Đổi mới phương pháp dạy thực hành Hóa học

GD&TĐ - Theo ThS. Lê Thị Thanh Xuân - Khoa Sư phạm Hóa - Sinh - KTNN (ĐH Đồng Tháp), việc sử dụng các phương pháp tích cực vào giảng dạy môn thực hành Hoá hữu cơ ở bậc CĐ, ĐH hiện nay là rất cấp thiết.

Đổi mới phương pháp dạy thực hành Hóa học

Thí nghiệm thụ động, rập khuôn

ThS. Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, những năm qua, đề thi ĐH môn Hóa học được đánh giá theo phương pháp trắc nghiệm. Vì vậy, sinh viên không quen học theo kiểu tự luận, tự mình giải quyết các tình huống có vấn đề.

Thực tế quá trình giảng dạy ở bậc CĐ, ĐH cho thấy, rất nhiều sinh viên không nắm được các kiến thức cơ bản về Hóa học ở bậc THPT. Thậm chí, công thức hóa học, cách gọi tên… một chất đơn giản thông thường cũng không biết viết, biết đọc.

Điều này hạn chế sinh viên tiếp thu những kiến thức mới, cao hơn nhiều - ở bậc CĐ, ĐH...

Giảng viên gặp không ít khó khăn và vất vả khi đánh giá kết quả học tập lí thuyết của sinh viên qua kiểu tự luận, bên cạnh đó, còn vất vả hơn khi cho sinh viên thực hành Hóa học.

Hiện nay, việc học Hóa học của sinh viên thông qua môn thực hành thí nghiệm ở bậc CĐ, ĐH  - theo ThS. Lê Thị Thanh Xuân chưa thực sự phản ảnh đúng với bản chất của khoa học.

Trong nhiều năm qua, không ít giảng viên thực hiện hình thức giảng dạy thực hành hóa học bằng bắt sinh viên tuân thủ đúng những bước đã được soạn thảo trong tài liệu thí nghiệm, tỉ mỉ rập khuôn lại các bài thực tập nhằm kiểm tra các khái niệm, tính chất về lý thuyết học tại.

Tuy nhiên, khoa học luôn gắn liền với các yếu tố “khám phá và tư duy” chứ không phải khuôn mẫu.

Vì được yêu cầu sử dụng tài liệu hướng dẫn thí nghiệm có sẵn những chỉ dẫn về thao tác và từng bước thực hiện cụ thể, nên sinh viên gần như thụ động và rập khuôn mà không có sự sáng tạo của riêng mình.

Cách dạy này đã đi sâu vào tâm trí của giảng viên và sinh viên từ lâu. Kết quả là, sau khi kết thúc môn học, kiến thức, kĩ năng và thái độ thực nghiệm của sinh viên hầu như quay lại điểm xuất phát ban đầu. Sinh viên giải thích các hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm chưa hiệu quả.

Đổi mới bằng phương pháp Spickler

Theo ThS. Lê Thị Thanh Xuân, thực tế việc giảng dạy thí nghiệm ở trường với số sinh viên trong mỗi lớp khá đông, trình độ chênh lệch nên khả năng tiếp thu là khác nhau. Để nâng cao chất lượng GD&ĐT, thực hiện được tinh thần chủ đạo “lấy trò làm trung tâm của quá trình dạy học” cần một số vấn đề sau:

Tăng cường giáo dục thái độ, không ngừng kích thích sự ham muốn tìm tòi, khám phá những cái mới nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên ở mức độ cao nhất, biến người học thành những người có khả năng nghiên cứu, nắm vững các nội dung cần học và tha thiết những kiến thức mới về hoá học để có thể áp dụng nghề nghiệp trong cuộc sống cũng như trong tương lai.

Tăng cường các hoạt động rèn luyện kĩ năng, kỹ xảo thực hành thí nghiệm của sinh viên trong giờ thực hành, làm cho sinh viên trở thành chủ thể hoạt động bằng các biện pháp hợp lí như:

Tổ chức cho sinh viên tự giác làm các thí nghiệm, tự nhận xét thí nghiệm, ưu tiên sử dụng hình thức thảo luận, tranh luận, xây dựng giả thuyết…

Các gợi ý của giảng viên phải làm tăng mức độ tư duy của sinh viên qua việc trả lời các câu hỏi tổng hợp, đòi hỏi so sánh, suy luận trước và sau khi thí nghiệm để sinh viên tự mình giải quyết các tình huống có “vấn đề” từ thấp đến cao.

ThS. Lê Thị Thanh Xuân đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới phương pháp dạy thực hành hóa hữu cơ bằng phương pháp Spickler.

Công trình nghiên cứu của Sphickler và một số nhà giáo dục Bắc Mỹ về việc khảo sát nhiệm vụ thực hành trong các môn khoa học bậc ĐH, CĐ đã cho các kết quả.

Theo đó, gắn sinh viên vào quá trình học tập tích cực; làm cho sinh viên có trách nhiệm học và lựa chọn tiến hành thí nghiệm một cách hứng thú.

Đồng thời, đòi hỏi sinh viên phải áp dụng nhiều kỹ năng xử lý thí nghiệm bao quát hơn và có thể đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện nay “sinh viên tự nghiên cứu, tự học, tự phát triển tư duy và phát huy tính sáng tạo”.

Thể hiện chất lượng công việc thí nghiệm khảo sát tốt hơn cho sinh viên ở tất cả các trình độ, không những chỉ có những Sinh viên có trình độ cao và tư duy tốt mà thậm chí cho sinh viên có trình độ tư duy thấp.

3 giai đoạn đổi mới

ThS. Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, trong quá trình hướng dẫn thực nghiệm nhằm gắn sinh viên với quá trình tự học tự điều khiển và nghiên cứu thí nghiệm, nhằm phát huy được tính tích cực của sự học, sự khám phá tìm tòi qua thực nghiệm, cần tiến hành ba giai đoạn:

Giai đoạn khảo sát thăm dò là giai đoạn sinh viên tự vạch ra cách tiến hành hoặc có thể truy tìm thí nghiệm và tham khảo trên Internet với mục đích là sinh viên tiến hành thu thập số liệu mà không được giảng viên hướng dẫn chi tiết và tỉ mỉ.

Giai đoạn sáng tạo là giai đoạn yêu cầu sinh viên tự thiết kế cách thực hiện, tiến hành, phân tích số liệu và hình thành giả thiết.

Giai đoạn khám phá, phát minh và kiểm tra giả thiết qua phản ứng thí nghiệm.

Qua quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy thực hành thí nghiệm bằng cách cho sinh viên tự khảo sát theo hướng dẫn của giảng viên, ThS. Lê Thị Thanh Xuân nhận thấy có thể cung cấp lý thuyết thí nghiệm hoặc yêu cầu sinh viên tìm tòi những thí nghiệm theo yêu cầu của giáo viên.

Cùng với đó, hướng dẫn sử dụng thiết bị và dụng cụ thí nghiệm. Sinh viên trình bày cách tiến hành và giáo viên kiểm tra lại tính khả thi của thí nghiệm hoặc có gợi ý sau khi sinh viên đã trình bày cách của mình

Sinh viên tự vạch ra các bước tiến hành thí nghiệm, thu thập số liệu, nhận xét những gì thu thập được và đưa ra kết luận. Giảng viên nhận xét và đánh giá quá trình thí nghiệm và củng cố kiến thức cho sinh viên

“Những đổi mới giảng dạy thực hành hóa học hữu cơ theo phương pháp lấy trò làm trung tâm và để sinh viên tự khám phá với sự gợi mở và quan sát của giảng viên được vận dụng trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ là rất cần thiết và hiệu quả” - ThS. Lê Thị Thanh Xuân khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quên rút chìa khóa xe (!?)

GD&TĐ - Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ 10 thanh thiếu niên, tất cả đều trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông.