Mở cửa trường học: Không gây áp lực cho học sinh

GD&TĐ - Ngoài việc chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường, ngành GD&ĐT Cần Thơ còn quan tâm đến tâm lý học sinh sau quãng thời gian dài học tập tại nhà, đặc biệt là nhóm học sinh yếu thế.

Ngày đầu trở lại trường, giáo viên Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) dạy một số kỹ năng cho học sinh. Ảnh: TG
Ngày đầu trở lại trường, giáo viên Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) dạy một số kỹ năng cho học sinh. Ảnh: TG

Cho trẻ làm quen

Ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Học sinh ở nhà lâu ngày, kiến thức khi học trực tuyến không được nhiều như học trong trường, cho nên những ngày đầu đi học trở lại, nhà trường cần tổ chức tư vấn tâm lý, hỏi thăm gia đình các em. Sở đề nghị nhà trường chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn và giáo viên các khối lớp không vội vàng đi vào nội dung chương trình học, áp đặt các em làm ngay bài kiểm tra.

Nhà trường cần điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp, tổ chức kiểm tra sàng lọc và phân loại học sinh, đặc biệt là những em yếu thế, không tham gia hoặc ít tham gia học trực tuyến. Với quan điểm là không bỏ sót học sinh nào, sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường chủ động xây dựng phương án dạy và học phù hợp cho những đối tượng chưa trở lại trường hay nhóm học sinh yếu thế, không theo kịp bạn bè.

Ngoài việc phối hợp với lực lượng y tế trong công tác phòng dịch, ngành GD-ĐT Cần Thơ cũng lưu ý nhà trường cần quan tâm đến lực lượng an ninh bảo đảm an toàn trật tự trước cổng trường học, tránh tình trạng tập trung đông người, gây ùn tắc giao thông, lây nhiễm bệnh.

Theo bà Thiệu Thị Kim Chi - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), nhà trường cần điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế, đặc biệt chú ý tới các em lớp lá (lớp 5 tuổi). Giáo viên sàng lọc những nội dung chương trình, cốt lõi nhất, đồng thời chuẩn bị một số kỹ năng cũng như làm quen với chữ cái, các biểu tượng ban đầu, một số kỹ năng, phát triển về ngôn ngữ… tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non phải dành 2 tuần đầu tiên cho các cháu làm quen lại môi trường, giáo dục cho trẻ kỹ năng và thói quen vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ, đặc biệt là các cháu nghỉ học lâu, khi trở lại trường sẽ khóc và có nhiều biểu hiện khác nhau, dễ dẫn đến bạo hành trẻ em, vi phạm đạo đức nhà giáo. Song song đó, nhà trường cũng cần tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng tổ chức bán trú cho trẻ khi có thông báo.

Giáo viên mầm non hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng trong ngày đầu trở lại trường.
Giáo viên mầm non hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng trong ngày đầu trở lại trường.

Quan tâm tâm lý học sinh

Quận Ô Môn có 39 điểm trường với 20.866 học sinh ở 3 cấp học, trong đó cấp tiểu học là 10.299 học sinh, THCS là 7.409 học sinh và còn lại là mầm non, mẫu giáo.

Theo ông Lê Hoàng Duy Linh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, để bảo đảm các điều kiện an toàn khi đón học sinh trở lại trường, phòng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tại địa phương tiến hành công tác kiểm tra thực tế. Đồng thời, giao quyền chủ động cho nhà trường trong việc xây dựng các phương án phòng dịch, bố trí, phân luồng học sinh đến trường phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị.

Thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trong tuần đầu trở lại trường, phòng yêu cầu nhà trường không tổ chức giảng dạy ngay mà thực hiện công tác rà soát và tư vấn tâm lý giúp các em ổn định và ôn những kiến thức cơ bản có thể bị mất trong quá trình học trực tuyến. Đặc biệt trong ngày đầu tiên, phòng chỉ đạo tất cả  trường học trên địa bàn quận trang trí khẩu hiệu chào đón trước cổng trường, tạo không khí giống như ngày khai giảng năm học mới để các em cảm thấy thoải mái khi trở lại trường.

Bên cạnh đó, các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận đều bố trí tối thiểu mỗi khối lớp một phòng học trực tuyến để tập trung hỗ trợ các em học sinh chưa đến trường, học sinh thuộc diện F0, F1…

Tại quận Bình Thuỷ, bên cạnh công tác bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch tại đơn vị, phòng GD&ĐT quận còn lưu ý các đơn vị tổ chức hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm, phối hợp giáo viên bộ môn nắm sát tình hình học sinh qua các tiết học, sinh hoạt lớp (online) giúp các em tự tin, tin tưởng, an tâm đến trường.

Đặc biệt đối với lớp 1, do từ mầm non lên nên còn lạ trường lạ lớp, lạ cô cũng như bạn bè, phòng lưu ý nhà trường là phải tạo môi trường lớp học rất thân thiện, gần gũi. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng phải kỹ lưỡng về nội dung sinh hoạt trao đổi với học sinh, hướng dẫn trẻ tự phòng dịch, giới thiệu cho các em làm quen trường học, lớp học, bạn bè... để trẻ thích đến trường học. Đồng thời, các trường nắm sát chất lượng học tập của các em trong thời gian qua để có phương pháp phù hợp.

Bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ thông tin: Tuần đầu, phòng yêu cầu các trường bố trí giờ lệch học để bảo đảm công tác phòng chống dịch, không tổ chức dạy học hay ôn tập ngay, đến khi học sinh thực sự đã “sẵn sàng” thì thực hiện chương trình theo quy định.

Cùng đó, các đơn vị còn đẩy mạnh truyền thông, thực hiện tốt công tác đón học sinh cũng như bảo đảm điều kiện về phòng chống dịch tại trường để tất cả cha mẹ an tâm đưa con vào trường học tập. Phòng tiếp tục nắm tình hình học sinh đến trường trong các ngày tới để kịp thời tham mưu UBND quận phương án cho học sinh học tập phù hợp tình hình của quận và thành phố.

“Khi trở lại học trực tiếp, việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá của giáo viên thường xuyên và chính xác hơn có thể khiến một số học sinh thấy khó khăn, dễ sinh chán nản... Vì vậy giáo viên cần quan tâm nhiều đến nhóm học sinh này và dành một thời gian nhất định giúp các em quay về nhịp độ học tập như trước, năng động, hăng say, tự tin, vượt khó”. - Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.