Mùa vàng ở vùng cao Minh Hóa

GD&TĐ - Từ xa xưa, đồng bào người Khùa, Mày ở các xã biên giới của huyện Minh Hóa đã có truyền thống làm lúa rẫy.

Ấm no từ truyền thống làm lúa rẫy

Cứ độ tháng 11 hằng năm, lúc tiết trời chuyển sang hanh khô là thời điểm bà con đồng bào Khùa, Mày tại các xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa của huyện Minh Hóa ( Quảng Bình) lại trèo đèo, vượt núi thu hoạch lúa rẫy. Năm nay thời tiết thuận lợi, lúa rẫy được mùa nên bà con rất phấn khởi.

Bà con phấn khởi vì lúa rẫy được mùa.

Bà con phấn khởi vì lúa rẫy được mùa.

Từ xa xưa, đồng bào người Khùa, Mày ở các xã biên giới của huyện Minh Hóa đã có truyền thống làm lúa rẫy. Đối với họ, lúa rẫy không chỉ đơn thuần là cây lương thực để duy trì cuộc sống, mà nó còn ẩn chứa một nét đẹp văn hóa cần phải giữ gìn.

Trong những năm gần đây, cây keo lai phát triển đã đem lại thu nhập cho người dân, chính vì thế diện tích trỉa lúa rẫy đã nhường chỗ cho cây keo. Tuy nhiên, bà con vẫn dành một diện tích nhất định để duy trì và giữ gìn phát triển giống lúa rẫy được ông bà, cha mẹ nhiều thế hệ trước để lại.

Khác với lúa nước, lúa rẫy có thời gian sinh trưởng và phát triển lâu hơn, theo đó từ khi trỉa hạt đến lúc thu hoạch khoảng hơn 6 tháng. Bắt đầu vào mùa mưa hằng năm, người Khùa, Mày lại lên đồi phát dọn cây cỏ, đến đầu tháng 5, khi rẫy đã được đốt xong, dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn tro và phần đất khá màu mỡ bên dưới, lúc ấy đồng bào mới mang gùi lên rẫy trỉa lúa. Những chiếc gậy được vót nhọn là dụng cụ dùng để chọc lỗ trỉa giống. Lúa rẫy phát triển hầu như dựa vào các điều kiện tự nhiên, bà con không hề sử dụng thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc. Những hạt lúa đã gửi vào lòng đất sẽ nhờ sương trời gió núi, mưa rừng để vươn mình nảy mầm xanh. Từ lúc trỉa hạt cho đến khi thu hoạch, bà con chỉ tốn công làm cỏ, còn cây tự sinh, tự dưỡng theo quy luật tự nhiên. Sau 6 tháng trồng, nếu thời tiết thuận lợi, cây lúa rẫy sẽ đơm bông, kết thành những hạt lúa to, chắc nịch, tỏa hương thơm ngát.

Tại xã Dân Hóa, diện tích trồng lúa rẫy biến động theo từng năm bởi tập quán trồng trọt của đồng bào. Mỗi năm, lúa rẫy chỉ được trồng đúng một mùa vụ, từ tháng 6 đến tháng 12 hoặc sớm hơn từ tháng 5 đến tháng 11 (âm lịch). Ngoài diện tích dành trồng lúa rẫy, bà con còn kết hợp trồng lúa rẫy ở những vùng cây keo lai còn thấp.

Bà con dùng tay để tuốt lúa.
Bà con dùng tay để tuốt lúa.

Tận dụng diện tích trồng keo để trồng lúa rẫy

Ông Hồ Xi, bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa cho biết: năm nay bà con trồng lúa rẫy nhiều hơn mọi năm, đa số là trồng trên diện tích đất trồng keo vì cây keo mới trồng đầu năm nên đang còn nhỏ, bà con tận dụng trồng cây lúa vào. Toàn xã trồng được 74 ha lúa rẫy, nhiều nhất là ở các bản Ba Lóc, Tà Rà – Hà Nông, Ốc, Hà Vi, Ka Ai – Ka Vàng và bản Cha Lo, sản lượng ước đạt 113 tấn. Được mùa lúa rẫy nên bà con rất phấn khởi, hiện bà con đang tập trung thu hoạch.

Theo chân anh Hồ Ba ở bản Ba Lóc xã Dân Hóa lên đồi thu hoạch lúa rẫy, do rẫy xa nhà, địa hình đồi dốc nên khi vào vụ thu hoạch, anh cùng bà con trong bản phải chuẩn bị cơm nắm, nước uống và dụng cụ sẵn sàng cho một ngày dài trên rẫy. Phải đi xe máy khoảng 15 - 20 phút, sau đó đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được những rẫy lúa của bà con. Tại đây, trước mắt chúng tôi là cả một triền đồi lúa rẫy đã chín vàng hoe, những vạt lúa cao ngang vai nối đuôi nhau trải dài cả một vùng, đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn.

Anh Hồ Ba cho biết, hầu như 100% hộ dân ở bản Ba Lóc đều làm lúa rẫy, và đây là bản có diện tích lúa rẫy lớn nhất của xã Dân Hóa, năm nay gia đình anh trỉa hơn 40kg hạt giống, có 03 rẫy lúa nằm cách xa nhau, nếu thu hoạch hết cũng được tầm 20 – 30 bì lúa tươi, thu hoạch xong rồi phơi cất ở chòi trên rẫy, sau đó mới mang về nhà.

Cách đó không xa, trên ngọn đồi bên cạnh, gia đình anh Hồ Xinh đang rộn ràng cười nói và tuốt những bông lúa vàng trĩu hạt. Vẫn những đôi bàn tay trần, từ đàn ông đến phụ nữ thoăn thoắt tuốt đầy từng gùi lúa. Anh Hồ Xinh cho biết: năm nay gia đình anh trỉa hơn 1 tạ lúa giống, thời tiết thuận lợi cộng với công vợ chồng anh thường xuyên có mặt trên rẫy để làm cỏ, đuổi chim, đuổi chuột phá hoại nên năng suất đạt rất cao, thu hoạch hết cũng được 50 – 60 bao lúa.

Tay thoăn thoắt tuốt từng bông lúa, anh Hồ Xinh bộc bạch, lúc còn nhỏ, anh thường theo cha mẹ lên rẫy, được học cách tuốt lúa, ban đầu hai bàn tay cũng đau nhức, thậm chí đầy vết xước, song làm mãi thành quen. Giờ đây, đối với anh, việc tuốt lúa bằng tay trở thành công việc bình thường như những việc khác. Bình quân một ngày anh tuốt được 3 – 5 bì lúa. Chỉ từ 7 – 10 ngày gia đình anh sẽ thu hoạch xong lúa rẫy.

Chia tay bà con bản Ba Lóc, ngược lên các bản vùng Ra Mai của xã Trọng Hóa, nhìn lên những quả đồi sẽ thấy màu của những rẫy lúa rực vàng trong nắng, bà con đang khẩn trương thu hoạch.

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết năm nay bà con trong xã trồng hơn 77 ha lúa rẫy, tập trung ở Dộ - Tà Vờng, Sy, Cha Cáp, Ka Óc, La Trọng, thời tiết thuận lợi nên lúa năm nay được mùa, năng suất đạt 19,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 149 tấn. Bà con sẽ chọn những bông lúa chắc hạt thu hoạch để riêng và bảo quản thật tốt và giữ lại làm giống cho vụ sau. Vì lúa rẫy thơm ngon nên bà con thường sử dụng mỗi khi nhà có khách quý, gia đình có việc hiếu hỉ, đặc biệt nhất là lễ cúng cơm mới để tạ ơn trời đất, các vị thần, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cái khoẻ mạnh, làm ăn phát triển, cộng đồng bà con các dân tộc được bình yên, đoàn kết với nhau để làm ăn, sinh sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ