Mẹo mua đồ giúp nữ nhà báo Mỹ tiết kiệm một nửa thu nhập

Thay vì lang thang trong các gian đồ rồi thích gì nhặt nấy, trước khi vào bất cứ cửa hàng nào, tôi đều ghi thứ cần mua ra.

Mẹo mua đồ giúp nữ nhà báo Mỹ tiết kiệm một nửa thu nhập

Bài viết dưới đây là của Emmie Martin, biên tập mảng tài chính cá nhân của Business Insider về trải nghiệm thử tiết kiệm một nửa thu nhập của chị trong một tháng chỉ bằng cách duy nhất: Ghi ra những thứ muốn mua.

Hưởng ứng trào lưu tiết kiệm nhiều để nghỉ hưu sớm, trong tháng 9, tôi đã đặt mục tiêu tiết kiệm 50% thu nhập và hoàn thành xuất sắc.

Sau khi tính toán khoản thuê nhà, mua đồ cần thiết và tất cả các chi phí khác trong tháng, tôi để ra gần 140 USD mỗi tuần chi cho thực phẩm và giải trí. Mặc dù số tiền này đủ để sống thoải mái, đó vẫn là một thách thức khi tôi phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp với khoản ngân sách thấp hơn nhiều so với bình thường.

Thay vì nằm lỳ ở nhà và xem TV, tôi thử xem mình có thể làm gì với khoản tiền eo hẹp và nhận ra rằng các hoạt động không cần tốn tiền có ở khắp nơi, có điều bạn phải tự lên kế hoạch.

Phần mệt mỏi nhất là việc tôi phải kiểm soát từng tình huống - hay nguy cơ bị bỏ lỡ các cuộc tụ tập khi đang cố dè sẻn. Khi gặp những lời rủ như "Cậu có muốn đi chơi thứ 7 này không?" hay "Tối nay ra ngoài ăn gì đó đi?" - thì tôi thực sự khó xử.

Cuối cùng, giải pháp là tôi luôn chủ động tìm kiếm và gợi ý các hoạt động giải trí ít tốn kém và đã được bạn bè nhiệt tình ủng hộ.

Meo mua do giup nu nha bao My tiet kiem mot nua thu nhap - Anh 1

Ảnh minh họa: WikiHow.

Trong phần mua sắm, chiến lược hiệu quả nhất là: Tôi ghi một danh sách tất cả những thứ mình muốn mua.

Bất cứ khi nào nhận ra mình cần (hay muốn) thứ gì đó, dù là một đôi giày, lọ dầu gội mới hay ít gạo, tôi viết ra và đợi ít nhất một ngày. Giai đoạn chờ đợi giúp tôi có thời gian quyết định liệu thứ đó có thực sự cần thiết hay không.

Việc hoãn mua này mang lại hiệu quả vì nhiều lý do:

- Nó buộc tôi phải đánh giá giá trị thực của mỗi thứ đồ.

- Tạo ra một danh sách "cần mua" sẽ bộc lộ rõ những thứ nào hoàn toàn không cần thiết, cũng như giúp tôi phân biệt giữa những đồ đầu tư và các thứ mình không có cũng chẳng sao.

Chẳng hạn, khi hè chuyển sang thu, danh sách "cần mua" của tôi bắt đầu dài thêm với những thứ hay ho, từ một chiếc áo khoác mới đến đồ trang trí cho căn hộ. Cuối cùng, tôi quyết định mua chiếc áo, bỏ qua các đồ trang trí. Nếu không có thời gian suy ngẫm, tôi sẽ dễ dàng phóng tay cho cả hai mục đích trên.

- Loại bỏ những lần mua chỉ theo cảm hứng. Ở những nơi như siêu thị tạp hóa hay nội thất, rất dễ vơ vội những món đồ tưởng là hữu ích. Vài đôi tất mới? Những thứ này lúc nào cũng cần có thêm! Một chiếc túi xách? Tại sao không, nó chỉ giá 4 USD! Nhưng thường là, những thứ mua theo cảm hứng sẽ chẳng cần thiết và nên để dành tiền cho các món khác.

- Dạy cho tôi sống giản dị hơn. Từ lúc quyết tâm tiết kiệm, tôi chưa bao giờ bước chân vào một cửa hàng mà không có danh sách đồ cần mua. Việc này giúp mỗi cuộc mua sắm trở nên nhanh chóng và hiệu quả. Thay vì tha thẩn ở các gian hàng xem vài thứ ngẫu hứng, tôi tiến thẳng vào chỗ món đồ định mua và nhặt luôn.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ