Hôm đó, tôi đưa con về nhà bà ngoại chơi để sum họp gia đình. Lâu nay gia đình không quây quần bên nhau vì hiếm có dịp nào được nghỉ dài dài. Vừa về tới nhà, cậu con trai của tôi chạy lại ôm chầm lấy bà ngoại vì cháu rất quấn bà. Bà thì mừng mừng tủi tủi, vừa nhớ cháu vừa thương cháu.
Nhưng thằng bé có vẻ được bà nuông chiều nên làm nũng, nhõng nhẽo bà còn đòi đủ thứ. Cái gì cháu thích thì bà cũng chiều nên cháu càng đòi nhiều hơn. Lâu nay, cháu không được về thăm ông bà, ông bà lại không gặp cháu, nỡ nào mà từ chối yêu cầu của con trẻ. Thế nên, cả đêm, thằng bé cứ đòi dậy xem tivi, rồi lại đòi bà đi mua sữa chua cho ăn dù đã gần 11h đêm. Giờ ấy thì ở quê, ai còn bán hàng mà đòi.
Mắng con không được vì thằng bé hay khóc nhè, ăn vạ. Tôi bực tức cầm roi định đánh con rồi quát tháo ầm nhà ‘tao nói mày có nghe không, mày định ăn vạ đến bao giờ, tao cho mày ngủ một mình xem còn dám đòi bà nữa không?’.
Vừa dứt lời, con tôi đáp lại ‘sao mẹ lại gọi con là mày? Mẹ đừng xưng mày-tao với con nữa. Con thấy các bạn có bao giờ bị mẹ mắng như thế đâu. Các bạn toàn được mẹ chiều, chẳng bao giờ mẹ các bạn ấy xưng mày-tao với các bạn’.
Ngẫm lại, thời gian dành cho con không nhiều. Suốt ngày đi làm, tối về chỉ bên con được một lúc. (ảnh minh họa)
Dù rất giận con nhưng tự nhiên trong lòng cồn cào, có một cảm giác gì đó vô cùng lạ. Một đứa trẻ trước giờ chỉ biết nhõng nhẽo, khóc lóc, đòi mẹ hết thứ này đến thứ khác mà giờ lại có thể nói ra những lời như vậy. Quả thật, người làm mẹ như tôi thấy vô cùng hổ thẹn.
Con dù còn nhỏ nhưng cũng hiểu được rằng, làm cha làm mẹ không nên quát tháo, dạy con bằng những ngôn từ khó nghe. Chuyện bố mẹ xưng mày-tao với con cái xem là chuyện khó chấp nhận, cục cằn. Nó sẽ ăn sâu vào tiềm thức của con và khiến con cái sẽ sợ hãi. Không đánh đập nhưng lời nói đã mang ý bạo lực.
Mẹ tôi hôm đó cũng góp ý với tôi không nên nói con m ình như thế. Và tôi đã nhận ra, bấy lâu nay tôi đã quá sai lầm khi cứ liên tục gọi con như vậy. Người làm mẹ như tôi quả thật quá vô tâm, hờ hững. Con nhìn bạn bè mà tủi, nhìn bạn bè mà so sánh, xem ra không phải con chỉ là một đứa trẻ chỉ biết vòi ông bà, bố mẹ.
Ngẫm lại, thời gian dành cho con không nhiều. Suốt ngày đi làm, tối về chỉ bên con được một lúc. Thời gian chăm sóc con cũng không có. Cháu còn nhỏ nên chưa đi lớp, với lại, nhà có bà nội nên để cho bà nội trong nom. Vợ chồng tôi chỉ mải mê kiếm tiền và không hiểu được tâm lý của con cái. Về nhà thấy con đòi này, đòi kia lại đâm khó chịu, quát nạt con mà chưa từng nịnh nọt, động viên, hay an ủi con. Thân làm mẹ như tôi thật đáng trách, để con phải phản ứng với mình, để con phải buồn vì cách ứng xử của mẹ.
Đúng là, dù có dạy con thế nào cũng nên nhẹ nhàng, không nên bạo lực, cũng không nên dùng những từ ngữ khó nghe. Như thế, tâm hồn con trẻ mới trong sáng và đáng yêu như những người mẹ mong đợi. Tôi thật sự thấy mình đã sai rồi. Từ nay, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho con hơn và sẽ suy nghĩ nghiêm túc về chuyện dạy con của mình.