Mẹ chồng thích… kể công

Mẹ chồng cô tuy không hay để ý, soi mói, nhưng lại “mắc bệnh” thích… kể công, mà toàn là “công có 1, kể đến 10”.

Mẹ chồng thích… kể công

Sau khi lấy chồng, mặc dù có đủ điều kiện kinh tế để ra ở riêng, chồng lại khá thoáng, luôn ủng hộ mọi quyết định của vợ, nhưng trái ngược với lựa chọn của hầu hết các chị em, Hương (Thanh Xuân, HN) lại quyết định sẽ ở chung với bố mẹ chồng. 

Lý giải cho điều này, Hương bảo: “Chồng mình là con một, lấy vợ xong mà ra ngoài ở chắc bố mẹ hụt hẫng lắm. Hơn nữa, thời gian yêu nhau, tiếp xúc với mẹ chồng nhiều, mình thấy tính bà cũng khá thoải mái, nên có lẽ sống cùng mà lựa nhau một chút thì cũng không có vấn đề gì cả”. 

Thế nhưng sau vài năm, Hương lại hối hận vì quyết định ở chung của mình, bởi sống lâu mới thấy rất khó chịu, vì mẹ chồng cô tuy không hay để ý, soi mói, nhưng lại “mắc bệnh” thích… kể công, mà toàn là “công có 1, kể đến 10”.

Ông bà đều đã về hưu, còn công việc của hai vợ chồng Hương thì bận rộn cả ngày, nên việc nhà, bà bảo: “Cứ để mẹ lo hết, con yên tâm mà làm việc”. 

Chưa cảm kích vì bà chu đáo, tâm lý được bao lâu, thì ngày nào đi làm về, Hương cũng phải nghe đi nghe lại điệp khúc kể lể của mẹ chồng: “Hôm nay mẹ phải nấu mấy tiếng mới xong bữa cơm này đấy”, rồi: “Ôi cả chiều nay phải lau dọn nhà, bếp còng hết cả lưng”. 

Đi kèm với nỗi khổ của bà là sự sung sướng của Hương được bà nói đi nói lại suốt bữa ăn cơm: “Chắc chẳng có con dâu nhà nào sướng hơn con dâu nhà này đâu nhỉ, đi làm về là có cơm bưng, nước rót tận miệng”.

Chuyện chợ búa, dọn dẹp của bà cũng chẳng giống ai: Nhà có vài người, ăn uống chẳng bao nhiêu, nhưng ngày nào bà cũng xách làn đi chợ từ 4, 5 giờ sáng, hoặc đêm hôm 11, 12 giờ lại lọ mọ cầm chổi đi quét dọn, lau nhà. 

Mọi người có góp ý rằng sao bà phải “thân làm tội đời” như vậy, thì bà bảo: “Có tuổi rồi ngủ được ít, nằm thì đau người nên dậy làm cho vừa khỏe vừa đỡ buồn”. 

Ấy thế mà chỉ một lúc sau, bà lại than thở rằng mình… số khổ, đến già vẫn khổ, vẫn phải sớm khuya phục vụ chồng, phục vụ con, có con dâu rồi mà cũng chẳng đỡ đần được tí công tí việc nào. 

“Thực sự là mình không phải đứa lười không muốn làm đâu, mà vì bà rảnh nên mới để bà giúp. Nhiều lúc bức xúc quá mình cũng bảo thôi mẹ để con làm, mẹ nghỉ cho đỡ mệt nhưng bà có chịu đâu, bà cứ giành làm xong rồi cứ nói, cứ kể” - Hương ấm ức chia sẻ.

Mẹ chồng kể công
Hương lại càng mệt mỏi hơn vì những lời kể công của mẹ chồng (Ảnh minh họa).

Đúng đợt Hương sinh con thì mẹ đẻ cô cũng bị ốm phải nằm viện nên không giúp đỡ được gì, nhưng trộm vía bù lại mẹ khỏe, con ngoan, nên sau tuần đầu tiên, tất cả mọi việc cho mình, cho con, Hương đều có thể tự làm được hết. 

Vì cũng ngại không muốn nhờ vả mẹ chồng , nên ngay cả ba bữa cơm trong ngày, Hương cũng không bao giờ đòi hỏi muốn ăn riêng món này, món kia, mà hầu như cả nhà ăn gì, cô cũng chỉ ăn món đó. 

Nếu muốn uống thêm cốc sữa ngô, chè vằng cho nhiều sữa, Hương tranh thủ những lúc con ngủ và xuống bếp tự làm. Thỉnh thoảng có đêm con quấy, con khóc hay con khó chịu, vợ chồng Hương đều cố gắng tự mình xoay xở, cũng chưa bao giờ thấy bà chủ động sang hỗ trợ. 

Ấy thế mà, từ họ hàng bên nội, bên ngoại, hay bạn bè Hương đến chơi, thấy ai bà cũng than mệt lắm, mệt vừa, rồi “sụt mất mấy cân” vì phải vất vả một mình chăm con dâu đẻ. 

Bà lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại với tất cả mọi người về “công lao nhà nội chăm bẵm, quan tâm”, còn nhà ngoại thì: “Từ lúc nó sinh đến giờ, có giúp đỡ được gì đâu”. 

Biết bao lần trước mặt mọi người Hương định “vặc” lại mẹ chồng vì không thể kiềm chế được, thì lại thấy chồng nắm chặt tay, sau đó an ủi: “Thôi tính mẹ thế rồi em, đừng để ý làm gì cho nhà cửa được vui vẻ”, Hương lại đành thở dài im lặng.

Đến lúc phải đi làm lại và gửi con ở nhà cho bà trông hộ, Hương lại càng mệt mỏi hơn vì những lời kể công của mẹ chồng. Bởi vậy, dù biết là hơi sớm và cũng rất thương con, nhưng khi con đúng 1 tuổi, Hương đã quyết định cho con đi học sớm để chỉ phải nhờ bà mỗi việc đưa đón cháu hàng ngày. 

Vậy là cứ đến bữa cơm buổi tối, bà lại có rất nhiều chuyện để kể, nào là chuyện con nhà này, con nhà kia không có người đưa đón, phải ở lại lớp muộn nhìn khổ thân lắm, chứ không sướng như cháu nhà mình được bà nội đón sớm, rồi chuyện có bà mẹ chiều nào cũng phải đón con về công ty, cho con lang thang chơi một mình ở đấy còn mình làm việc nốt, sau đó bà sẽ chốt lại, rằng vợ chồng Hương phải cảm thấy may mắn vì có bà. 

Một tháng chỉ đôi lần làm về muộn quá mà để bà cho con ăn, tắm rửa xong thì y như rằng cả tối Hương được nghe “khúc ca” về “người mẹ sướng” chỉ phải đẻ, chẳng phải chăm, và “người bà tuyệt vời”: “Không ở với bà chắc cháu bị bỏ đói mất thôi”.

Nhiều lúc, bản thân Hương cũng phải… khâm phục chính mình vì không ngờ sự chịu đựng của bản thân tốt hơn rất nhiều so với tưởng tưởng của cô, nhưng sau hôm nghe được câu chuyện giữa mẹ chồng và cô chồng tới chơi thì cô đã "bùng nổ". 

Chuyện là mấy năm ở với bố mẹ chồng, nhiều lần vợ chồng Hương muốn đưa tiền ăn uống, sinh hoạt cho mẹ chồng, nhưng bà đều từ chối vì lương hưu ông bà cũng khá cao. 

Tuy nhiên, vì cũng là người biết điều, biết ý, nên hàng tháng, từ tiền điện nước của cả nhà, tiền thuốc men của bố chồng, tiền mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của mẹ chồng đều là do Hương bỏ ra, mà chẳng tháng nào dưới 6 triệu đồng. 

Chưa kể thỉnh thoảng chồng cô lại biếu bố mẹ ít tiền tiêu vặt, hoặc lúc ông bà cần đi đâu Hương lại đưa thêm. Hiểu hết những điều ấy, vậy mà mẹ chồng cô vẫn thản nhiên kể công: “Đấy cô xem, trước có con trai thì nuôi nó, thêm con dâu lại nuôi con dâu, có cháu lại còn nuôi thêm cả cháu. Bao năm nay tôi vẫn phải nuôi ăn chúng nó đấy chứ, đi làm tiền có là giữ, có đưa cho mẹ đồng nào đâu”.

Đứng ở cầu thang nghe rõ mồn một từng lời, Hương sững người lại vì quá bất ngờ trước suy nghĩ của mẹ chồng. Hóa ra bao lâu nay, bà vẫn nghĩ là vợ chồng Hương ăn bám, còn bà thì có công nuôi. Định chạy ra hai mặt một lời rồi muốn ra sao thì ra, mà nghĩ đến chồng, Hương lại thôi. Nhưng nhất định sau hôm nay, vợ chồng Hương sẽ tìm nhà để ra ở riêng…
Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...