Minh bạch để công bằng

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT dự kiến lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển và thực hiện nguyên tắc thí sinh “chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điều chỉnh này được cho là động thái tích cực nhằm chấm dứt tình trạng “giữ chỗ” trong tuyển sinh và bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Mùa tuyển sinh năm trước, dư luận không khỏi bức xúc trước tình trạng nhiều cơ sở giáo dục đại học yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm để “giữ chỗ”. Kết quả, dù nhiều em chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã nắm chắc “tấm vé” vào đại học. Không dừng lại ở đó, việc một thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường ở nguyện vọng khác nhau đã dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo rất cao. Hệ quả là, thí sinh “giữ chỗ” đã làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác.

Đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, tỷ lệ thí sinh nhập học/trúng tuyển (theo kết quả lọc ảo lần 1) năm 2021 thấp hơn năm 2020. Phân tích số liệu trong vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo cao nhưng nhập học ngày càng giảm. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT) yêu cầu xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn. Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo khi xét thí sinh trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.

Từ thực trạng trên, Bộ GD&ĐT dự kiến thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1 và áp dụng nguyên tắc thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất (nguyện vọng yêu thích và ưu tiên nhất). Đại diện Vụ Giáo dục Đại học khẳng định, việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của cơ sở đào tạo, bởi các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh.

Trên hết là, các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo. Cùng với đó, quyền lợi thí sinh được bảo đảm, vẫn được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Nói cách khác, với giải pháp mà Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh.

Nhiều người kỳ vọng, với sự điều chỉnh của Bộ GD&ĐT sẽ khắc phục được những bất cập còn tồn tại trong mùa tuyển sinh năm trước và đặt dấu chấm hết cho hiện tượng “giữ chỗ” đã từng xảy ra. Trên hết là, sự tin tưởng vào một mùa tuyển sinh công bằng, khách quan và trọn vẹn. Lẽ tất nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót.

Vì thế, ngoài quyết tâm của Bộ GD&ĐT trong việc triển khai, nâng cấp phần mềm, rất cần sự chung sức, đồng lòng của các địa phương, cơ sở giáo dục đại học và thí sinh cũng như toàn xã hội. Bởi tất cả đều chung mục đích hướng tới sự bảo đảm công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...