Nơi đây, Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (tức bà Từ Cung) - vợ vua Khải Định - đã ở kể từ sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm tịch thu cung An Định vào năm 1955, cho đến khi bà qua đời vào năm 1980.
Ngôi nhà được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX theo phong cách kiến trúc Đông Dương, đã được bà Từ Cung cho mở rộng, sửa sang khi mua lại vào năm 1955. Sau thời gian chỉnh trang, nâng cấp, Trung tâm BTDTCĐ Huế khai trương dịch vụ văn hóa với mục đích lưu niệm một công trình mang dấu ấn của một nhân vật lịch sử triều Nguyễn.
Với mục đích “lưu niệm” một công trình có dấu ấn của một nhân vật trong lịch sử triều Nguyễn, tạo một điểm nhấn cho cộng động địa phương và du khách tham quan có cơ hội trải nghiệm những giá trị lịch sử, văn hóa Huế theo một hình thức mới: tìm hiểu lịch sử - văn hóa kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn; được sự đồng ý của UBND tỉnh và sự tham gia góp ý của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc cũng như một số nhà nghiên cứu Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã cho chỉnh trang, nâng cấp khu nhà và giao cho Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế (một đơn vị trực thuộc Trung tâm) triển khai hoạt động dịch vụ văn hóa, phục vụ khách tham quan và nhân dân địa phương.
Điểm nhấn của các hoạt động dịch vụ tại khu vực này là ngôi nhà 2 tầng xây dựng theo phong cách kiến trúc Đông Dương. Trong đó, tầng 1 và 2 của ngôi nhà là nơi trưng bày, giới thiệu các hình ảnh tư liệu về vua Khải Định, Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, gia đình cựu hoàng Bảo Đại và về Tôn Nhân Phủ.
Đặc biệt, tại tầng 2 có bố trí một phòng rộng nhất dành cho Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc sử dụng để họp công việc của hội đồng; một phòng chính giữa lập bàn thờ vọng Bà Từ Cung, một phòng thư viện của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc.
Các phòng còn lại ở 2 tầng được bố trí bàn ghế phục vụ du khách và nhân dân đia phương có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về gia phả Nguyễn Phúc tộc, triều Nguyễn và văn hóa Huế.
Đến với địa điểm này, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử của ngôi nhà, lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của Hoàng Thái Hậu cuối cùng của triều Nguyễn.