'Bức tranh' của Kim Lân: Lòng người mẹ nghèo thương con

GD&TĐ - Kim Lân là “nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống” (Nguyên Hồng). Mỗi truyện ngắn của ông như một mảng đời của nhà văn được “xắn ra” từ mảnh đất sống của kiếp người thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, lời than thở... và cả những nụ cười nhiều lúc hồn nhiên, xúc động.

Nhà văn Kim Lân và tác phẩm “Vợ nhặt”.
Nhà văn Kim Lân và tác phẩm “Vợ nhặt”.

Với một ngòi bút vô cùng nhân hậu và rất đỗi tinh tế, ông tỏ ra am tường và am hiểu tâm lí, tính cách của người nông dân Việt Nam hiền hậu, lam lũ, chất phác. “Vợ nhặt” được xem là kiệt tác của đời văn Kim Lân.

“Vợ nhặt” của Kim Lân lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945. Hiện thực bi thảm đó đã hắt bóng đen lên từng trang viết, ám ảnh từ đầu cho đến cuối tác phẩm. Mở đầu thiên truyện là bức tranh ảm đạm về xóm ngụ cư khi cái đói tràn vào “Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên, xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ, người chết như ngả rạ”. Không buổi sáng nào “người trong làng đi chợ đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.

Chỉ bằng vài ba chi tiết nhỏ, Kim Lân đã vẽ nên một không gian tràn đầy tử khí. Cái chết hiện hình thành màu sắc “xanh xám”, thành đường nét “còng queo”, thành “mùi ẩm thối”, “mùi gây của xác người” thật cụ thể. Dường như đó là cuộc sống của những con người đang mấp mé bên bờ vực của cái chết, “một cõi dương lởn vởn hơi hướng của cõi âm” (Đỗ Kim Hồi).

1.

Trong hoàn cảnh bi thảm ấy, khi sự sống của con người đang ngày đêm bị đe doạ thì anh Tràng, con trai bà cụ Tứ đã nhặt về một người vợ. Sự kiện ấy trở thành tình huống nổi bật làm hiện lên tính cách cũng như tâm trạng ngổn ngang phức tạp của người mẹ nghèo. Nhà văn Kim Lân đã đặt nhân vật bà cụ Tứ vào một hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ trước tình huống con trai nhặt được vợ giữa những ngày đói kém. Thấy Tràng reo lên như một đứa trẻ vồn vã khác thường khi thấy mẹ lọng khọng đi vào từ ngõ, tâm trạng bà cụ Tứ trở nên phấp phỏng có cái gì đó bất thường đang chờ đợi bà. Đến giữa sân, bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn.

Kim Lân đã khéo chọn ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng đầy ngạc nhiên của bà cụ: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào đứng ở đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Hàng loạt những câu hỏi đang xoáy vào tâm trạng đầy ngạc nhiên, đầy bất ngờ của bà cụ Tứ. Sự ngạc nhiên còn được thể hiện qua bước chân lập cập của bà lão. Thậm chí bà lão không tin vào cảm giác, vào mắt mình: “bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải”.

Cho tới khi nghe Tràng phân trần, cắt nghĩa bà cụ mới hiểu ra và bà lão cúi đầu nín lặng. Đằng sau cái cúi đầu nín lặng là cả một dòng cảm xúc tuôn trào chất chứa bao nhiêu suy nghĩ. Bây giờ thì bà không chỉ biết sự việc “nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ” như lời Tràng thưa gửi. Bà còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự vừa ai oán vừa xót thương cho đứa con mình: “Bà lão hiểu rồi lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự. Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con trong lúc nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì...”.

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm lại một lần nữa mở ra cả một thế giới tâm trạng với bao nhiêu nỗi tủi hờn xót xa của một cuộc đời nặng trĩu những đắng cay. Bà vừa thương xót cho số kiếp của đứa con mình, vừa tủi phận, vừa lo lắng cho cuộc hôn nhân. Bà so sánh “người ta” với mình để chua chát, tự trách bản thân, để càng thương con trai hơn. Bà lão khóc. Từ kẽ mắt kèm nhèm của độ tuổi bảy mươi là hai dòng nước mắt rỉ xuống. Nước mắt của sự thương xót tủi buồn. Nếu như ở nhân vật Tràng niềm vui nhặt được vợ đã át đi mọi nỗi lo khác thì ở bà cụ Tứ, sự từng trải của một cuộc đời chịu nhiều đau khổ khiến bà ý thức được và hiểu rõ nghịch cảnh éo le của cuộc hôn nhân: “Biết rồi chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2.

Nhưng không chỉ có tình mẫu tử. Trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, ở bà cụ Tứ là hiện hữu của tình người. Người Mẹ ấy đã chọn “điểm nhìn” đặc biệt để chấp nhận cuộc hôn nhân vợ nhặt ấy không phải từ vị trí của một bà mẹ chồng. Bà cụ Tứ đăm đăm nhìn chị vợ nhặt, bà không nghĩ cho mình. Bà nghĩ cho con. Bà nghĩ cho chị. Từ chỗ thương con, tủi phận và lo lắng, bà lão chuyển sang thương xót cho người đàn bà xa lạ. Bà mẹ đôn hậu, giàu lòng vị tha và nhạy cảm ấy đã thấu hiểu ngay cái cảnh ngộ của người phụ nữ xa lạ bỗng trở thành dâu con của mình. Lời độc thoại nội tâm đã diễn tả thật chân thật và cảm động những suy nghĩ âm thầm của người mẹ: “Người ta có gặp bước khó khăn này người ta mới lấy đến con mình mà con mình mới có vợ được”.

Câu văn vừa cho ta thấy tấm lòng bao dung của người mẹ, vừa chất chứa bao nhiêu nỗi niềm tâm trạng. Bằng tấm lòng bao dung nhân hậu và sự nhạy cảm của người phụ nữ, bà lão thấu hiểu ngay cảnh ngộ của người vợ nhặt và đặt người phụ nữ ấy cao hơn cả con trai của mình. Tâm trạng của bà cụ vừa có ai oán, tủi hờn, vừa như cố nén một nỗi niềm bất đắc dĩ trước việc đã rồi, vừa rưng rưng một niềm vui thầm kín tội nghiệp. Và bà đi đến quyết định vui lòng chấp nhận nàng dâu mới: “Ừ, thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”.

Câu nói của bà làm cho cuộc hôn nhân giữa tràng và thị không còn là chuyện nhặt nhau giữa đường giữa chợ nữa. Nó cũng bình đẳng đẹp đẽ như tất cả các cuộc hôn nhân mâm cao cỗ đầy xưa nay. Vì cuộc hôn nhân nào mà chẳng xuất phát từ duyên phận vợ chồng. Bà dặn dò các con bảo ban nhau làm ăn. Bà gieo hi vọng cho con cái “Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá”. Bà an ủi con trai con dâu. Trên hết, ta vẫn thấy ở bà tấm lòng thương xót của người mẹ dành cho con và cho cả người đàn bà xa lạ vừa kịp trở thành người thân của mình.

Nhưng dù cố gắng, trĩu nặng trong suy nghĩ của người mẹ vẫn là nỗi lo lắng về tương lai của các con. Hình ảnh bà lão trong cái nhập nhoạng của bóng tối, hướng đôi mắt đăm đăm nhìn ra ngoài, nhìn suốt cuộc đời mình, cuộc đời của những người thân của mình để phấp phỏng cho hiện tại của con cái đầy ám ảnh với người đọc. Theo cái nhìn ấy là “bóng tối trùm lấy hai con mắt, là dòng sông sáng uốn khúc trong cánh đồng tối, là hình ảnh ông lão, đứa con gái út, những người thân yêu đã rời xa bà hẳn cũng vì đói khổ, là chính cuộc đời dằng dặc đau khổ của bà”. Bà đã đem vào cuộc đời con cái cái lo của biết bao kiếp người khác, để mà thương xót, nghẹn lời: “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”...

Như vậy, trước sự việc con trai nhặt được vợ, tâm trạng của bà cụ Tứ có sự lẫn lộn giữa buồn, vui và lo lắng. Niềm vui thì héo hắt vì không sao thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của sự buồn tủi xót thương. Và cũng như bao bà mẹ nhân từ khác, bà mong dâu con mình hoà thuận. Bà cụ nghẹn lời, nước mắt rưng, những giọt nước mắt lấp lánh trong lòng vị tha cao quý của sự xúc động, thương người và tủi thân mình. Đấy là giọt nước mắt kết tinh cho tình mẫu tử thiêng liêng.

3.

Không chỉ đôn hậu, vị tha với tấm lòng người mẹ đầy cao quý, bà cụ Tứ còn là người có niềm tin mãnh liệt, bất diệt vào tương lai. Sau buồn vui và lo lắng, ta bắt gặp niềm hy vọng mãnh liệt trong lòng bà cụ. Nó được nhen nhóm từ những chuyện tưởng chừng như hết sức vụn vặt, nhỏ nhoi. Đó là việc “bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa” trong buổi sáng hôm sau. Dường như bà tin rằng việc thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời có thể khác đi. Hành động đó biểu hiện một lối sống đầy tin tưởng, đầy lạc quan mà không hề tạm bợ.

Niềm hi vọng còn ánh lên trên khuôn mặt của bà lão “Khuôn mặt bủng beo, u ám của bà hôm nay nhẹ nhõm, tươi tỉnh rạng rỡ hẳn lên”. Đặc biệt, niềm hi vọng được gửi gắm trong câu chuyện của bà lão trong bữa cơm ngày đói đầu tiên với nàng dâu mới. Bà cụ vừa ăn, vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này “Tràng ạ, khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”. Bà là người già nhất nhưng lại nói nhiều nhất về những dự định tốt đẹp trong tương lai, không phải tương lai cho mình mà tương lai cho con cháu của mình “Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Niềm lạc quan ấy là biểu hiện cho một tâm hồn khoẻ khoắn, không bao giờ gục ngã trước hoàn cảnh. Niềm tin, niềm hy vọng ấy là động lực giúp con người đi qua đói nghèo và tăm tối.

Và cuối cùng, người đọc rớt nước mắt trước sự hào hứng, vui vẻ khi bà lão lễ mễ bưng một nồi cháo cám nghi ngút khói lên nhà, đon đả tươi cười mà bảo: “Chè đây, chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Bữa cơm ngày đói thảm hại nhưng bà vẫn tươi cười. Bà đã biến buồn thành vui để đỡ phần thê thảm. Bà đã nén nỗi buồn riêng của mình để động viên con. Đó là biểu hiện của một tấm tình mẫu tử đầy cao cả. Bà đã biết chắt chiu hi vọng từ trong hoàn cảnh khốn cùng và tuyệt vọng. Với bà cụ Tứ, bà đã tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự chăm lo vun vén cho con, trong việc nhen nhóm niềm vui, niềm hi vọng vào tương lai. Đó cũng chính là niềm tin sâu sắc của Kim Lân vào phẩm chất tốt đẹp của con người.

Đặt nhân vật bà cụ Tứ vào một tình huống hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện con trai nhặt được vợ trong những ngày đói khát, Kim Lân đã miêu tả tài tình, tinh tế những diễn biến tâm lí, những sắc thái tâm trạng của bà cụ Tứ và diễn tả nó bằng một giọng văn đôn hậu, giàu yêu thương và trân trọng. Thành công của thiên truyện là đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khó trong trận đói khủng khiếp năm 1945, một người mẹ nhân hậu, vị tha và có khát vọng đổi đời mãnh liệt và khôn nguôi khát vọng hạnh phúc cho gia đình, con cái.

Phần cuối thiên truyện là hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới để mở ra lối thoát cho những người nghèo khổ. Niềm hi vọng của ba con người Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt là có cơ sở. Chắc chắn rằng, trong sự cưu mang, đùm bọc, nương tựa vào nhau, họ sẽ vượt qua cảnh ngộ tối tăm ấy. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Kim Lân.

Viết về tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu đồng bào, nhà văn muốn khẳng định một thông điệp: Dù trên bờ vực của cái chết con người vẫn cưu mang, đùm bọc lấy nhau, vẫn khao khát hạnh phúc bình dị đời thường. Niềm khao khát ấy được thể hiện rõ nét nhất ở nhân vật bà cụ Tứ. Đúng như Kim Lân chia sẻ: “Khi viết về cái đói, mọi người thường có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Tôi định viết một số truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống.

Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống, vẫn hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra con người. Lúc đói, người ta phải kiếm sống, thậm chí nhặt rác rưởi, nhặt ốc, nhặt chuột, ăn uống một cách thê thảm nhưng đến tối họ vẫn có một gia đình, gia đình nào về gia đình ấy, vẫn hi vọng một điều gì. Họ vẫn trò chuyện về đồng áng, giỗ chạp, những chuyện hướng về một cái gì là sự sống, đói nhưng không làm cho người ta đen tối, mất hi vọng dù phải cướp cám mà ăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.