Tân Lạc quyết tâm giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn

GD&TĐ - Huyện Tân Lạc (Hòa Bình) có tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống của người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên...

Nhờ sự quan tâm của Huyện uỷ, UBND huyện Tân Lạc, đời sống sinh hoạt của người dân ngày càng nâng cao.
Nhờ sự quan tâm của Huyện uỷ, UBND huyện Tân Lạc, đời sống sinh hoạt của người dân ngày càng nâng cao.

Phát triển hạ tầng...

Tân Lạc là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hoà Bình, có đường giao thông nối với Quốc lộ 1A. Tân Lạc như cửa ngõ nối liền giữa miền Tây Bắc và thủ đô Hà Nội. Địa phương này có diện tích tự nhiên khoảng 52,3 km2, trong đó hơn 80% là rừng núi. Phía đông giáp huyện Cao Phong, phía bắc giáp huyện Đà Bắc, phía tây giáp huyện Mai Châu, phía nam và tây nam giáp huyện Lạc Sơn và tỉnh Thanh Hoá.

Tân Lạc được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người Mường, Mường Bi là địa danh tiêu biểu. Hiện nay, huyện Tân Lạc chủ yếu có 2 dân tộc là Mường và Kinh.

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có chuyến công tác lên một số xã vùng cao thuộc huyện Tân Lạc. Được tận mắt thấy các tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã được trải cấp phối phong quang, sạch đẹp. Những ngôi nhà xây khang trang mọc san sát nhau chứng minh sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất xứ Mường nơi đây.

Có được sự thay da đổi thịt đó là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo huyện, chính quyền địa phương đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình dự án giảm nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân, làm diện mạo nông thôn ở các xã vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn ngày càng khởi sắc.

Đường xá được huyện Tân Lạc chú trọng đầu tư, mở rộng, tạo điều kiện cho người dân vận chuyển hàng hoá và đi lại.
Đường xá được huyện Tân Lạc chú trọng đầu tư, mở rộng, tạo điều kiện cho người dân vận chuyển hàng hoá và đi lại.

Nhân dân huyện Tân Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông, mặc dù đất nông nghiệp chỉ chiếm 14,2% diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đời sống sản xuất của bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Ông Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: “Chúng tôi xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Bởi vậy, hàng năm chúng tôi đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, triển khai sâu rộng đến từng xóm, từng xã. Chúng tôi ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm xá, trường học… tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách tốt nhất”.

Đời sống của người dân xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc ngày càng khởi sắc. Nhà cửa được xây dựng khang trang và kiên cố.
Đời sống của người dân xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc ngày càng khởi sắc. Nhà cửa được xây dựng khang trang và kiên cố.

Đẩy mạnh tuyên truyền...

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, những năm qua huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Cùng với đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, lạc hậu của bà con.

Bên cạnh đó, huyện Tân Lạc còn thông qua các chương trình dự án giảm nghèo 135 (chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi)… Huyện đã hỗ trợ cây, con giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm công lao động cho người dân vùng khó khăn. Từng bước thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai, để đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực.

Không chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Tân Lạc còn tuyên truyền bà con trồng bưởi đỏ tăng cao nguồn thu nhập.

Không chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Tân Lạc còn tuyên truyền bà con trồng bưởi đỏ tăng cao nguồn thu nhập.

Theo ông Nhỏ cho biết, huyện đã thực hiện hàng trăm công trình hạ tầng với tổng số vốn đầu tư trên vài trăm tỷ đồng, triển khai 1 số công trình thủy lợi, vài chục công trình nhà sinh hoạt cộng đồng... Các công trình được triển khai dân chủ, công khai đã phát huy hiệu quả, cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng khó khăn.

“Chúng tôi thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí trên 2 tỷ đồng, trong đó thực hiện 1 mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Trung Hòa. Hai dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Gia Mô và Lỗ Sơn. Hiện, chúng tôi đang phân bổ kinh phí cho UBND các xã triển khai các mô hình với kinh phí 907 triệu đồng, giúp người dân phát triển sản xuất. Gần 4 năm qua, chúng tôi đã thực hiện 72 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất tại cơ sở với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng”, ông Nhỏ thông tin thêm.

Ngoài ra, huyện Tân Lạc còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp bà con vay vốn chăn nuôi trâu bò sinh sản, trồng cây ăn quả có múi, đào ao thả cá, xây dựng nhà ở và sản xuất kinh doanh... Nhờ vậy đã giúp hàng trăm lượt hộ nghèo, có vốn phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Chị Bùi Thị Xuyến, xóm Biệng, xã Quyết Chiến chia sẻ: “Trước đây, tôi vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư trồng cây su su, số tiền dư còn lại tôi mua thêm 2 con bò sinh sản về nuôi phát triển kinh tế. Sau đó tôi tích cực lao động sản xuất, chắt chiu dành dụm, đến nay gia đình tôi đã có 6 con bò và vườn su su rộng hơn 2.000m2. Hiện, cuộc sống của gia đình đã thoát nghèo và khá giả hơn. Đối với tôi, sự quan tâm kịp thời của huyện, xã thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi là tiền đề, động lực giúp gia đình tôi thoát nghèo”.

Người dân ở xã Quyết Chiến đã có điện, đường xá... đời sống sinh hoạt ngày càng được nâng cao.

Người dân ở xã Quyết Chiến đã có điện, đường xá... đời sống sinh hoạt ngày càng được nâng cao.

Huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách đến từng người dân. Rà soát và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cá nhân còn thiếu và sai thông tin. Chỉ đạo sát sao công tác rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo sát với thực tế của từng hộ gia đình. Hàng năm, UBND huyện đều tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, giúp các nông hộ thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi các loại gia súc gia cầm theo hướng tăng năng suất, hiệu quả hơn.

Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp lãnh đạo huyện, cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng khó khăn của huyện Tân Lạc đã có những đổi thay rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm, đời sống sinh hoạt vật chất của người dân được nâng cao rõ rệt.

Ông Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại như: Chăn nuôi bán tự nhiên gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả ở các xã có diện tích đồi núi lớn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là tạo giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con nông dân. Đồng thời, chúng tôi sẽ chú trọng đến chất lượng giáo dục các cấp trên địa bàn huyện, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, góp phần giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đạt hiệu quả cao nhất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.