Đánh giá chất lượng tuyển sinh sư phạm phải nhìn vào danh sách trúng tuyển

GD&TĐ - GS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên – lưu ý như vậy trước ý kiến cho rằng nhiều trường sư phạm năm nay có điểm trúng tuyển thấp.

Đánh giá chất lượng tuyển sinh sư phạm phải nhìn vào danh sách trúng tuyển

Theo GS Phạm Hồng Quang: Kết quả xét tuyển năm nay, nhìn trên bảng dữ liệu các trường sư phạm, ở một số ngành như mầm non, tiểu học, do nguồn tuyển khá dồi dào, điểm chuẩn tương đối cao còn một số ngành khác vẫn phải lấy bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, trong thực tế thì tỷ lệ thí sinh trúng tuyển có điểm bằng “điểm sàn” trong danh sách trúng tuyển chiếm rất thấp, ví dụ ở Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, một số ngành những thí sinh có điểm 15,5 chỉ hơn 1%. Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, thí sinh trúng tuyển có mức điểm từ 19 trở lên chiếm khoảng trên 80%.

Như vậy, đánh giá chất lượng tuyển sinh cần nhìn vào danh sách trúng tuyển mới có cái nhìn chính xác, toàn diện không nên chỉ nhìn vào điểm trúng tuyển theo công bố điểm chuẩn.

Không chỉ Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, phần lớn các trường sư phạm khác, số thí sinh 15,5 điểm trúng tuyển có tỷ lệ rất thấp; có khoảng 70% có mức điểm từ 18 trở lên. Như vậy, phổ chất lượng cũng là đảm bảo tốt.

- Điểm trúng tuyển của các trường sư phạm năm nay so với năm trước có biến động gì không, theo ông?

Tôi chưa có phân tích tổng thể, nhưng đối với Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, mức điểm trúng tuyển cũng tương đương những năm trước.

Năm 2016, điểm trung bình chung vào trường là 19 - 20 điểm thì năm nay cũng tương tự như vậy ở nhiều ngành.

Chỉ có điều, một số ngành như đã nói ở trên, lấy điểm bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT là 15,5 điểm. Nhưng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ở mức điểm này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ như đã nói.

- Với mức điểm đầu vào như của các trường sư phạm hiện nay, theo ông có đáp ứng được đầu ra là những giáo viên chất lượng, có thể đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới?

Chất lượng đầu vào (thể hiện ở ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định) cũng chỉ là 1 trong chỉ số để đảm bảo chất lượng. Đương nhiên, nếu chất lượng đầu vào tốt, có thể có chất lượng đầu ra tốt hơn.

Tuy nhiên, chất lượng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: quá trình đào tạo, chương trình, nguồn lực, năng lực kiểm soát đầu ra của các trường ĐH.

Hiện nay, trong các trường ĐH nhấn mạnh đến sát hạch nghề nghiệp, nhấn mạnh đến việc đạt chuẩn đầu ra. Như vậy, thí sinh đầu vào có thể đa dạng ở mức điểm khác nhau, nhưng nếu chuẩn đầu ra xác định tốt thì vẫn đáp ứng được yêu cầu chất lượng.

Hiện nay, các trường sư phạm đã xác định rất rõ chuẩn đầu ra cho từng ngành và chuẩn đầu ra đó là năng lực cần thiết, cơ bản để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cho nên, theo tôi, hiện nay việc quan trọng nhất trong các trường ĐH là sát hạch theo chuẩn và xây dựng chuẩn đầu ra bám sát thị trường lao động (đó là những năng lực người giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu giáo dục phổ thông mới).

- Năm nay, điểm trúng tuyển vào các trường công an, quân đội rất cao; trong khi đó điểm khối sư phạm chỉ ở mức trung bình. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu để tìm hiểu nguyên nhân thì cần phải có báo cáo phân tích. Tuy nhiên, nhìn vào các trường công an quân đội có điểm chuẩn cao thì có thể lí giải yếu tố đầu ra quyết định phần lớn đầu vào.

Đầu ra được xác định bởi yếu tố vị trí việc làm đã tương đối rõ. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo trường công an quân đội, sinh viên cũng được quan tâm đầu tư với quy trình chất lượng tốt. Tôi cho rằng, đây cũng là sức hút mạnh các thí sinh có điểm cao.

Tuy nhiên với các trường sư phạm, đầu ra có khó khan, trong khi mâu thuẫn giữa nhu cầu điều tiết của nhà nước (các ngành đang thiếu) với nguyện vọng cá nhân thí sinh cũng là một khó khăn của các trường sư phạm.

Ví dụ, giáo viên ở những môn Nghệ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Tin học, trên thực tế vẫn đang thiếu ở một số trường phổ thông và không cân bằng giữa các nơi, nhưng nguyện vọng các cháu đăng ký vào các ngành này rất ít, thậm chí có ngành không có.

Ai cũng nhận ra điểm chuẩn đầu vào nhiều khi phụ thuộc và sức hấp dẫn của đầu ra. Đầu ra được xác định rõ về vị trí việc làm và trong quá trình đào tạo cũng có chính sách quan tâm đầu tư thì thành tố quan trọng, tác nhân kích thích chất lượng đầu vào rất tốt.

Chúng tôi cũng mong muốn các trường sư phạm được đầu tư, được quan tâm như ngành công an quân đội và sinh viên sư phạm ra trường có sự phân bổ việc làm, chắc chắn điểm chuẩn đầu vào cũng rất là cao. Tuy nhiên đây là điều rất khó.

Nhưng trên thực tế, “thị trường lao động” của ngành giáo dục hiện nay cũng là một vấn đề cần nghiên cứu và phân tích toàn diện từ nhu cầu đến dự báo và chiến lược, tuyển dụng giáo viên cũng như kế hoạch tái cấu trúc các trường sư phạm.

- Cuối cùng, ông nhận định thế nào về công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay?

Từ phía nhà trường, tôi cho rằng công tác tuyển sinh năm nay rất thuận lợi, nguồn dữ liệu rất rõ ràng và được xử lý theo các bước, quy trình bài bản, chặt chẽ; nguồn tuyển dồi dào. Do đó, các trường rất thuận lợi.

Vấn đề thí sinh ảo năm nay cũng được Bộ GD&ĐT giải quyết rất tốt; từ đó các trường có trong tay chính xác số thí sinh có nguyện vọng vào từng trường.

Việc xét tuyển năm nay có ưu điểm nữa là thông tin minh bạch, sáng rõ ngay từ đầu, không bị rối loạn, các trường chủ động được điểm chuẩn chính xác, dễ dàng hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ