(GD&TĐ) - Sáng sớm chị Hằng “khùng” lần mò ra chợ bán rau và bán mớ ốc… rồi hối hả về nhà đưa cháu Minh Thương đến trường. Từ ngày thấy chị Hằng biết bán rau, đưa con đi học, bà con hết sợ chị “khùng” và thấy thương mẹ con chị nhiều hơn.
Người phụ nữ tâm thần đó tên là Phạm Thị Kim Hằng sinh năm 1975. Cứ vào mỗi buổi sáng, bà con ở dọc hai bên đường từ xã Phú Quí đến Nhị Quí, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thường nghe tiếng rao: “Cua, ốc rau bập bợ đây…” và sau tiếng rao ấy là xuất hiện người phụ nữ dắt theo cậu bé trai. Cả hai đều khệ nệ xách những cái giỏ trong đó có mớ rau dại, mớ ốc đắng hay những con cua đồng, đem bán.
Cuộc mua bán cũng diễn ra rất đặc biệt. Người mua chỉ việc kêu mẹ con chị Hằng lại và tự lựa chọn món hàng mà mình cần. Và cho dù mớ hàng đó có nhiều hay ít, khi hỏi giá để trả tiền bao giờ chị Hằng cũng nói giá có 2.000 đồng. Nhưng vì bà con biết chị Hằng bị bệnh tâm thần nên số tiền trả cho chị bao giờ cũng tương ứng với món hàng. Thông thường nhận được tiền, chị Hằng liền quay sang đưa cho cháu Minh Thương. Cháu Thương vuốt thẳng những đồng tiền lẻ ấy và lẩm nhẩm đếm, sau đó nhảy cỡn lên vui mừng và cất vào túi, nói nhỏ với chị Hằng: “Ngày mai mình có tiền đong gạo ăn rồi mẹ ơi!”.
Hình ảnh một người mẹ dắt theo đứa con, vừa đi vừa lảm nhảm những câu nói vô nghĩa không ai có thể hiểu nổi và đôi khi bật lên những tràng cười khanh khách đã trở nên quen thuộc với mọi người. Trước đây, đi đâu người ta cũng thấy chị Hằng dắt theo bé trai đen đúa, đầu tóc vàng cháy, từ việc hái rau, mò cua, bắt ốc cho đến khi mang ra chợ bán. Nhưng từ khi cháu Minh Thương đủ tuổi đến trường thì người ta thấy chị Hằng “khùng” sáng sáng, chiều chiều luẩn quẩn ở trường đưa rước con đi học. Người dân thấy vậy chuyển từ tâm trạng sợ hãi, xa lánh sang thông cảm và thương hai mẹ con nhiều hơn. Phương tiện di chuyển duy nhất của hai mẹ con chính là… đôi chân. Hàng ngày chị cuốc bộ hơn chục cây số từ nhà đến các chợ để mang rau đi bán.
Được biết vào năm 30 tuổi, có người lợi dụng tâm trí chị Hằng bất ổn nên xâm hại và kết quả là chị mang thai và sinh ra bé Phạm Minh Thương. Theo người dân địa phương cho biết, trước đây bệnh tình chị Hằng nặng lắm, suốt ngày chị nói nhảm, đi lang thang ngoài đường, la hét…
Nhưng từ khi sinh cháu Thương ra, chị Hằng dường như tỉnh táo hơn trước, biết tự nấu cơm, nấu cháo đút cho con. Khi cháu Thương bị bệnh, chị biết bồng sang hàng xóm nhờ người đưa đi ra trạm y tế khám. Có lẽ tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến cho chị tỉnh trí hơn. Có lần nghe một người chọc bảo sẽ bắt con, chị Hằng liền đem con giấu ở… bãi rác của chợ. Đến trưa mang nước cơm ra cho con uống. May mà bà con phát hiện bồng thằng nhỏ về giùm. Thương tình hai mẹ con, bà con hàng xóm người cho áo, người cho gạo, hộp sữa… rồi cất một cái chòi cho hai mẹ con ở.
Chị Tư - một người hàng xóm với mẹ con chị Hằng cho biết: “Thời gian qua vẫn có người xấu tìm cách ve vãn, xâm hại chị Hằng “khùng” nên thằng bé hay cáu gắt với người lạ. Hễ mẹ nó đi hái rau là nó lót tót theo để phụ mẹ và bảo vệ mẹ nó. Bà con ở đây cảm phục chuyện chị Hằng tuy tâm thần bất ổn nhưng lại một mực cho con ăn học đàng hoàng. Tui thấy đôi khi một số cha mẹ có điều kiện lại bắt con nghỉ học sớm, lao động kiếm tiền. Chị Hằng ‘khùng’ thì ngược lại!”.
Nghe nói đến chuyện học hành, chị Hằng “khùng” đứng lên kéo tay chúng tôi vào nhà “khoe” những sách vở, đồng phục mà chị đã chuẩn bị cho cháu Minh Thương trong năm học mới. Trong căn chòi tối om, chỉ có duy nhất một cái giường để hai mẹ con ngủ. Trên nóc mùng có những tấm ni-lông cột chằng chịt phía trên “để che không cho mưa ướt ngủ mới được”…
Chị Hằng “khùng” lò mò tìm hộp quẹt thắp cây đèn dầu, chỉ cho chúng tôi thấy hai quyển sách giáo khoa tiếng Việt lớp 3, vài quyển tập được quấn kĩ trong tấm ni-lông 3 - 4 lớp vì sợ mưa ướt. Chị bảo: “Mua cho thằng con đi học mà chưa đủ, mai mốt bắt cua, hái rau… bán để dành tiền mua thêm cho nó”. Hỏi chị sao biết sách này mà mua cho con, chị bảo: “Đi ra tiệm nói mua sách lớp 3 người ta bán cho chứ gì”. Chị còn kéo ghế, đứng lên với tay lấy từ trên mái nhà xuống một gói nho nhỏ được chèn giấu kín dưới tấm lá, mở ra trong đó khoảng vài chục ngàn đồng và khoe với chúng tôi đây là tiền để dành cho thằng con mai mốt đi học nhưng sợ người ta vào nhà lấy nên phải giấu!
Trước khi chúng tôi ra về, chị Hằng “khùng” còn kịp lấy cuốn tập của cháu Minh Thương, mở ra và chỉ vào một trang vở và nói: “Tên của tôi là Phạm Thị Hằng, con tui nó viết tặng tui đó, nó bảo nó đi học để mai này đi làm nuôi tôi!”. Mặc dù tâm trí không bình thường, nhưng hễ ai nhắc đến chuyện cho cháu Minh Thương nghỉ học là chị Hằng “khùng” tỏ vẻ bực tức và quát lại: “Không đời nào!”. Ngược lại ai có hỏi cho cháu Thương học để làm bác sĩ thì gương mặt chị sáng lên.
Đem hoàn cảnh của chị Hằng trao đổi với chính quyền địa phương, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Tiềm – Chủ tịch UBND xã Phú Quí cho biết: Hoàn cảnh của chị Hằng, chính quyền nắm rất rõ. Xã đã quan tâm giúp chị Hằng theo chế độ như: trợ cấp 360.000 đồng/tháng dành cho người khuyết tật, cấp BHYT cho hộ nghèo… Chị Hằng có hộ khẩu chung với ba mẹ.
Nhà của chị Hằng đông anh em và rất nghèo, khó khăn về nhà ở. Do nhà đông người nên chị Hằng dọn ra cất chòi ven sông ở riêng. Nơi chị Hằng ở là chỗ sắp giải tỏa để mở rộng sông phục vụ cho công tác thủy lợi của địa phương.
Thấy hoàn cảnh của mẹ con chị Hằng, xã cũng vận động cất cho chị một căn nhà, có người hứa cho tiền xây nhà nhưng chưa có nền để cất. Có người bà con xa của chị Hằng hứa sẽ bán cho chị cái nền nhà với giá rẻ là 20 triệu đồng. Ở xã không có kinh phí mua đất nên chị Hằng chỉ còn biết trông chờ vào tấm lòng hảo tâm của mọi người giúp đỡ mà thôi…
Hà Anh