Có thể nói, việc làm trên giảm gánh nặng cho phụ huynh trong việc đưa đón, lo ăn uống cho trẻ đồng thời tăng hiệu quả việc chăm sóc cũng như học tập.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, trường học cũng là điểm đến của thực phẩm trên và hậu quả là hàng loạt HS bị ngộ độc.
Thực phẩm bẩn tấn công trường học
Thống kê cho thấy 3 tháng đầu năm 2016, trong 25 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể được ghi nhận trên cả nước, có 2 vụ xảy ra tại trường học ở TPHCM, khiến cả trăm HS phải nhập viện.
Điển hình nhất là vụ ngộ độc tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1, TPHCM) làm 44 em phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn, choáng váng.
Sự việc xảy ra sau khi các em ăn bán trú tại trường với món thịt xá xíu, canh khoai mỡ nấu thịt bằm, su su xào với cà rốt, bông cải và món tráng miệng.
Được biết, trường tiểu học này không có bếp ăn trong trường nên đặt đồ ăn công nghiệp từ một đơn vị cung cấp ở quận Thủ Đức, với khoảng 200 suất/ngày. Hay như vụ gần 100 HS Trường Tiểu học Long Bình (phường Long Bình, quận 9, TPHCM) bị nôn ói, chóng mặt, đau đầu phải nhập viện xảy ra cách đây chưa lâu. “Thủ phạm” chính là món cơm chiên Dương Châu được phục vụ tại căng tin nhà trường.
Còn tại Hà Nội, vụ việc khiến phụ huynh giật mình lo lắng là việc 7 trường MN và tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ được một công ty tuồn rau bẩn vào.
Các trường trên ký hợp đồng cung cấp rau với Công ty Trung Thành với cam kết 100% là rau sạch, có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi, cơ quan chức năng phát hiện công ty này thu gom rau ở chợ đầu mối, về sơ chế, đóng gói rồi chuyển đến các trường…
Không chỉ ngộ độc do thức ăn trong trường, thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn còn bủa vây trẻ em ở khắp mọi nơi, từ căng tin trường học đến quán ăn ngoài cổng trường.
Đã có không ít vụ ngộ độc do thức ăn không an toàn trên. Đó là vụ ngộ độc xảy ra với HS của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức, TPHCM).
Hôm đó, do HS học một buổi nên nhà trường không tổ chức ăn trưa. Nhiều khả năng các em bị ngộ độc do ăn uống đồ ăn bên ngoài cổng trường.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, trên 47% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học là do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng).
Hơn 5% do độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm), trên 5% do hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 42% chưa xác định được căn nguyên.
Điều này cho thấy, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong trường học khó kiểm soát do nguồn thực phẩm thường đa dạng, khó kiểm soát.
Trách nhiệm thuộc về ai
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, toàn TP có 1.754 trường học các cấp, từ MN đến GD chuyên nghiệp, với gần 1,4 triệu HS. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tài Dũng - Phó Trưởng phòng Công tác HS SV (Sở GD&ĐT TPHCM), trong số 1.712 trường MN, tiểu học, THCS và THPT có 1.283 trường tổ chức bán trú (1.060 trường có bếp ăn và 223 trường đặt suất ăn sẵn) cho tổng số 560.740 HS ăn trưa.
Để đảm bảo an toàn cho các em, Sở yêu cầu các trường phải cung cấp nước uống cho HS, phần lớn là nước đóng bình, đồng thời tiến hành xét nghiệm tiêu chuẩn vi sinh với nước uống mỗi năm một lần.
Với bếp ăn bán trú, căng tin trong trường học phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm. Cán bộ y tế trường học phải ghi sổ theo dõi hàng ngày, ăn thử đồ ăn trước khi cho HS ăn cũng như xây dựng phương án xử lý khi có ngộ độc xảy ra.
Có thể thấy, hệ thống y tế học đường phát huy tốt vai trò của mình trong việc kiểm soát thực phẩm tại bếp ăn trường học nhưng với suất ăn sẵn, rất khó để kiểm tra chất lượng bởi phải có dụng cụ chuyên ngành.
Căng tin lại càng khó hơn khi chúng được đấu thầu nên việc bán gì, chất lượng, giá cả ra sao… được khoán trắng cho chủ cơ sở. Theo PGS. TS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, trẻ em thành thị ngày càng béo phì nhưng căng tin lại bán toàn đồ ăn sẵn, nước ngọt có ga. Vẫn biết bán và mua là hai việc khác nhau nhưng rõ ràng bán hàng trong môi trường sư phạm cần có quy định bắt buộc.
Trong trường học đã vậy, ngoài cổng trường, hàng quán thi nhau đua nở để phục vụ thượng đế nhí. Ô mai, xí muội, hoa quả dầm, thịt xiên nướng rồi các loại nước uống đóng chai, đóng bịch… được bán với giá hữu nghị đã trở thành thiên đường ăn uống cho HS. Nhiều vụ ngộ độc xảy ra từ hàng ăn này nhưng dường như chưa thức tỉnh được cha mẹ trong việc giáo dục con trẻ.