Căn hộ ấy được mua bằng số tiền vợ chồng tôi dành dụm cả đời. Tôi tôn trọng cuộc sống riêng tư của các con. Mỗi tháng một đôi lần, tôi gọi con về để cả nhà có bữa cơm sum họp.
Tới khi con dâu tôi sinh cháu, tôi mới hay qua lại nhà con để giúp đỡ 2 đứa việc nhà và chăm cháu nội. Thời gian này, tôi mới phát hiện ra sự “bất ổn” trong cuộc sống của con mình.
Con trai tôi là kỹ sư, con dâu là kế toán. Tổng thu nhập của 2 đứa mỗi tháng trên 20 triệu đồng. Khi mua nhà cho con, tôi đã sắm sửa cho chúng không thiếu thứ gì. Tôi đã nghĩ rằng 2 đứa sống rất thoải mái và vẫn có tiền tiết kiệm. Vậy mà khi cháu tôi ốm phải nhập viện, con trai tôi vội vã gọi cho tôi để vay tiền.
Hỏi ra tôi mới biết, hơn 1 năm sau khi kết hôn, con trai tôi đi làm đưa tiền cho vợ nhưng con dâu tôi không tiết kiệm được đồng nào. Tiền lương hàng tháng, 2 đứa chi tiêu hết. Thậm chí, để lấy tiền đi đẻ, con dâu tôi phải bán sợi dây chuyền tôi tặng lúc kết hôn.
Tôi giật mình hỏi con trai: “2 vợ chồng son chi tiêu những gì mà mỗi tháng hết hơn 20 triệu? Các con không tiết kiệm, lúc gia đình có việc biết tính sao?”. Con trai tôi thủng thẳng đáp rằng: “Con không để ý vợ tiêu gì. Mà kiếm tiền là để tiêu mà mẹ”.
Con trai tôi không để ý, nhưng tới nhà con, tôi liếc mắt đã biết ngay. Cách sống của con dâu tôi như vậy hỏi sao bao nhiêu tiền cũng hết. Trên bàn phấn của con dâu tôi toàn mỹ phẩm đắt tiền, có những chai nước hoa giá gần chục triệu. Tủ quần áo, tủ giày đầy ăm ắp. Trong đó có những món đồ hàng hiệu mà tôi chỉ dám ngắm chứ chưa bao giờ dám mua.
Vào bếp, tôi ngạc nhiên khi thấy chai nước mắm tôi cho con cách đây mấy tháng vẫn còn đầy. Tôi hỏi ra mới biết 2 đứa thường xuyên ăn hàng quán nên chẳng mấy khi nấu cơm nhà.
Con dâu tôi ở cữ được 3 tuần đã nằng nặc đòi đi chơi, mua sắm. Khi con dâu về, tôi bần thần khi nhìn thấy con xách túi lớn, túi nhỏ kèm theo hóa đơn tiều triệu trong mỗi túi hàng.
Tôi đã nhẹ nhàng nói chuyện với con dâu, khuyên con nên cân nhắc khi chi tiêu để có tiền tiết kiệm và lo cho con cái nhưng con dâu tôi bỏ ngoài tai. Sau lần nói chuyện ấy, con dâu tôi vẫn không tiếc tay mua sắm. Con trai tôi cũng chẳng có ý kiến gì và sống vô lo như ngày chưa lấy vợ.
Lần thứ 2 tôi nhắc nhở chuyện chi tiêu, con dâu tôi phản pháo: “Con phải tiêu tiền thì mới có động lực kiếm tiền. Con không thể sống như mẹ được. Mà vợ chồng con đã thống nhất chỉ đẻ 1 đứa thôi nên con cũng không phải lo nhiều như mẹ”.
Nghe lời tuyên bố của con dâu, tôi phát hoảng, cổ họng tôi nghẹn lại, chẳng nói được câu gì. Tôi vội vã về, cả đêm hôm ấy tôi mất ngủ.
Nhìn cách sống của con, tôi thấy rất lo lắng và buồn. Nếu các con tôi chỉ muốn sống cho bản thân và vô tư hưởng thụ thì cuộc sống của chúng mãi dậm chân tại chỗ và không đảm bảo được tương lai của gia đình.
Tôi thực lòng chỉ muốn tốt cho các con. Tôi không đành “nhắm mắt làm ngơ” nhìn các con ăn tiêu vung phí. Vậy tôi phải làm gì để con dâu mình “tu tâm dưỡng tính”? Mong mọi người cho tôi một lời khuyên.