Minh Hóa nâng cao nhận thức trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

GD&TĐ - Huyện Minh Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Vẫn còn tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc

Huyện Minh Hóa (Quảng Bình) gồm 15 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa. Theo khảo sát của tổ chức CIRD (Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, VUSTA) tại 15 bản hưởng lợi từ các dự án do CIRD hỗ trợ thuộc 4 xã Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa, Dân Hóa trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, có 83% đồng bào biết rằng tảo hôn là vi phạm pháp luật; 71,8% người dân hiểu biết về hôn nhân cận huyết thống.

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc vẫn còn xảy ra. Theo số liệu thống kê, trong năm 2021 huyện Minh Hóa có 19 cặp vợ chồng trẻ dưới độ tuổi kết hôn được phát hiện. Năm 2022 vẫn có nhiều cặp tảo hôn. Hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở các bản làng vùng cao.

Hội LHPN huyện Minh Hóa tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Hội LHPN huyện Minh Hóa tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó ảnh hưởng lớn đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phát triển kinh tế-xã hội địa phương... Ngoài ra, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tác động đến chất lượng nòi giống, cuộc sống, tâm sinh lý, thể chất trẻ em. Kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật và hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra một thế hệ kế thừa còi cọc, suy dinh dưỡng, khả năng chống chọi với bệnh tật kém nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo.

Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn qua khảo sát được xác định chủ yếu tập trung vào đối tượng trẻ nghèo, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có cơ hội đến trường, ít giao tiếp với xã hội. Quá trình tiếp xúc theo kiểu “lửa gần rơm” trong lao động, lên nương rẫy dẫn đến phát sinh tình cảm.

Phần lớn các cặp đôi tảo hôn không nắm vững kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nên không thực hiện các biện pháp tránh thai, dẫn tới có thai trước hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn. Hôn nhân cận huyết thống là do nhận thức của người dân về tác hại của hôn nhân cận huyết còn hạn chế, hơn nữa bà con chủ yếu sống trong làng, trong bản, không tiếp xúc nhiều với các bản làng khác nên khi đến tuổi dựng vợ gả chồng cũng chỉ quanh quẩn tìm hiểu người trong bản với nhau, rồi kết hôn mà không biết được vợ chồng có quan hệ cận huyết thống.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua huyện Minh Hóa đã có nhiều cách làm thiết thực. Trong đó tập trung nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ, nam giới, trẻ vị thành niên tại cộng đồng bản làng cũng như đưa thông tin này vào dạy học ngoại khóa cho học sinh THCS, THPT; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cộng tác viên dân số. Minh Hóa nỗ lực thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình các CLB gia đình và pháp luật, DS-KHHGĐ tại 15 thôn, bản của 4 xã biên giới, bảo đảm tư vấn, can thiệp kịp thời trong phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Mới đây nhất, thực hiện Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Ban dân tộc tỉnh Quảng Bình phối hợp với Hội LHPN huyện Minh Hóa đã tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã biên giới Dân Hóa. Hội thi đã thu hút trên 50 hội viên phụ nữ của 06 bản làng tham gia tranh tài và có trên 300 người dân tới cỗ vũ, lắng nghe những thông điệp từ hội thi.

Bà Nguyễn Thị Lài – Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh truyền thông điệp phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại xã biên giới Dân Hóa.

Bà Nguyễn Thị Lài – Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh truyền thông điệp phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại xã biên giới Dân Hóa.

Bà Nguyễn Thị Lài – Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết: Chúng tôi chọn Dân Hóa để tổ chức hội thi, vì qua khảo sát Dân Hóa là địa bàn đang có nguy cơ cao về tăng tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong thời gian sắp tới. Hơn nữa tại đây có một số chi hội phụ nữ làm rất tốt công tác tuyên truyền như chi hội phụ nữ bản Y Leng, bản Ka Định, những năm gần đây hai bản này không xảy ra tình trạng tảo hôn và cận huyết. Qua đây để chúng tôi nắm bắt được điểm hạn chế, điểm mạnh trong công tác phòng chống tảo hôn, cận huyết và có kế hoạch tuyên truyền trong giai đoạn tiếp theo.

Nội dung thi xoay quanh các vấn đề như: Tìm hiểu các quy định pháp luật, tác hại và phòng chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống: Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2014); các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình; hệ lụy của tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; chăm sóc giáo dục trẻ em…

Bằng hình thức sân khấu hóa, với nhiều tình huống dở khóc, dở cười được các đội thể hiện qua phần thi tiểu phẩm, đã giúp cho đông đảo người dân biết được tác hại của hôn nhân cận huyết và tảo hôn, từ đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn này.

Các hoạt động tuyên truyền trực quan cũng được huyện Minh Hóa chú trọng. Hàng ngàn tờ rơi, pano, biển hiệu về phòng chống tảo hôn, cận huyết được đặt ở các nhà văn hóa bản làng. Tại 4 xã biên giới, UBND huyện Minh Hóa tăng cường mỗi xã 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch đạt chuẩn. Công chức Tư pháp-Hộ tịch đồng thời trở thành tuyên truyền viên tích cực phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, cán bộ thôn bản, người già uy tín... để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, chú trọng đến đối tượng thanh niên trẻ, phụ nữ trong độ tuổi chuẩn bị lập gia đình.

Huyện thực hiện hiệu quả chính sách thúc đẩy kinh tế-xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, hạn chế sự xâm nhập các luồng văn hóa xấu, độc. Đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... vào hương ước, quy ước thôn, bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống tảo hôn.

Tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống tảo hôn.

Một trong những đoàn thể tích cực tuyên truyền đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn đó là sự vào cuộc rất tích cực của Hội LHPN huyện Minh Hóa. Hiện hội đang duy trì tốt 02 câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa với gần 100 hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Hội tích cực vận động hội viên xây dựng gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

Bà Đinh Thị Ngọc Lê – Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa cho biết: Hàng năm chúng tôi đưa tiêu chí tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào đánh giá chất lượng hoạt động của các chi hội. Năm 2023, chúng tôi sẽ triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" và Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 năm 2022. Trong dự án này chúng tôi sẽ thành lập 21 tổ truyền thông cộng đồng tại các xã biên giới để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Kỳ vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các xã biên giới của huyện Minh Hóa sẽ được hạn chế, đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ