“Em ở lại trường thôi!”
Chiều muộn một ngày trung tuần tháng 1, chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, huyện Mường Lát, khi bếp của nhà trường đã thơm mùi cơm trắng hòa quyện thức ăn.
Học sinh bán trú của trường đến từ 3 bản: Con Dao, Suối Tút (bản người Dao) và bản Hạm (bản người Thái), cách trường 7 – 8 km trở lên. Sau giờ học và chơi thể thao, 37 học sinh bán trú xuống nhà ăn, dùng bữa cơm chiều. Bàn ghế sạch sẽ, khay cơm, thức ăn nóng hổi bày lên bàn cho 6 học sinh ngồi ăn.
Bữa cơm chiều có món giò nạc sốt cà chua, bắp cải được xào và nấu canh. Các em lần lượt vào bàn ăn dùng bữa tối ngon lành.
Em Phan Thị Anh Thư - lớp 4C, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, nhà ở bản Con Dao (xã Quang Chiểu) chia sẻ: “Em được ăn, ở bán trú từ năm học lớp 4. Trong tuần, em ăn các món như thịt lợn, thịt gà, giò nạc, cá kho, đậu phụ, trứng rán (tùy bữa), rau củ quả, cơm trắng. Bữa cơm bán trú được nhà bếp nấu ngon hơn đồ ăn mẹ nấu ở nhà. Vì thế, em thích ở lại trường”.
Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 có 322 học sinh, trong đó 144 em thuộc diện hộ nghèo, nhưng chỉ 40 em được hưởng chế độ theo Nghị định 116 năm 2016. Nguồn thực phẩm phục vụ bếp ăn được nhà trường ký hợp đồng nhập với nhà cung cấp có đủ hồ sơ pháp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý.
“Trong số 40 em hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116, thì 37 em ở các bản Con Dao, Suối Tút và bản Hạm, mỗi học sinh hưởng 720.000 đồng/tháng. Do đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch nuôi ăn bán trú để tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh vơi đi vất vả”, thầy Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, do điều kiện nhà trường và địa phương khó khăn nên khi xây dựng kế hoạch nuôi ăn bán trú, ban giám hiệu phải họp bàn với phụ huynh kỹ càng, rõ ràng, minh bạch. Được sự thống nhất, nhà trường đã kêu gọi xã hội hóa từ các nhà hảo tâm để xin hỗ trợ từng chiếc thìa, khay ăn, bàn ghế, nồi nấu... Đồng thời, lo cho học sinh từ chiếc áo ấm, chăn bông, giường chiếu...
“Khó khăn lắm, nên phải quyết tâm mới tổ chức được bữa ăn, ở bán trú cho học sinh. Mỗi tháng, học sinh nhận hỗ trợ 720.000 đồng, chúng tôi phải tính toán thật kỹ để phụ huynh không phải đóng thêm tiền cho con”, thầy Thảo tâm sự và cho hay, sau khi lập kế hoạch, tính toán, mỗi học sinh ăn với định mức 35.000 đồng/ngày (bao gồm gạo, gas, thực phẩm, gia vị...). Trong đó, có 10.000 đồng ăn sáng và hai bữa chính, mỗi bữa hết 12.500 đồng.
“Ngoài số tiền 720.000 đồng trợ cấp, mỗi học sinh được hưởng 15 kg gạo/tháng, nhà trường giao cho phụ huynh. Các em ăn ở trường, từ trưa thứ 2 đến sáng thứ 6 (16 ngày/tháng), rồi phụ huynh đón về nhà. Do đó, mỗi tháng, chi phí cho một học sinh ăn và sinh hoạt hết 643.000 đồng. Còn lại 77.000 đồng, phụ huynh được nhận về”, thầy Thảo thông tin.
Trường PTDTBT THCS Trung Lý tổ chức gói bánh chưng cho học sinh dịp tất niên năm nay. |
Minh bạch chi tiêu
Khác với Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, Trường PTDTBT THCS Trung Lý có 441 học sinh bán trú. Đây là ngôi trường có số lượng học sinh ăn, ở bán trú nhiều nhất huyện Mường Lát. Phần lớn học sinh nhà xa, cách trường từ 10 – 50 km, nên ăn, ở bán trú tại trường.
Cũng từ nguồn kinh phí hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước theo Nghị định 116, nhà trường phục vụ nấu ăn cho các em cả tháng, mỗi suất ăn bữa chính 12.000 đồng. Trong đó, 10.000 đồng là tiền mua thực phẩm, rau củ quả; 2.000 đồng tiền gas, điện, gia vị, nước rửa bát, lau sàn.
Em Sùng Thị Lan Anh - học sinh lớp 9B, Trường PTDTBT THCS Trung Lý (nhà ở bản Tà Cóm, cách trường hơn 50 km), thi thoảng mới về thăm nhà. “Từ khi học lớp 6, em ở bán trú tại trường, được các thầy, cô giáo quan tâm dạy dỗ, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Vì thế, bố mẹ em rất yên tâm”, Lan Anh tâm sự.
Cũng theo Lan Anh, bữa ăn hằng ngày ở bếp nhà trường thay đổi với những món, như: Thịt lợn, thịt gà, cá, đậu phụ, trứng rán (tùy bữa), rau xanh, củ quả, cơm trắng. Các suất ăn bán trú được nhà bếp nấu nóng sốt, hợp khẩu vị.
Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với số kinh phí này, nhà trường đã thỏa thuận với phụ huynh chỉ nấu ăn hai bữa chính trong ngày để khẩu phần thức ăn mỗi bữa đảm bảo. Còn bữa sáng, phụ huynh tự lo cho con em.
Do số lượng học sinh bán trú nhiều, nhà trường hợp đồng 4 nhân viên nấu ăn và chi trả mỗi tháng 3 triệu đồng/người từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa.
“Hằng ngày, ban giám hiệu phải phân công người có mặt tại nhà ăn bán trú, để giám sát nguồn thực phẩm, khâu chế biến, nấu ăn, thăm dò ý kiến học sinh về bữa ăn và động viên các em ăn hết phần cơm của mình. Cuối tháng, nhà trường công khai với phụ huynh số ngày ăn cơm bán trú của học sinh. Em nào không ăn đủ 30 ngày/tháng, sẽ trả lại tiền ăn cho phụ huynh công khai, minh bạch”, thầy Thủy thông tin.
“Nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm có uy tín, giá cả hợp lý để suất ăn của học sinh đảm bảo. Nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú thì phải chi đúng, đủ cho các em. Có như vậy, mới phát huy hiệu quả chính sách của Nhà nước, tạo niềm tin với phụ huynh”. - Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa)