Địa phương đồng loạt mở cửa trường học: Thầy trò hân hoan gặp mặt

GD&TĐ - Ngày 7/2, trường lớp tại gần 60 địa phương đồng loạt mở cửa đón trò sau thời gian rất dài đóng cửa. Hàng triệu học sinh, thầy cô đến trường trong niềm hân hoan nhưng không quên thực hiện 5K.

Các em học sinh lớp 1 tại ĐBSCL được cô giáo hướng dẫn các hoạt động trong giờ học.
Các em học sinh lớp 1 tại ĐBSCL được cô giáo hướng dẫn các hoạt động trong giờ học.

Các nhà trường trước khi đón trò trở lại đều chuẩn bị đầy đủ điều kiện nên tạo được sự đồng thuận cao của phụ huynh.

Không chủ quan, lơ là công tác phòng dịch

Ngày 7/2, tỉnh Tiền Giang có 124 trường THCS, 38 trường THPT và 7 trung tâm tổ chức cho 121.420 học sinh, học viên học trực tiếp trở lại. Điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học trực tiếp là phải đạt “Mức độ an toàn rất cao” theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19; Phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch, được Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, thành, thị phê duyệt.

Con tôi học lớp 1 mà phải ở nhà hơn 10 tháng qua nên gia đình rất lo lắng. Con còn quá nhỏ để tự học và học trực tuyến nên gia đình phải thay phiên nhau dạy học. Hay tin trở lại trường, nhà tôi vui lắm, từ nay con sẽ được gặp thầy cô, bạn bè. Trẻ nhỏ cần phải đến trường, phải được tương tác mới phát triển. - Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ xã An Thái Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang)

Tổ chức lớp học giãn cách tối đa có thể, dạy học nhiều ca/ngày; chủ động sắp xếp, bố trí một (hoặc một số) khối lớp học buổi sáng, các khối lớp còn lại học buổi chiều (hoặc buổi tối đối với các trung tâm) nhằm giảm số lượng người tập trung cùng một thời điểm tại các cơ sở giáo dục. Không tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, nội trú, bán trú. Tổ chức dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục và “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, mặc dù dịch bệnh ở các địa phương được kiểm soát tốt và học sinh, giáo viên đã tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ, nhưng các trường không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch. Khi học sinh trở lại trường phải mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn và thực hiện giãn cách.

Trong thời gian trở lại trường, các thầy cô sẽ kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, kết nối với học sinh chưa được đến lớp. Trong tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, giáo viên sẽ tiến hành ôn tập, củng cố, đánh giá kiến thức học sinh qua quá trình học trực tuyến trước khi dạy kiến thức mới.

Để thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã có chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng dịch trong trường học.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau yêu cầu tập trung chỉ đạo kiểm soát tốt việc thực hiện 5K trong trường học, nhất là việc đeo khẩu trang, khử khuẩn đối với học sinh, giáo viên trước khi vào lớp.

“Mỗi nhà trường, điểm trường học phải cử một cán bộ, giáo viên có am hiểu về lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19 làm đầu mối theo dõi, hỗ trợ giáo viên trong kiểm soát công tác phòng chống dịch tại từng lớp học; giữ mối liên hệ chặt chẽ với trạm y tế cơ sở xã, phường, thị trấn để được hỗ trợ y tế khi cần thiết.

Nếu phát hiện trường hợp giáo viên, học sinh có biểu hiện của bệnh Covid-19 phải kịp thời thực hiện nhanh các biện pháp giãn cách, không để tiếp xúc gần với các giáo viên, học sinh khác; đồng thời báo ngay cho trạm y tế kịp thời hỗ trợ thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Nếu xác định có giáo viên, học sinh F0 tiến hành ngay các biện pháp quản lý, điều trị F0 theo đúng quy định hiện hành”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Qua kiểm tra, các trường đã xây dựng kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc: Phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan trong trường học; kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ an toàn Covid-19 của trường.

Các trường đã chủ động trong việc tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non; thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin sớm đến cha mẹ học sinh, học sinh về việc chuẩn bị đi học trở lại; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị y tế cần thiết theo quy định.

Học sinh Trường THPT Mari Curie, Quận 3 (TPHCM) xếp hàng chuẩn bị vào lớp học.
Học sinh Trường THPT Mari Curie, Quận 3 (TPHCM) xếp hàng chuẩn bị vào lớp học.

Niềm vui ngày đầu năm

Vui mừng trong ngày trở lại trường, em Lê Bảo Ngọc, học sinh lớp 11, Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), cho biết: “Em và các bạn phải nghỉ học ở nhà quá lâu nên rất buồn và căng thẳng. Học online chỉ là giải pháp tình thế vì rất khó tương tác giữa thầy cô và học sinh cũng như các bạn trong lớp với nhau. Em đi học lại ngày hôm nay trong tâm thế rất yên tâm vì đã được tiêm vắc-xin, thầy cô cũng được tiêm đầy đủ. Em sẽ cố gắng học để đảm bảo chương trình và chuẩn bị cho hành trình cuối cấp sắp tới”.

Tại Đà Nẵng, ngày 7/2, học sinh khối 7 đến trường học trực tiếp buổi đầu tiên của năm học 2021 - 2022. Các trường học đều dành thời gian nắm bắt tâm lý, hướng dẫn các em quen với không khí trường lớp.

Ông Võ Trung Minh - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (Đà Nẵng) - chia sẻ: “Thời gian còn lại của năm học là không nhiều. Vì vậy, các trường vừa phải dạy bài mới nhưng đồng thời cũng phải cân đối thời gian để phụ đạo, bổ sung kiến thức cho những học sinh chưa nắm vững bài trong quá trình học trực tuyến. Tuy nhiên, những buổi đầu học sinh đến trường học trực tiếp trở lại, việc khảo sát chất lượng chưa thể tiến hành ngay mà cần chú trọng tổ chức các hoạt động để các em bắt nhịp với việc học trực tiếp”.

Ngày đầu tiên đến trường, học sinh khối lớp 7 của Trường THCS Nguyễn Huệ và THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) không khỏi háo hức và ngỡ ngàng trước quang cảnh của trường học. Dù trước đó, trong buổi lễ khai giảng trực tuyến, các em đã được xem những hình ảnh của ngôi trường vừa mới được đưa vào sử dụng nhưng vẫn không khỏi bất ngờ khi bước chân vào cổng trường.

Ngoài sơ đồ các lớp học đã được dán ngay tại cổng trường, Đoàn Thanh niên nhà trường đã hướng dẫn cụ thể để các em di chuyển về lớp học theo đúng như phân luồng.

Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ - cho biết: “Nhà trường yêu cầu giáo viên bộ môn dành một lượng thời gian nhất định ổn định tâm lý cho học sinh. Do các em đã quen với hình thức học trực tuyến trong một thời gian dài nên giáo viên cần hướng dẫn lại cho các em phương pháp học phù hợp với bộ môn khi chuyển sang học trực tuyến”.

Hàng trăm nghìn học sinh từ lớp 7 - 12 tại TPHCM đã đi học lại sau 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngay từ sáng sớm, tại Trường THPT Marie Curie, Quận 3, rất đông học sinh nô nức đến trường, chuẩn bị cho ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Vì học sinh THPT đã khá quen với việc đến lớp với các biện pháp 5K nên ai nấy tự giác trang bị cho mình khẩu trang, được sát khuẩn, đo nhiệt độ trước khi vào trường.

Tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Quận 3, theo chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Diệu, học sinh từ lớp 7 - 9 của trường sẽ học trực tiếp tại trường một buổi, còn vào khung thời gian khác, các em sẽ tự học. Theo kế hoạch, đến ngày 14/2, học sinh những khối lớp trên của trường mới có thể học 2 buổi, bán trú.

Ông Lê Phi, phụ huynh học sinh, chia sẻ: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, được biết, hiện TPHCM không còn quận, huyện nào thuộc vùng đỏ, cam và vàng. Chính vì vậy, gia đình yên tâm khi đưa con của mình trở lại trường học trong ngày đầu xuân.

Nhiều trường học tại Hải Phòng cũng mở cửa đón học trò. Em Hoàng Quỳnh Anh, học sinh lớp 9D4, Trường THCS Tô Hiệu, quận Lê Chân hồ hởi được gặp bạn bè, thầy cô sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến.

“Được gặp bạn bè, thầy cô em rất vui mừng. Sáng nay đến lớp, các bạn tíu tít, quây quần bên nhau chia sẻ buồn vui trong những ngày qua. Những câu chuyện dù bâng quơ tuổi học trò nhưng chúng bạn cười giòn tan một góc lớp khiến không khí mùa xuân thêm rộn ràng. Với học sinh lớp 9 chúng em được đi học lại càng sớm càng thuận lợi cho việc học tập và chuẩn bị kiến thức cho kì thi vào lớp 10 sắp tới”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Cô Lê Thuý Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu, quận Lê Chân, cho biết, trường có hơn 1.900 học sinh. Do vị trí ngay giáp đường lớn và cạnh ngã tư nên mật độ giao thông đông. Để tránh ùn tắc, học sinh của trường vào học sớm hơn 10 phút. Ngày đầu đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài, dù trời mưa rét nhưng rất ít em đến muộn. Thầy cô và học sinh đều phấn khởi đến trường và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

Cô trò gặp lại nhau sau 10 tháng tạm nghỉ vì dịch Covid-19. Ảnh: X.Uyên
Cô trò gặp lại nhau sau 10 tháng tạm nghỉ vì dịch Covid-19. Ảnh: X.Uyên

Lớp học 2 trong 1

Trước khi học sinh khối 8 - 9 đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đón học sinh lớp 7 đi học trực tiếp, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã test nhanh cho toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Thầy Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: Trong buổi học đầu tiên, ngoài một số học sinh đang là F1 phải ở nhà học trực tuyến, chỉ có một số em do có biểu hiện sốt, ho nên chưa đến trường trở lại.

Để chủ động trong tổ chức dạy - học, Trường THCS Lương Thế Vinh trang bị 8 phòng học theo mô hình lớp học 2 trong 1: Kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp. “Chính vì vậy, những học sinh do ảnh hưởng dịch, không thể đến trường học trực tiếp được đều không bị mất bài. Giáo viên sinh sống ở khu vực có mức độ dịch ở mức 3, 4 hoặc F1 sẽ dạy trực tuyến tại nhà, học sinh theo dõi bài qua màn hình tại lớp học” - thầy Quốc nói.

Hầu hết các trường học ở Đà Nẵng đều có những phòng học trực tiếp kết hợp với trực tuyến như vậy, học sinh và giáo viên dần thích ứng với hình thức dạy – học có sự thay đổi theo diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Có một số trường tổ chức riêng một lớp học trực tuyến/khối lớp vì có số học sinh sống ở địa bàn có mức độ dịch mức 3, 4 nhiều như Trường THCS Nguyễn Huệ.

An Giang, từ 7/2, học sinh khối 7 và 12 của các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Châu Phú (nơi đã thí điểm 2 tuần trước nghỉ Tết) tiếp tục trở lại trường học trực tiếp. Từ 14/2, học sinh từ khối 7 đến 12 trên toàn tỉnh sẽ học trực tiếp trở lại.

Chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, về chuyên môn, các trường trung học sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch dạy học từng trường với nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong Công văn 4040. Đồng thời, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh, tập trung cho các học sinh chưa học trực tuyến, học sinh có điều kiện học trực tuyến nhưng hiệu quả chưa cao.

Mặc dù dạy học trực tiếp nhưng hình thức trực tuyến tại An Giang vẫn được duy trì; hình thức có thể là tổ chức lớp riêng, livestream tiết dạy trực tiếp… tuỳ theo thực tế số lượng học sinh từng trường, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của học sinh. Bên cạnh đó, tổ chức giao ban rút kinh nghiệm hàng tuần để có đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các phương án dạy học, vừa đảm bảo chuyên môn, đồng thời đảm bảo an toàn cho học sinh, phù hợp nhất với điều kiện của từng cơ sở giáo dục.

Với Đồng Nai, từ 7 - 12/2, các trường tiếp tục duy trì học trực tuyến, nhằm theo dõi, kiểm soát dịch trong giáo viên, học sinh sau kỳ nghỉ Tết. Từ ngày 14/2 trở đi, các trường tổ chức học trực tiếp.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai Võ Ngọc Thạch thông tin, Sở đã đề nghị các trường triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; vệ sinh khử khuẩn trường lớp, đồ chơi, đồ dùng dạy học, chuẩn bị các điều kiện phòng chống dịch để bảo đảm 5K khi đón học sinh trở lại; sẵn sàng ứng phó với tình huống khi đi học trở lại có thể phát sinh dịch bệnh trong trường học.

Để không bị động và đảm bảo không gián đoạn học trực tiếp, phấn đấu mỗi khối lớp có ít nhất một lớp trang bị thiết bị phát trực tiếp buổi học trên lớp dành cho đối tượng học sinh là F1, F0 khi phải cách ly tại nhà.

Các nhà trường cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của học sinh và phụ huynh đối với việc tổ chức dạy học trực tiếp sau Tết. Phụ huynh cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe, chủ động báo cáo với nhà trường và địa phương khi học sinh có dấu hiệu bị nhiễm Covid-19…

Các trường quan tâm, tìm hiểu, tư vấn, hỗ trợ tâm lý và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức phù hợp với từng đối tượng; tổ chức cho học sinh kiểm tra định kỳ theo quy định; tập trung dạy học các môn học/hoạt động giáo dục theo các nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình... - Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Sở GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ