình thường mới. Giáo sư Tuấn lý giải, bình thường mới trong học đường có nghĩa là rửa tay thường xuyên, vẫn giữ khoảng cách cần thiết, hạn chế tiếp xúc trực diện giữa thầy - trò, cũng như giữa trò và trò. Trong khi đó, học sinh bị cảm cúm hoặc có triệu chứng Covid nên ở nhà.

“Tóm lại, bằng chứng khoa học cho thấy, nguy cơ nhiễm Covid ở trẻ em thấp hơn so với người lớn. Khi bị nhiễm, trẻ thường bị nhẹ và ít lây lan cho người khác. Trong khi xã hội “mở cửa” và chấp nhận sống chung với virus, không có lí do gì không mở cửa trường học”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - chia sẻ, chưa chắc sẽ có nhiều trẻ nhiễm bệnh hơn khi tới trường. Theo bác sĩ Khanh, quan trọng hơn là nhà trường và phụ huynh cần phối hợp để ứng xử đúng đắn, xây dựng kế hoạch và kịch bản khi ghi nhận ca dương tính.

Chuyên gia này cho rằng, khi đến trường, có thể để trẻ sinh hoạt và chơi theo nhóm. Khi về nhà, phụ huynh cần hạn chế cho con đi chơi hay tụ tập chỗ đông người.

“Chúng ta giám sát, chia học sinh theo nhóm. Nếu nghi ngờ xuất hiện F0, sẽ xử lý trên quy mô nhóm nhỏ đó, không cần thiết phong tỏa toàn trường. Một em nghi ngờ, chúng ta chỉ làm xét nghiệm thêm 3 - 4 em còn lại”, bác sĩ Khanh cho biết.

Chuyên gia này đồng thời cho rằng, chúng ta không thể chờ đến khi cả nước hay một thành phố hết dịch mới cho học sinh đến trường. Bởi, thực tế, dù đã tiêm chủng đầy đủ, người dân vẫn có nguy cơ mắc Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.