Bất kỳ ngành công nghiệp nào cũng được định vị theo thế kiềng 3 chân với ba tên tuổi “sừng sỏ” thống lĩnh thị trường. Thế nhưng trong ngành di động với mảng hệ điều hành, cuộc đua giành ngai vị số 3 vẫn là một cuộc chiến trường kỳ chưa có hồi kết.
Và Microsoft mặc dù có nhiều lợi thế hơn nhưng vẫn chưa phân thắng bại được với BlackBerry. Liệu rằng sau bao nỗ lực chạy đua, Microsoft đã hết cơ hội để giành “huy chương đồng” trên thị trường?
Windows không còn là “điều tất nhiên phải thế”?
Trước sự kiện BlackBerry buộc mình chuyển hướng sang hệ điều hành Android cho dòng sản phẩm mới nhất, cuộc chiến giành giật ngai vị số 3 giữa các hệ điều hành di động dường như bớt phần gay cấn. Gần như mặc định, mọi người nghĩ ngay tới Microsoft với hệ điều hành Windows 10 Mobile mới ra mắt.
Tuy nhiên, theo Ars Technica thì hiện ngôi vị này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Điều này có thể là kết quả bất ngờ với nhiều người bởi giữa hai tên tuổi “sừng sỏ” là BlackBerry và Microsoft, gần như mọi câu trả lời đều nghiêng về phía Microsoft.
Khó tin nhưng là thật! Thậm chí, “tính mạng” của Windows Mobile đang bị đe dọa khi mà báo cáo Quý 4 năm 2015 cho thấy số lượng Windows phone bán ra bị sụt giảm đáng kể và thị phần của hãng chỉ còn 1,1% (sụt giảm 57% so với cùng kỳ năm 2014).
Không chỉ những thống kê về số liệu chỉ rõ tình hình bi đát của Microsoft trong mảng di động; ngay cả các chuyên gia được mời tham gia trải nghiệm sản phẩm công nghệ mới, Windows 10 Mobile Continuum cũng phản hồi không mấy tốt đẹp.
Thậm chí, chuyên gia Adam Doud sau khi được trải nghiệm đã thẳng thắn nhận xét rằng Continuum không mang đến ấn tượng đặc sắc nào. Tệ hơn nữa là vị chuyên gia này còn chia sẻ rằng sẽ không khuyên bất kỳ ai mua một chiếc Windows phone vì bất kỳ lý do gì.
Giữa tháng này, Microsoft tung ra sản phẩm Lumia 650 giá gần 200 USD và được quảng cáo là “smartphone cho khách hàng doanh nghiệp”. Thế nhưng chiếc điện thoại này lập tức bị chê vì thiếu đi tính năng quan trọng của một chiếc điện thoại hỗ trợ công việc. Và nếu vậy, có gì để Microsoft níu kéo người dùng?
Microsoft có đang đi ngược lại chính những mục đích đề ra?
Một trong những triết lý cơ bản của Microsoft khi xây dựng hệ điều hành Windows 10 là mang đến trải nghiệm sử dụng giống hệt nhau bất kể kích thước màn hình lớn nhỏ ra sao, và công nghệ Continuum ra đời cũng để phục vụ triết lý này.
Thoạt nghe điều này rất lý tưởng và vô cùng “bùi tai” nhưng thực tế thì sao? Nếu người dùng có được trải nghiệm hệ điều hành Windows 10 tương tự nhau trên mọi phiên bản kích thước màn hình thì chẳng có lý do gì để đầu tư thêm một khoản kha khá cho chiếc điện thoại màn hình cỡ lớn!
Điều này giống như “con dao hai lưỡi” và có thể quay ngược lại chống đối Microsoft vào một tương lai không xa.
Còn trong tương lai gần, Microsoft vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện công nghệ Continuum trong nỗ lực mang đến trải nghiệm giống nhau trên tất cả các kích cỡ màn hình.
Ví như Continuum chưa thể chạy được ứng dụng xem video Netflix, điều mà tất cả các hệ điều hành khác đều làm được một cách đơn giản. Một phần lý do là bởi ứng dụng Netflix không được thiết kế để chạy như một ứng dụng phổ thông (vốn là môi trường của Continuum).
Đây cũng chính là vấn đề đầu tiên đi ngược lại cam kết của Microsoft: Mang đến trải nghiệm sử dụng y hệt nhau trên mọi thiết bị! Vì thế, Microsoft bị coi là kẻ không biết giữ lời.
Vẫn chiến thuật cũ “tự thân vận động”, liệu Microsoft có cho ra kết quả mới?
Khi Microsoft tự tin đưa ra tuyên bố sẽ mang đến trải nghiệm sử dụng giống hệt nhau trên tất cả các kích cỡ màn hình cũng là lúc hãng này liều lĩnh đặt cược ván bài vào tay các nhà phát triển.
Các chuyên gia cho rằng Microsoft đang đi vào “vết xe đổ” khi đinh ninh cho rằng hãng có thể tự mình hoàn thành mọi dự án. Mặc dù áp lực từ hai đối thủ khổng lồ là iOS và Android buộc Microsoft phải có những động thái nhất định nhưng có vẻ như hãng đã không tự lượng hết sức mình.
Trái lại, nếu Microsoft thắng “ván bài” với Contiuum thì hãng sẽ tạo được sự đột phá mới trong làng công nghệ: Đưa smartphone hay các thiết bị cầm tay của hãng lên một tầm cao mới, đồng thời biến Windows thành một hệ điều hành vững mạnh hơn bao giờ hết, nơi mà tất cả các thiết bị phần cứng của hãng cùng “hòa quyện” với nhau một cách nhuần nhuyễn.
Tuy nhiên, với những kết quả đang có hiện tại, Continuum vẫn còn là một khái niệm khá xa vời thực tế và cần nhiều giai đoạn nữa để chinh phục những người yêu công nghệ. Thành bại của Continuum sẽ phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế mà công nghệ này mang lại, chứ không nằm ở những hứa hẹn mà hãng đã tuyên bố.
Hi vọng mong manh của Microsoft
Mặc dù còn nhiều hoài nghi về thành công của Continuum nhưng có một điều chắc chắn là “gã khổng lồ” Microsoft sẽ không dễ dàng gục ngã.
Tuy nhiên, Microsoft có thể phải cân nhắc lại hướng tập trung đầu tư cho công nghệ đám mây và phát triển sản phẩm di động mà bỏ qua việc đầu tư nghiên cứu để nâng cấp hệ điều hành di động như hiện nay.
Bởi thực tế là khách hàng luôn có những yêu cầu khắt khe hơn và Microsoft không thể chỉ trông cậy vào “tình yêu” thương hiệu và sự trung thành từ các fan ruột của hãng.
Bên cạnh đó, hai “kình địch” khổng lồ iOS và Android đều là hệ điều hành ổn định và mạnh mẽ, sẵn sàng đáp ứng tất cả nhu cầu sử dụng của giới trẻ, luôn “nhăm nhe” để hạ gục Windows Mobile vốn còn nhiều khoảng trống chưa phát triển.