Ở tuổi 90, nhiều người nhầm tưởng hoạ sĩ Chu Mạnh Chấn đã gác bút. Nhưng không ngờ, niềm đam mê hội hoạ đã khiến một người thầy chuyên dạy về sơn mài không thể dừng tay.
Cuối tháng 3/2021, “cụ giáo họ Chu” đã có một triển lãm hoành tráng mang tên “Miền ký ức” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
“Làm thầy thì không được giấu nghề”
Đạo diễn, họa sĩ Chu Lượng – nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long – con trai họa sĩ Chu Mạnh Chấn nói rằng, hơn 30 tác phẩm trong triển lãm vừa qua là những ký ức của “cụ giáo họ Chu” về con người, cảnh vật xứ Đoài quê hương, về những di sản văn hóa hồi đầu thế kỷ như hội làng, hát ca trù… Nhiều tác phẩm trong số này đang nằm trong các bộ sưu tập cá nhân của một số nhà sưu tầm, gia đình mượn lại trưng bày trong triển lãm.
Sinh tại làng Chàng Sơn (Thạch Thất - Hà Nội) họa sĩ Chu Mạnh Chấn ban đầu rời quê hương lên Hà Nội để học nghề may. Tuy nhiên sau đó cuộc đời đã sang một ngã rẽ khác khi chàng thanh niên được giới thiệu vào học Trường Mỹ thuật thủ công mỹ nghệ ở Hà Đông.
Tại đây, sau khi tốt nghiệp, Chu Mạnh Chấn cùng các đồng môn đã sáng tạo hàng trăm mẫu mã, hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết truyền thống, hướng dẫn các học viên thủ công mỹ nghệ thực hiện những tác phẩm sơn mài trên các sản phẩm bát đĩa, khay mâm, đồ thờ...
Họa sĩ Chu Mạnh Chấn nói rằng, lúc đầu đi học vì mong muốn nối nghề sơn mài của cha ông, nhưng nhận thấy muốn nâng cao nghề truyền thống nên tiếp tục theo học hội hoạ.
Do vậy, ngoài những kỹ thuật làm sơn mài truyền thống, Chu Mạnh Chấn còn là một hoạ sĩ đích thực. Tài năng hội hoạ của ông được các chuyên gia đánh giá là hàng đầu về kỹ thuật sơn mài với loạt tác phẩm để đời.
Suốt cuộc đời đắm chìm trong sơn mài, hoạ sĩ Chu Mạnh Chấn đã khám phá ra nhiều bí mật của nghề tranh sơn mài, mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được. Từ kỹ thuật pha sơn đến cách đánh sơn trong thời gian bao lâu?Từ pha tỉ lệ dựa đến phối lượng dầu để thành màu sơn cánh dán.
Hoạ sĩ Chu Mạnh Chấn nói rằng, đã làm thầy thì không được giấu nghề. Trong nghề sơn mài lại hầu hết là giấu nghề, bí quyết chỉ được truyền thụ cho người nhà. Bởi thế, một thời gian dài nghề sơn mài không thể phát triển mà cứ lụi dần.
Khi trở thành một người thầy, đứng trên bục giảng ông đã đem tất cả kỹ thuật cá nhân lẫn bí quyết gia truyền dậy cho học trò của mình. Sự phóng khoáng trong truyền thụ tri thức lẫn tận tâm của một người thầy đã khiến cho ngọn lửa nghề bùng cháy.
Để rồi sau này, nhiều thế hệ học trò là những nghệ nhân – nghệ sĩ đem học thuật ấy làm cho nghề sơn mài thêm vẻ vang.
Thăm thẳm ký ức
Họa sĩ Chu Mạnh Chấn nói rằng, để trở thành một người thợ giỏi, quan trọng nhất là phải có tình yêu với nghề, nó như phần “hồn” của mình ẩn chứa trong từng sản phẩm. Sau đó mới kể đến sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì trong rèn luyện tay nghề.
Từ đó, những học trò của thầy Chu Mạnh Chấn không chỉ giới hạn ở nghề sơn mài, mà ở tất cả các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở các làng nghề Việt Nam bao gồm mây tre đan, thêu ren, chạm bạc…
Am hiểu sâu sắc kỹ thuật truyền thống, điêu luyện trong việc thực hành – chỉ cần hai yếu tố đó đã khiến nội lực sáng tạo của Chu Mạnh Chấn trở nên độc đáo, sống động. Tất cả những hoạ phẩm của ông khiến người xem cảm nhận như có năng lượng toả ra từ màu sắc, bố cục lẫn tâm tình mà người ta gọi là “hồn cốt” của tranh.
Ví như bức hoạ có tên “Lễ hội chùa Thầy”, người xem không chỉ choáng ngợp trước một hoạ phẩm cỡ lớn mà còn xao động bởi màu sắc và khung cảnh xứ Đoài. Một lễ hội cổ kính bên dãy núi Sài Sơn hùng vĩ ẩn chứa bao nhiêu tinh hoa văn hoá, cùng những đặc sắc phong tục của người xưa, khiến người nay thấy nhiều điều xưa cũ đáng phải trân trọng.
Từ mái chùa đến tán cây, ngọn cỏ; từ nếp nhà xa xăm cuối núi đến thuỷ đình; từ tán lọng đến không khí hội hè mà Chu Mạnh Chấn miêu tả trong hoạ phẩm đã trở nên rực rỡ mực thước đến lạ. Người xem bị mê đắm, cuốn hút theo những bước chân dự hội, được hoà mình vào phong cảnh chùa Thầy đến nỗi không thể rời mắt.
Sự sống động, chiều sâu của đề tài mà hoạ sĩ Chu mạnh Chấn khai thác không ở đâu xa xôi. Những tác phẩm như: Quân giải phóng hành quân, Bác Hồ làm việc, Đại tướng bên hồ thủy điện, Chiến thắng Bạch Đằng… dù là những mô-típ quen thuộc trong giới hội hoạ, nhưng sao khi chiêm ngắm những đường nét miêu tả lại làm cho công chúng thấy một cảm giác rất bình yên, rất nghệ thuật.
Hoạ sĩ Ba Tỉnh nhận xét rằng, tranh của Chu Mạnh Chấn mang phong cách cổ điển, chân phương. Những phong cảnh, con người, phong tục tập quán của người Việt xưa được ông cặm cụi ghi lại bằng ký họa chì, sơn dầu, thuốc nước, lụa, sơn mài. Đó là những miền ký ức thăm thẳm như một dòng chảy thân thương từ xứ Đoài mây trắng đến miền núi Tây Bắc.
Đây không phải triển lãm đầu tiên của Chu Mạnh Chấn, năm 2006 ông từng triển lãm chung với họa sĩ Tào Thành với một chủ đề cũng mang tính hoài niệm: Ký ức quê hương. “Cả cuộc đời ông đều là những hoài niệm.
Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến bố mình luôn đau đáu với những giá trị xưa cũ. Ông nuối tiếc vẻ đẹp của các di tích cổ, nét văn hóa xứ Đoài, những cổng làng, cây cầu, đình cổ... mà do chiến tranh hay chính ý thức của con người đã tàn phá, hay mai một đi”, nghệ sĩ Chu Lượng chia sẻ.
Nghệ sĩ Chu Lượng cũng nói rằng, nhiều lần lặng lẽ đứng xem bố vẽ. Có khi chỉ là một vòm cây nhưng ông có thể ngồi cả tuần lễ để chấm từng nét bút. Có những bức vẽ, ông đã dành đến 10 năm để hoàn thành. Mà có khi, vẽ xong lại không ưng ý, tiếp tục vẽ lại cho đến khi nào mãn nguyện hoàn toàn mới thôi.
Người đi xuyên thời gian
Chính vì lẽ đó, mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói rằng Chu Mạnh Chấn là người cứu vớt và bảo vệ những vẻ đẹp truyền thống.
Bởi dù là người đang sống trong một thời đại công nghiệp nhưng những tác phẩm của ông hầu như chỉ vẽ về một đời sống của quá khứ.
Hay nói đúng hơn, ông là người đi phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên.
Những bức tranh có hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện đã mang tới cho họa sĩ Chu Mạnh Chấn một quyền năng làm sống lại những vẻ đẹp đã lụi tàn, hoặc trở nên xa lạ với đời sống hiện đại.
Trong những bức tranh vẽ lễ hội, người ta thấy gương mặt họa sĩ Chu Mạnh Chấn, thấy hơi thở, tiếng cười và cả hình bóng của ông đang đâu đó trong dòng người đi hội. Thấy ông ngồi xuống gẩy một khúc đàn, cầm bút viết một bức thư pháp, hoặc tĩnh lặng trong hương trầm.
Nhà thơ Lương Tử Đức thì nói, bên trong người thầy giáo mẫu mực, tài hoa Chu Mạnh Chấn luôn ẩn giấu một tâm hồn nghệ sĩ. Hoạ sĩ của đình, chùa, của lao động, chiến đấu và sản xuất...
Hàng trăm bức tranh về con người núi rừng Tây Bắc, về đồng làng, ngõ xóm, đình chùa, đền miếu, nụ cười, ánh mắt của quê hương, sông Hồng, sông Đà, núi Tản, hay những bức tranh hát ca trù như gửi tiếng đàn, nhịp phách của lòng người vào đất trời sông núi. Bởi vậy, khi xem tranh Chu Mạnh Chấn như nghe thấy tiếng cầm vang giữa miền sơn thủy hữu tình.
Nghệ thuật là vậy, miền ký ức là thế, trong thăm thẳm nỗi nhớ niềm thương thì thứ duy nhất còn lại để người nghệ sĩ bấu víu vào chính là tình yêu thuở cũ. Những mái đình, cây đa, bến nước, những lễ hội và tập tục đời sống xưa chẳng khác gì cầu nối thời gian để người nghệ sĩ bước qua.
Bởi vậy khi nhà sưu tập trả giá tới 5 tỉ đồng cho một bức tranh, Chu tiên sinh đã từ chối – bởi một lẽ giản đơn: Tình yêu không thể mua bán.