Hầu hết các doanh nghiệp đều than vãn phải mất nhiều thời gian và công sức đào tạo lại do SV mới ra trường chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Các cơ sở đào tạo “phản pháo” lại bằng cách đổ lỗi rằng doanh nghiệp không mặn mà trong tiếp nhận và hướng dẫn SV thực tập nên SV mới thiếu kỹ năng… Chính vì vậy, doanh nghiệp phải là một phần của quá trình đào tạo, là nơi thực hành và đào tạo kỹ năng nghề cho SV.
Thiếu chất, thừa lượng
Theo mục tiêu quy hoạch thì đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón 8,5 triệu lượt khách, trong số này, khách quốc tế ước khoảng có 2,5 triệu khách, 6 triệu lượt khách nội địa, nhu cầu lao động du lịch trực tiếp ước tính khoảng 35.290 người. Riêng ngành lưu trú năm 2020 dự báo tăng lên 26.000 phòng, năm 2030 sẽ là 62.000 phòng và cần có khoảng 65.000 lao động khách sạn đã qua đào tạo.
Đến thời điểm này, ước tính Đà Nẵng có hơn 30.300 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó, nguồn nhân lực khối khách sạn và hướng dẫn viên du lịch tăng khá cao, thế nhưng, vẫn thiếu nhân lực cho những vị trí then chốt.
Mỗi năm, các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn Đà Nẵng chỉ cung cấp đủ khoảng 1.000 lao động ngành du lịch, đó mới chỉ là con số lý thuyết vì SV ra trường chưa chắc đã làm đúng nghề hoặc tất cả đều chọn Đà Nẵng làm nơi lập nghiệp.
Chưa kể là theo như nhận xét của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng thì: “Đây là khủng hoảng thiếu về số lượng, song nhìn lại chất lượng thì đang bị khủng hoảng thừa. Bởi, phần lớn nhân lực sau khi ra trường phải đào tạo lại”.
Đại diện các công ty du lịch, các hãng lữ hành cũng có cùng nhận xét là tâm lý chung của SV khi đi xin việc, phỏng vấn tuyển dụng chỉ muốn trúng tuyển vào các vị trí quan trọng hoặc… nhàn, trong khi nhà tuyển dụng lại muốn các ứng viên phải làm được việc từ nhỏ nhất. Như ứng viên xin vào vị trí lễ tân thì quá nhiều trong khi bộ phận buồng phòng thì không mấy ai chịu học, chịu làm. “Các học viên chỉ tập trung phần lớn vào các lớp như hướng dẫn viên, lễ tân trong khi các vị trí này chỉ chiếm 5 - 15% trong kinh doanh khách sạn. Các lớp như buồng phòng, đầu bếp, nhà hàng, bảo vệ… học viên theo học ít nhưng nhu cầu lại chiếm đến 70%” - ông Vinh nhận xét.
TS Trương Sĩ Quý – Trưởng khoa Du lịch, trường ĐH Kinh tế đánh giá: “Cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng có sự bất cập. Trên thực tế, nhu cầu lao động chủ yếu ở cấp nhân viên tác nghiệp thì cơ cấu ngành đào tạo ở các trường ĐH và CĐ lại là đào tạo các chuyên ngành quản trị kinh doanh. Trong khi đó, trong kinh doanh du lịch, nguyên tắc thăng tiến là “from bottom”, phổ biến, các cấp quản trị đều phải bắt đầu từ cấp nhân viên”.
Chưa kể, các kỹ năng mềm như giao tiếp, sự thân thiện, hiểu biết, phông văn hóa và đặc biệt là ngoại ngữ đang là điểm rất yếu của SV du lịch, từ sơ cấp cho đến ĐH. Rất nhiều khách sạn, khu nghỉ mát từ chuẩn 3 - 5 sao phải hợp đồng đào tạo lại nghiệp vụ cho nhân viên. Ước tính, hơn 1/3 nhân viên ngành du lịch phải học thêm nghiệp vụ nếu tất cả khách sạn, nhà hàng đều tuân thủ việc đào tạo lại.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần FLC Quy Nhơn Golf & Resort nêu thực tế, có những giảng viên đào tạo các môn chuyên ngành du lịch - khách sạn nhưng chưa bao giờ trải nghiệm thực tế với tư cách là khách tham quan nghỉ dưỡng tại các resort.
“Tất nhiên trải nghiệm với tư cách là khách tham quan cũng sẽ có một khoảng cách nhất định với trải nghiệm ở một vị trí việc làm nào đó. Thầy cô giáo phải đến làm việc thực sự trong một khoảng thời gian nhất định mới có những kiến thức thực tế sinh động cho bài giảng, biết được các xu hướng trong ngành nghỉ dưỡng cũng như những cải tiến trong nâng cao chất lượng phục vụ của ngành du lịch – khách sạn. Ngay như công đoạn kiểm soát việc mua thực phẩm, tiếp phẩm cũng đã khác trước rất nhiều rồi. Rồi về mặt lý thuyết, lễ tân luôn phải tươi cười, nhưng các thầy cô cứ thử ở vị trí lễ tân chỉ một ngày xem sao, thì mới có thể dạy được SV cách xử lý các tình huống để lúc nào cũng tươi cười được” - ông Thanh chia sẻ.
Doanh nghiệp trong trường - trường trong doanh nghiệp
TS Trương Sĩ Quý cho biết, “bên cạnh việc nâng cao tính thực hành của SV, cùng với đa dạng hóa loại hình đào tạo, cơ chế phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp du lịch và chuyên gia trong doanh nghiệp du lịch cho phép các cơ sở đào tạo du lịch Đà Nẵng có điều kiện mở rộng quy mô đào tạo theo yêu cầu cấp bách của phát triển du lịch”.
Ngoài xây dựng lại chương trình đào tạo với nhiều thay đổi căn bản, khoa Du lịch trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sẽ tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp du lịch vào quá trình đào tạo, nâng quan hệ với doanh nghiệp từ hợp tác lên liên kết.
“Ngoài lựa chọn, đàm phán và ký kết thỏa thuận liên kết đào tạo với các khách sạn, khi nghỉ mát, công ty du lịch trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, khoa đã lựa chọn và đang tiến hành thương thảo mời giảng với trên 25 chuyên gia từ các doanh nghiệp du lịch” – TS Quý thông tin.
Trường ĐH Duy Tân từ 5 năm nay đã áp dụng mô hình đào tạo PBL (Problem-Based Learning/Project-Based Learning - Học theo Vấn đề/Học theo Dự án) trong đào tạo du lịch đã tạo ra những thay đổi bất ngờ trong hiệu quả đào tạo khi SV tự tin và thạo việc hơn.
PBL thật sự đã giúp SV du lịch của trường trở nên chủ động hơn trong học tập, thực tập, làm hướng dẫn viên du lịch hay tham dự và giành những giải thưởng lớn trong các cuộc thi có tiếng về du lịch, như giải Nhì Hội thi “Lễ tân Khách sạn Đà Nẵng 2013”, giải Nhất nghề Thiết kế Quảng bá, giải Ba nghề Nấu ăn, 3 giải Khuyến khích tại Hội thi Tay nghề TP. Đà Nẵng năm 2014...
Trường CĐ Nghề Việt Úc cũng đang thực hiện mô hình đào tạo “học viên – nhà trường – khách sạn thực hành (do trường đầu tư) – thị trường”. Với mô hình này, SV có điều kiện tiếp xúc sớm hơn với công việc, thời gian thực hành kéo dài, các giáo viên đồng thời cũng cũng là lò KCS - kiểm tra chất lượng sản phẩm các học viên trước khi ra trường, chỉ ra cho SV những lỗi cần tránh trong quá trình làm việc...