Tạo thói quen chấp hành luật giao thông

GD&TĐ - Từ chấp hành Luật Giao thông bắt buộc nhờ vào camera AI đến 'tự giác chấp hành' là một quá trình lâu dài.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Những ai lái ô tô có cài đặt phần mềm dẫn đường, khi chạy trên đường, thường xuyên phải nghe câu này: “Phía trước có camera phạt nguội”, hoặc một câu tương tự: “Phía trước có camera giám sát vượt đèn đỏ”… Dù có lơ đễnh đến mấy đi nữa thì khi nghe những câu cảnh báo ấy, tài xế nào cũng… rà thắng, giảm tốc độ và quan sát đèn tín hiệu giao thông để đi cho đúng luật.

Vì nếu không chú ý những cảnh báo ấy, tài xế sẽ bị phạt nguội nếu chạy quá tốc độ cho phép hoặc vượt đèn đỏ. Tiền phạt nguội cho một lỗi vượt đèn đỏ đối với ô tô lên đến 20 triệu đồng nên chả ai dám “lơ đễnh” khi chạy xe trên đường.

Phạt nóng, tức cảnh sát giao thông phạt trực tiếp người mắc lỗi, thì còn “gọi điện cho người thân” hoặc trình bày hoàn cảnh, năn nỉ ỉ ôi xin xỏ, thậm chí “lót tay” để được thoát án phạt nhưng phạt nguội thì hết đường thoát hiểm, chỉ còn cách đến nơi nộp phạt thôi.

Ở Hà Nội đang triển khai lắp đặt hệ thống camera AI (trí tuệ nhân tạo) khắp các tuyến đường để “không một cảnh sát giao thông nào đứng ngoài đường để bắt lỗi người tham gia giao thông nữa”, như lời của Giám đốc Sở Công an Hà Nội trả lời báo chí mới đây.

Khi hệ thống camera AI được phủ khắp các tuyến đường, cảnh sát giao thông chỉ làm nhiệm vụ ổn định trật tự giao thông nếu trên đường gặp sự cố nào đó và… kiểm tra camera AI để gửi thông báo cho người phạm lỗi đến nộp phạt.

Không chỉ giám sát các lỗi phổ biến như chạy quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ hoặc giẫm vạch, camera AI còn giám sát cả việc nẹt pô, đánh võng lạng lách trên đường nữa. Nghĩa là, người tham gia giao thông không chỉ chấp hành nghiêm Luật Giao thông ở những ngã tư có đèn tín hiệu mà phải chấp hành đúng luật ở mọi nơi, mọi lúc nếu không muốn bị phạt nguội. Có camera AI, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu mà cảnh sát giao thông cũng đỡ mang tiếng là “ăn hối lộ vặt”.

Việc đưa trí tuệ nhân tạo vào phục vụ đời sống hàng ngày, ở đây là giám sát các hành vi vi phạm Luật Giao thông, sẽ góp phần vào việc ổn định tình hình trật tự giao thông, giảm thiểu tai nạn và thực hiện nếp sống văn minh đô thị một cách hữu hiệu nhất.

Chỉ có thể chấp hành Luật Giao thông một cách triệt để một khi người tham gia giao thông bị giám sát từng hành vi nhỏ nhất của mình và bị phạt nặng nếu vi phạm luật.

Không tự giác chấp hành thì phải chịu sự giám sát chặt chẽ của luật bằng nhiều cách, ở đây là camera AI. Từ sợ bị phạt, dần dần tạo thói quen cho người tham gia giao thông. Ở các nước văn minh, người tham gia giao thông luôn chấp hành luật rất tự giác, trở thành thói quen mỗi khi ra đường, có lẽ cũng bắt nguồn từ việc giáo dục và kiểm soát hành vi bằng các biện pháp hữu hiệu.

Từ chấp hành Luật Giao thông bắt buộc nhờ vào camera AI đến “tự giác chấp hành” là một quá trình lâu dài. Chỉ khi nào người tham gia giao thông không còn nghe cảnh báo “phía trước có camera phạt nguội” mà vẫn chạy đúng tốc độ cho phép, vẫn dừng trước vạch vôi khi đèn đỏ thì khi ấy mới nói đến hai từ “văn minh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ