Mở cửa trường học: Chú trọng ổn định tâm lý cho học trò

GD&TĐ - Trước khi mở cửa đón học sinh trong tuần này, các nhà trường đã chuẩn bị kỹ các khâu từ cơ sở vật chất đến đội ngũ. Đặc biệt, công tác ổn định tâm lý cho học trò được hết sức coi trọng.

Trẻ được đến trường là ước mong của nhiều bậc phụ huynh sau nhiều tháng phải nghỉ dịch và chuyển sang học online. Ảnh: minh họa/INT
Trẻ được đến trường là ước mong của nhiều bậc phụ huynh sau nhiều tháng phải nghỉ dịch và chuyển sang học online. Ảnh: minh họa/INT

Quyết định hợp lý

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, trẻ mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6 ở các huyện/thị xã ngoại thành của Thủ đô chính thức quay trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/2. Thông tin này đã khiến nhiều bậc phụ huynh vô cùng vui mừng, nhất là với nhóm học sinh lớp 1 và mầm non. Trong hơn 9 tháng qua, trẻ mầm non 5 tuổi đã ra lớp 1 nhưng vẫn phải học online và chưa được gặp thầy cô, bạn bè. 

Anh Nguyễn Tiến Cường, phụ huynh có con học lớp 1 tại huyện Gia Lâm cho rằng, đến thời điểm này các cháu đã học online cả học kỳ 1 của năm học 2021-2022. Thời gian biểu cũng như giờ giấc sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Dù rất cố gắng sắp xếp nhưng vợ chồng anh Cường cũng không thể bố trí ngày nào cũng có người ở nhà để hỗ trợ con học trực tuyến. Do đó, cho học sinh tiểu học được đến trường lúc này là vô cùng hợp lý, giúp gia đình anh cởi bỏ được nỗi lo. 

Là bà mẹ của hai con học lớp 1 và mầm non 3 tuổi, chị Đỗ Phương Hằng (trú huyện Đan Phượng) thì chia sẻ: "Chúng tôi mong chờ tin này từ rất lâu rồi. Cháu bé dù không phải học trực tuyến như anh nhưng hàng tuần cô giáo vẫn gửi video hướng dẫn các kỹ năng tự chăm sóc bản thân để bé tự tập ở nhà. Cháu lớn đang học lớp 1, mỗi lần cho con tập viết là vợ chồng tôi phải "toát mồ hôi" vì không thể bằng được cô giáo dạy trên lớp. Hơn nữa, tình hình dịch Covid-19 hiện nay đang dần được kiểm soát, cộng thêm các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của nhà trường khiến phụ huynh yên tâm hơn". 

Cấp tiểu học tại Hà Nội đã dạy học online từ tháng 5/2021 đến nay.
Cấp tiểu học tại Hà Nội đã dạy học online từ tháng 5/2021 đến nay.

Dù rất phấn khởi vì con sắp được đi học trực tiếp, nhưng chị Trần Lệ Chi (trú huyện Quốc Oai) lại bày tỏ băn khoăn là làm sao các con sớm bắt nhịp được việc phải dậy sớm để đến trường học trong tiết trời rét như hiện nay. Nhất là các em vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 cũng như kỳ nghỉ dịch "dài miên man" như thời gian qua. 

Làm tốt công tác ổn định tâm lý học sinh

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Lê Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, ngay khi nhận được văn bản từ thành phố về việc cho phép học sinh tiểu học quay trở lại trường, nhà trường đã báo cáo Đảng ủy xã về việc phun khử khuẩn toàn trường để sẵn sàng đón học sinh. Đồng thời phối hợp với phụ huynh để dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Với hơn 200 học sinh khối 1 được chia thành 5 lớp, công tác chuẩn bị đón các em cũng được nhà trường tính toán kỹ. 

Cô Hà nhấn mạnh: "Việc cho phép học sinh được trở lại trường ở những khu vực có dịch ở cấp độ 1, 2 là quyết định đúng đắn của lãnh đạo thành phố. Đa số phụ huynh, học sinh rất háo hức mong chờ tới ngày này. Chúng tôi đã lên kịch bản để đón học sinh theo tinh thần hướng dẫn liên ngành Y tế - Giáo dục & Đào tạo thành phố, đảm bảo giãn cách. Dự kiến từ ngày 10/2 tới, nhà trường sẽ đón HS khối 1, 2 buổi chiều. Các khối 3,4,5 buổi sáng.

Trong sáng 10/2, nhà trường sẽ vẫn tổ chức đón các em lớp 1 quay trở lại trường tại nhà đa năng thật long trọng, ấm cúng để các em đỡ thiệt thòi. Ngày đó, các cô không cần dạy học sinh kiến thức mà chỉ cần dạy các em kỹ năng về phòng chống dịch, thăm quan trường lớp, biết được vị trí từng khu vệ sinh ở đâu. Tại buổi lễ đón trẻ lớp 1, nhà trường sẽ tổ chức tặng quà đầu năm để tạo không khí thân thiện, khơi gợi sự hứng khởi cho các em". 

Cô Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Phượng nhấn mạnh, khâu ổn định tâm lý cho học sinh khi trở lại trường là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới.
Cô Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Phượng nhấn mạnh, khâu ổn định tâm lý cho học sinh khi trở lại trường là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới. 

Còn theo cô Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Phượng (Đan Phượng, Hà Nội), nhiệm vụ đầu tiên trước khi đón học sinh chính là khâu tuyên truyền để phụ huynh phối hợp cùng thầy cô trong vấn đề phòng dịch. Đặc biệt, với trẻ lớp 1 thì càng cần sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ trong việc tuân thủ nguyên tắc "5K", kiểm tra thân nhiệt từ nhà để có phương án xử lý phù hợp. Công tác vệ sinh khử khuẩn trường lớp đã được tiến hành ngay từ trước Tết Nguyên đán.

Cô Oanh cũng cho hay, khi đón học sinh sẽ phải tuân thủ dạy 1 buổi/ngày. Ngoài ra, nếu thực hiện theo phương án chia đôi lớp học thì sẽ tạo áp lực và vất vả cho giáo viên. Do đó, đơn vị này cũng đang lập kế hoạch trình Phòng GD&ĐT huyện duyệt để thực hiện đón học sinh 3 khối học sáng và 2 khối học buổi chiều. Điều quan trọng khi đón trẻ trở lại trường chính là làm công tác tư tưởng để động viên, khích lệ tinh thần tạo sự hào hứng cho các em. 

Máy sát khuẩn tay tự động được lắp đặt tại Trường Tiểu học Đan Phượng từ năm học trước để học sinh sử dụng.
Máy sát khuẩn tay tự động được lắp đặt tại Trường Tiểu học Đan Phượng từ năm học trước để học sinh sử dụng.

Cô Dương Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) thông tin, trong sáng 7/2, nhà trường vẫn tổ chức lễ chào cờ trực tuyến với chủ đề "Chào xuân" cho học sinh. Trước khi nghỉ Tết, học sinh các khối, kể cả lớp 1 đều được thầy cô giáo yêu cầu làm các bài tập dưới dạng những công việc cụ thể để giúp đỡ gia đình chuẩn bị đón Tết như gói bánh, bày mâm ngũ quả, nấu cơm tất niên, thực hiện các biện pháp phòng dịch rồi gửi lên Zalo nhóm lớp, sau đó nhà trường sẽ tổng hợp thành dạng video hình ảnh.

Để ngày 10/2 tới thực sự là "Ngày hội của trẻ đến trường" sau nhiều tháng phải nghỉ dịch, nhất là với trò lớp 1 chưa từng được đến trường, nhà trường sẽ yêu cầu các em chấp hành các nội quy theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Ban giám hiệu sẽ gửi các bài tuyên truyền tới thầy cô chủ nhiệm để gửi tới nhóm Zalo các lớp để thực hiện. Ngày 7/2, nhà trường sẽ tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn, rà soát các trang thiết bị phục vụ phòng dịch như nước sát khuẩn, nhiệt kế điện tử, khẩu trang, vạch kẻ phân luồng... để sẵn sàng đón học sinh đảm bảo an toàn.

"Toàn trường có khoảng 1.500 học sinh, riêng khối 1 có 7 lớp với 269 em. Trong tiết học trực tiếp đầu tiên của ngày 10/2, thầy cô sẽ làm quen và hướng dẫn cho học sinh những quy định, nề nếp trên lớp. Khi đón học sinh hay lúc tan học, các em sẽ đi theo phân luồng ở hai khu vực cổng chính và cổng sau của trường. Các em sẽ đi theo những khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông cùng lúc. Các bậc phụ huynh cần chú ý tạo thói quen ngủ đủ giấc và dậy đúng giờ cho con để đến lớp đúng thời gian quy định. Thời gian đầu sẽ khá vất vả nhưng sau các em sẽ quen dần và đi vào nề nếp" - cô Dương Thúy Hà nói. 

Ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho hay, tính đến ngày 6/2, toàn huyện chỉ còn một xã Đại Thành có dịch ở cấp độ 3 nên sẽ tiếp tục dạy học online với tất cả các cấp học trong thời gian tới. Với các xã còn lại, từ ngày 8/2, học sinh từ khối 7 trở lên trở lại trường; trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 sẽ học trực tiếp từ ngày 10/2. Công tác chuẩn bị đón học sinh theo chỉ đạo của thành phố được huyện này luôn sẵn sàng. Được biết, toàn huyện Quốc Oai năm học này có 78 trường mầm non, tiểu học và THCS; 17 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục với 1.491 lớp và 46.563 học sinh. Riêng khối THCS có 23 trường, 364 lớp và 13.038 em. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.