Mênh mông khoảng trống nhân lực chất lượng cao ngành du lịch sau đại dịch

GD&TĐ - Sự hồi phục của ngành du lịch cũng song hành với mối lo phát triển bền vững, khi một lượng lớn nhân lực phục vụ đã nghỉ, chuyển đổi công việc.

Một hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu với khách về di tích Hoàng thành Thăng Long.
Một hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu với khách về di tích Hoàng thành Thăng Long.

Năng suất lao động thấp nhất khu vực

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính tới tháng 11/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,95 triệu lượt người, khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt người. Riêng tháng 10/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 12,1% so với tháng trước đó. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch sau hai năm dài gần như phải cầm cự, chống chọi với ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy vậy, số liệu của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nguồn nhân lực của ngành, khi có tới gần 800.000 trong số 2,5 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng sau khi dịch Covid-19 đi qua.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận, thách thức mà ngành du lịch thành phố đang gặp phải về vấn đề nhân lực là rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có khoảng 1/3 nhân lực của ngành chuyển sang lĩnh vực khác. Thời gian qua, TPHCM đã tập trung đẩy mạnh nhiều chương trình khác nhau để giúp sức cho ngành du lịch trong vấn đề bổ sung nhân lực. “Để hút nhân lực trở lại, ngành du lịch TPHCM đã vận động doanh nghiệp có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhân lực làm trong ngành du lịch để họ gắn bó lâu dài với nghề...”, ông Hiền Hòa nói.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho thấy, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam thuộc hạng thấp nhất trong khu vực khi đạt 3.477 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 lần so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore.

Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhìn nhận, nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ. Các công ty lữ hành khi tuyển dụng nhân sự hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, công tác đào tạo hiện nay chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch đã được ban hành.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Nhu cầu cao nhưng năng lực đào tạo chưa đáp ứng

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TPHCM, đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, có đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới khi có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ hóa.

Qua khảo sát, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ cung cấp được 20.000; trong khi đó đa số là lao động có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao.

“Nước ta hiện có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề nhưng nguồn cung ứng lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Chất lượng nguồn lao động có chuyên môn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cần còn hạn chế.

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” trong cán cân lao động, đào tạo không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh... Vì vậy, để đáp ứng tốt nhất nhân lực cho ngành, không chỉ riêng TPHCM mà các địa phương khác cũng như Tổng cục Du lịch cần có một chiến lược tổng thể trong đào tạo, đặt hàng đào tạo và xây dựng cơ chế thu hút nhân lực vào trong ngành”, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nói.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, tín hiệu hồi phục của ngành sau dịch là rất ấn tượng. Các cơ sở du lịch, dịch vụ lưu trú, dẫn tour đang tăng trở lại. Tuy vậy, năng lực đào tạo của các cơ sở cho ngành còn hạn chế. Tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở không đồng nhất; cơ sở đào tạo manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn thực tiễn… Vì thế, việc đi tìm một giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp được xem là “chìa khóa” hữu hiệu, để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Để thay đổi thực trạng hiện nay, các cơ sở đào tạo cũng cần đẩy mạnh liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực tiễn và thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. Đồng thời, cần có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đưa du lịch Việt Nam cất cánh và phát triển bền vững”, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.

ThS Vũ Thị Huệ, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng để có nguồn nhân lực chất lượng, sớm đáp ứng nhu cầu thì ngành du lịch cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, hành lang pháp lý trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Ngoài ra, chúng ta cần xác định rõ các chức danh nghề nghiệp trong ngành, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá và chế định bằng các văn bản quản lý Nhà nước để làm căn cứ cho tổ chức hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng đào tạo, đồng thời có những căn cứ để đánh giá.

Trong đó, việc tái cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch ở các cấp độ đào tạo từ đào tạo nghiệp vụ đến đào tạo quản lý, kinh doanh và quy hoạch du lịch đại học và sau đại học hợp lý… phải được xem là nhiệm vụ đầu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.