Minh bạch thông tin để làm rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo

GD&TĐ - Thực hiện Kế hoạch số 225/KH-BGDĐT ngày 17/4/2018 về triển khai công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở GD ĐH, các trường CĐ, trung cấp có đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ năm 2018; Bộ GD&ĐT đã và đang tổ chức các đoàn công tác kiểm tra một số cơ sở đào tạo ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam; theo danh sách của Tổ công tác lựa chọn, với tiêu chí không phân biệt các loại hình trường, không phân biệt trường đã hoặc chưa được kiểm định chất lượng GD.

Minh bạch thông tin để làm rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào chiến lược phát triển

Một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên được Tổ công tác kiểm tra Trường ĐHSP Thái Nguyên, với Đoàn kiểm tra do PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) làm Trưởng đoàn. Tại đây, hai bên thống nhất xác nhận thông tin liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 (tính đến thời điểm tháng 12/2017) của cơ sở đào tạo.

Theo PGS Mai Văn Trinh, Trường ĐHSP Thái Nguyên có bề dày truyền thống và nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục và cho xã hội trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Nhất là trong bối cảnh đổi mới như hiện nay thì nhà trường càng có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, Trưởng đoàn Kiểm tra cũng có lưu ý các khoa, phòng trong đó có bộ phận tổ chức cán bộ của trường cần tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về đào tạo đội ngũ giảng viên phải theo quy hoạch, bám sát chiến lược phát triển của trường.

Theo kinh nghiệm thực tế, giảng viên muốn được đào tạo sau đại học ở ngành mà mình thấy thuận lợi nhất, nhưng cái thuận lợi nhất của họ chưa chắc đã đóng góp tốt nhất cho chiến lược phát triển của nhà trường. Cho nên nhà trường cần có chiến lược trung hạn, dài hạn và cần tập trung vào giải quyết những vấn đề cốt lõi để phát triển ổn định, bền vững, trong đó cần tập trung hoàn thiện, nâng cấp các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Nhận xét về quy mô đào tạo, PGS Mai Văn Trinh cho rằng, so với mức quy định tối thiểu thì tiềm lực hiện nay của trường đang vượt khá xa, có thể đáp ứng tốt các yêu cầu đào tạo. Dẫu vậy, nhà trường vẫn phải đảm bảo sự ổn định và phát triển, chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây cũng thực sự là thách thức của nhà trường.

“Nhà trường phải làm thế nào để đảm bảo tài chính, chăm lo cho đời sống cho cán bộ, giảng viên? Mặt khác nhà trường cũng có thể tự tin khẳng định với xã hội rằng, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên không vì mục đích tăng quy mô để tuyển sinh một cách tùy tiện, mà luôn coi trọng chất lượng” – PGS Mai Văn Trinh nêu quan điểm, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của nhà trường trong công tác đào tạo. Hiện nhà trường đang có sự chuyển hướng sang bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có. Đây là trách nhiệm của nhà trường với ngành Giáo dục nói riêng và trách nhiệm với xã hội nói chung.

Về vấn đề sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, PGS Mai Văn Trinh cho rằng, cách làm của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chưa đồng bộ. PGS gợi ý, cần có sự đầu tư và lâu dài cũng nên xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh viên. Ngay từ khi các em nhập học, nhà trường đã có cơ sở dữ liệu quản lý sinh viên. Cơ sở dữ liệu này phải được cập nhật thường xuyên. Tất nhiên, cần phải có sự chuyển biến, thay đổi trong nhận thức cả phía nhà trường và sinh viên. Đặc biệt tuyên truyền để sinh viên nhận thức được rằng, việc trả lời phiếu khảo sát là trách nhiệm của mình với nhà trường và với thế hệ sau. Theo đó, nhà trường có thể sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin bằng cách sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng web để xử lý việc này.

Đặt vấn đề về khởi nghiệp và khả năng tự tạo việc làm đối với ngành Sư phạm, PGS Mai Văn Trinh mong muốn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cần nghiên cứu, đầu tư và tiên phong về vấn đề này trong khối các trường sư phạm. Nếu nhà trường giải quyết được việc này thì quả thật sẽ đóng góp rất lớn cho ngành và cho xã hội.

Làm tốt hơn công tác khảo sát việc làm của SV sau tốt nghiệp

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), dẫn đầu Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT là TS Trần Văn Kiên - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng. Đoàn công tác đã rà soát thực tế về đội ngũ

giảng viên, cơ sở vật chất, đây là các điều kiện căn bản để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Bên cạnh đó, Đoàn cũng kiểm tra công tác khảo sát tình hình việc làm của SV sau tốt nghiệp, cũng như ghi nhận các khó khăn của nhà trường trong thực hiện nội dung này.

Đánh giá về công tác đảm bảo chất lượng của trường, TS Trần Văn Kiên cho rằng, nhà trường đã rất quan tâm tới chất lượng đào tạo, nhà trường đã đầu tư rất tốt cho công tác kiểm định chất lượng cấp cơ sở GD cũng như cấp chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Bên cạnh việc đầu tư cho kiểm định chất lượng cũng như chuẩn hóa các chương trình đào tạo, nhà trường cũng rất quan tâm tới việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường. Tại thời điểm kiểm tra, trường có 9 GS, 101 PGS, 268 TS và 280 ThS cơ hữu. Đây là con số rất ấn tượng trên quy mô tuyển sinh ổn định của nhà trường trong nhiều năm qua.

Thực tế, xem xét tỉ lệ SV giảng viên quy đổi của trường cũng cho thấy rõ nhà trường đã rất chú trọng công tác đảm bảo chất lượng khi cả ba khối ngành đang đào tạo là khối ngành IV, V và VII đều có tỉ lệ đáp ứng tốt hơn so với quy định của Bộ GD&ĐT…

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra công tác khảo sát tình hình việc làm SV sau tốt nghiệp hiện gặp một số khó khăn, mặc dù nhà trường rất quan tâm đến công tác này. Thông tin từ nhà trường cho biết đã xác định việc thống kê việc làm SV tốt nghiệp là rất quan trọng và được thực hiện hàng năm, bắt đầu từ năm 2008.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trường gặp một số khó khăn do số lượng SV tốt nghiệp có phản hồi không cao, chưa đáp ứng hướng dẫn theo Công văn số 2919/BGDĐT-GDĐH ngày 10/7/2017 của Bộ GD&ĐT. Đoàn kiểm tra đã đề nghị nhà trường nghiên cứu, có phương pháp khắc phục các khó khăn, thực hiện công tác khảo sát tình hình việc làm của SV tốt nghiệp đúng quy định, đảm bảo độ tin cậy.

Xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực đào tạo

Tại Trường ĐH Công đoàn, sau khi triển khai các nội dung kiểm tra, Đoàn công tác do PGS.TS Mai Văn Trinh làm Trưởng đoàn, đã ghi nhận: Năm 2018, với tổng quy mô dự kiến là 7.573 SV trình độ ĐH hệ chính quy đối với khối ngành III và khối ngành VII trường đang đào tạo, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 nhà trường tự xác định là 2.000. Với quy mô này, diện tích sàn xây dựng của trường phục vụ đào tạo đạt bình quân 4,12 m2/SV, đáp ứng tốt hơn mức tối thiểu theo quy định 2,8 m2/SV (tại Thông tư số 06/TT-BGDĐT).

Tỷ lệ SV/giảng viên quy đổi đạt 25 SV/giảng viên quy đổi (so với quy định tối đa là 25 SV/giảng viên quy đổi), như vậy đội ngũ giảng viên nhà trường đáp ứng năng lực đào tạo theo quy định.

Tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm trong thời gian 12 tháng khá cao. Cụ thể, năm 2016, tỉ lệ này đạt trên 90% (1.010/1.118 SV được hỏi và phản hồi có việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường).

Trên cơ sở báo cáo của nhà trường và thực tế kiểm tra tại trường, Đoàn kiểm tra kết luận: Chỉ tiêu tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh năm 2018 của nhà trường cơ bản đáp ứng quy định, phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường.

Kết luận về kết quả kiểm tra, PGS.TS Mai Văn Trinh đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của Trường ĐH Công đoàn trong việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực đào tạo của nhà trường trong Đề án tuyển sinh năm 2018. Những thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Công đoàn được công khai trong Đề án tuyển sinh năm 2018 đã cho thấy tinh thần trách nhiệm của trường trong chiến lược phát triển dài hạn của mình.

Đó cũng là hướng đi để khẳng định uy tín, thương hiệu cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường, tạo điều kiên cho thí sinh, gia đình và xã hội giám sát và lựa chọn đăng ký vào học các ngành/chuyên ngành đào tạo của trường, đồng thời cũng tạo điều kiện rất tốt cho các cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo của nhà trường.

Mục đích đợt kiểm tra nhằm thực hiện kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở GD ĐH, các trường CĐ, trung cấp có đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để xác định năng lực đào tạo thực tế của các trường nhằm công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng chủ yếu của trường trước kỳ tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học và cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...