Bé gái sinh ra bị đứt lìa bàn tay vì hội chứng dải sợi ối
Khi Christabel Koh (Singapore) sinh bé gái Chrislyn 5 năm trước, cô chết lặng khi chứng kiến con không còn bàn tay trái. Trong quá trình mổ lấy thai, các bác sĩ phát hiện bàn tay trái bé xíu ấy nằm trong tử cung người mẹ. Koh đã mắc một chứng bệnh hiếm gặp có tên hội chứng dải sợi ối.
Nếu bà bầu mắc hội chứng dải sợi ối trong thai kỳ, có những phần của màng ối rời ra, như những sợi chỉ mỏng manh bên trong túi ối. Tuy nhiên, chính những sợi ối này có thể vô tình xoắn lại và quấn quanh các phần khác nhau trên cơ thể thai nhi. Từ đó, chúng tác động tới bé theo nhiều cách.
Christabel Koh chết lặng khi sinh ra con gái không có bàn tay trái.
Ở trường hợp Chrislyn, dải sợi ối đã quấn quanh cánh tay trái của bé, khiến nó bị cắt rời ra. Bên cạnh đó, dải sợi ối còn làm 3 ngón tay bên bàn tay phải của bé dính liền nhau.
Mẹ bé từng chia sẻ trên tờ Women"s Weekly: "Trong suốt thai kỳ của tôi, không hề có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tôi bị hội chứng dải sợi ối".
Trầm cảm vì khuyết tật của con
Không dễ dàng cho người mẹ trẻ khi phải đối mặt với khuyết tật của con. Christabel từng rơi vào trầm cảm và nung nấu ý nghĩ tự tử. Mọi thứ còn trở nên tồi tệ thêm khi cô ly hôn với ba bé Chrislyn. Người mẹ đơn độc dường như không còn chút hi vọng nào cho tương lai của chính cô hay của con gái.
Christabel phải nỗ lực hết sức trước sự tấn công của trầm cảm và suy nghĩ tự vẫn. Thực tế cô không có công ăn việc làm, không có tiền bạc khiến tình hình càng thêm trầm trọng.
Bé đã trải qua 3 cuộc đại phẫu để tách rời những ngón tay bị dính.
Người mẹ trẻ nhớ lại: "Thời điểm đó, tôi không có việc, một núi hóa đơn bệnh viện cần thanh toán và một đứa con với tương lai mong manh. Rất nhiều lần, tôi leo lên tầng cao nhất của tòa nhà, với Chrislyn trong tay, sẵn sàng để cùng con gieo mình xuống".
Một trong những lần đó, cảnh sát đã đưa con gái Chrislyn khỏi cô. Bản thân Christable bị giam giữ 24 tiếng. Đó chính là lúc cô nhận ra, mình yêu con biết bao. Christabel quyết định bắt đầu một chương mới trong đời.
Cô tìm được việc bán hàng. Công việc linh hoạt giúp cô thuận lợi hơn khi chăm sóc con. Ba Chrislyn cũng hỗ trợ về tài chính và bé đã trải qua 3 cuộc đại phẫu để tách rời những ngón tay bị dính.
Mọi thứ bắt đầu tốt đẹp dần lên. Hiện nay, Christabel đang giữ chức giám sát trưởng tại Honestbee (một công ty hoạt động trong lĩnh vực giao hàng). Cô thậm chí còn mua được căn hộ 4 phòng để sống cùng mẹ và con gái.
Chrislyn hiện đã 5 tuổi. Với Christabel, được làm mẹ của Chrislyn là niềm vui sướng vô hạn mà cô sẽ không đánh đổi lấy bất cứ thứ gì.
Với Christabel, được làm mẹ của Chrislyn là niềm vui sướng vô hạn mà cô sẽ không đánh đổi lấy bất cứ thứ gì.
"Tôi từng tin tưởng rằng con gái tôi có một cuộc đời không đáng sống. Nhưng con đã chứng minh điều ngược lại. Tôi đã không biết rằng con gái bé nhỏ của tôi có thể mạnh mẽ đến nhường nào và rằng tôi rốt cuộc đã yêu con ra sao". Chrislyn chính là người hùng trong trái tim mẹ cô bé.
"Tôi vô cùng kinh ngạc trước khả năng học sử dụng bàn tay của con. Con đã học để tự xúc ăn và tự mặc quần áo. Con gái là niềm cảm hứng của tôi. Nếu con có thể làm tất cả những thứ này bất chấp tình trạng khuyết tật của mình, tôi chẳng có gì để biện hộ cho việc thiếu nỗ lực của bản thân. Mong ước lớn nhất của tôi là con sẽ không bao giờ cảm thấy mình bất tài hơn so với các bạn gái khác chỉ bởi vì con không còn một bàn tay. Nếu con muốn chơi đàn violin hay học ballet, tôi sẽ làm mọi cách để con được thực hiện điều đó. Tôi sẽ làm tất cả để con đạt được giấc mơ của mình", Christabel chia sẻ trên tờ The New Paper.
Hội chứng dải sợi ối nguy hiểm thế nào?
Hội chứng dải sợi ối (ABS) xảy ra trong thai kỳ của một người phụ nữ. Khi em bé trong bụng mẹ, bé được bao bọc bởi một túi ối có chứa dịch ối. Dịch ối này giúp bé trôi nổi bồng bềnh trong tử cung người mẹ.
Túi ối với thai nhi bên trong và dịch ối có 2 lớp màng gắn vào nhau. Lớp màng bên ngoài hướng vào tử cung, là màng đệm. Còn lớp màng bên trong bao quanh thai nhi là màng ối.
Hội chứng dải sợi ối ảnh hưởng đến thai nhi khi màng ối bị rách nhưng không gây tổn thương cho màng đệm. Có một số phần của màng ối khi đó trở nên lỏng lẻo, giống như những sợi chỉ bên trong túi ối. Chúng có thể quấn quanh các bộ phận cơ thể thai nhi. Trong trường hợp dải sợi ối quấn chặt, máu không thể lưu thông tới cơ quan đó và tạo thành dị tật cho thai nhi.
Những dị tật này bao gồm:
- Mất chân tay hoặc ngón chân, ngón tay: Một sợi ối quấn chặt quanh tay, chân thai nhi có thể khiến nó bị đứt. Kết quả, bé chào đời không đủ ngón tay hay ngón chân hoặc chỉ còn lại một phần cánh tay/cẳng chân. Có trường hợp, bé chào đời với chân/tay đã hoại tử và buộc phải cắt bỏ bằng phẫu thuật.
- Môi hoặc hàm ếch bị hở nếu sợi ối quấn ngang mặt thai nhi.
- Ngón chân bị dính lại.
- Trường hợp xấu nhất, thai nhi có thể chết trong bụng mẹ. Nếu sợi ối quấn quanh dây rốn, nó cắt đứt nguồn cung cấp máu cho thai nhi. Hậu quả là người mẹ bị sảy thai.
Cách chẩn đoán hội chứng dải sợi ối
Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng nguy hiểm này trước khi trẻ chào đời nhưng phổ biến hơn là sau khi trẻ sinh ra.
Chẩn đoán trước khi trẻ chào đời
Những bác sĩ hay chuyên gia giàu kinh nghiệm có thể nhận ra chính xác hội chứng dải sợi ối dựa trên kết quả siêu âm thai kỳ, thường được thực hiện khi thai phụ ở tuần thai thứ 12.
Nếu nghi ngờ khả năng thai nhi bị ảnh hưởng bởi hội chứng dải sợi ối, bạn được khuyên thảo luận với một chuyên gia kinh nghiệm. Dải sợi ối rất mảnh và vô cùng khó để nhận ra dù trên siêu âm. Khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực này có thể chỉ dẫn bạn bằng những ý kiến chuyên môn của họ khi phân tích hình ảnh siêu âm.
Dải sợi ối có thể để lại dị tật trên thai nhi.
Chẩn đoán sau khi trẻ sinh ra
Khi bạn sinh bé, có nhiều cách để bác sĩ có thể đánh giá liệu con bạn có bị hội chứng dải sợi ối hay không. Ví dụ, thông qua:
- Khám trực tiếp. Bác sĩ sẽ xem chân tay bé có bị khuyết không hay bất cứ dị tật nào khác với cơ thể bé.
- Chụp X-quang để đánh giá mức độ sợi ối tác động sâu thế nào tới các mô bên dưới da.
- Chụp cộng hưởng từ MRI hay các kỹ thuật chụp cắt lớp khác để hiểu rõ hơn việc sợi ối có thể ảnh hưởng hay làm tổn thương như thế nào tới mạch máu và dây thần kinh.
- Các xét nghiệm chuyên sâu khác như siêu âm 3D…