Mẹ chồng nàng dâu “lệch pha”

GD&TĐ - Tôi từng được hàng xóm biết đến với cái tên "dâu tây". Chẳng phải tôi lấy chồng Tây mà vì nhìn vào cuộc sống hiện tại, họ cứ nghĩ tôi sướng hơn những nàng dâu Việt khác. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gia đình chồng tôi khá cơ bản nên tôi được đảm bảo một cuộc sống ổn định, không áp lực kinh tế. Mẹ chồng tôi đã nhiều tuổi nhưng rất mát tính. Tôi còn một bà chị chồng khá sắc sảo, nhưng chị lập gia đình trong Nam nên muốn xét nét tôi cũng khó. Họ hàng bên nhà tôi còn bảo: "Mày sướng! Được chồng chiều chuộng, chẳng thiếu thứ gì". Về cơ bản là vậy. Nhưng ở trong chăn mới biết con rận to như thế nào.

Chung quy cũng vẫn là chuyện mẹ chồng nàng dâu "lệch pha". Tôi không biết những mẹ chồng tốt bụng, yêu thương con dâu như con đẻ như thế nào. Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ được trải nghiệm điều này. Đúng như người ngoài nhận xét, ấn tượng đầu tiên về mẹ chồng tôi là bà khá lành, bà cũng rất ít nói. 

Thi thoảng có sự kiện gì "đột ngột" lắm mới thấy bà lên tiếng, ví như "Nhà mất điện à?" hay "Sao thằng Tôm lại khóc?"... Bố chồng tôi mất đã lâu, chồng tôi dành hết tình cảm để bù đắp cho mẹ. Nhiều tối anh ngồi bên tôi, thủ thỉ: "Hồi xưa mẹ anh rất vất vả, bây giờ anh muốn dành cho bà những gì tốt nhất có thể. Nhìn các ông bà xung quanh phải trông cháu vất vả, anh không chấp nhận được. Con ai nấy trông chứ, sao lại bắt ông bà già yếu phải làm một việc vất vả như thế. Sau này mình có con, anh sẽ thuê người giúp việc".

Tôi thấy anh có cái nhìn khá chủ quan trong vấn đề này nên mới nói: "Nhiều khi ông bà cứ giành lấy cháu mà trông ấy, thảnh thơi quá cũng chán, không hẳn các cặp vợ chồng trẻ bây giờ vô tâm với bố mẹ đâu". Ai ngờ chồng tôi gạt phăng: "Đó là sai lầm của họ, người già phải được nghỉ ngơi chứ. Trong nhà còn đầy việc nhẹ nhàng cho họ làm, miễn sao không phải trông cháu". Thấy phản ứng của chồng quá gay gắt, tôi không nói gì nữa.

Ngay khi tôi phải quay lại cơ quan làm việc sau kỳ nghỉ sinh, chồng tôi tuyển ngay một ô sin chuyên nghiệp, cô bé này từng làm việc rất tốt ở những gia đình khác. Cứ ngỡ giải pháp này giải quyết được mọi vấn đề: chúng tôi yên tâm đi làm vì thằng Tôm đã có người trông cũng như không phải nhờ vả mẹ chồng bất cứ việc gì liên quan đến con cái. 

Thế nhưng kể từ ngày đó, cuộc sống gia đình tôi bắt đầu "nổi sóng". Có hôm mẹ chồng kéo tôi vào một chỗ, phàn nàn: "Con ơi, đuổi ô sin này ngay cho mẹ. Nó không biết trông trẻ con gì cả, toàn cố tình cấu cho cháu mẹ khóc. Chưa kể nó cứ thản nhiên sử dụng đồ đạc của nhà mình". 

Chưa cần xét lời kể của mẹ chồng tôi có bao nhiều phần trăm là sự thật thì tôi cũng biết chắc chắn một điều: ô sin nhà tôi chẳng dại gì mà làm thế. Tôm là đứa trẻ ngoan, nếu không có sự kiện gì quá ghê gớm thì nó chẳng bao giờ khóc, chưa kể nết ăn ngủ rất... trộm vía. 

Thực thế thì ô sin nào cũng thích trông một đứa trẻ như Tôm nhà tôi, công việc của họ vì thế mà nhàn hơn. Hơn nữa, ngoài việc trông cháu, ô sin nhà tôi còn phải nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, nếu không dùng đồ đạc trong nhà tôi thì con bé sang nhà hàng xóm dùng nhờ à... Vì không muốn mẹ chồng tự ái khi nghĩ rằng tôi không tin lời bà nên tôi vẫn phải nói khéo: "Mẹ yên tâm, để con nhắc nhở con bé". 

Hôm sau, ô sin lại kéo tôi vào một chỗ, khóc thút thít: "Cô ơi, ngày nào bà cũng theo dõi nhất cử nhất động của cháu, cháu làm gì bà cũng cằn nhằn, thậm chí quát mắng, có hôm bà còn bảo "mày không làm được thì đi chỗ khác". Có khi cháu không giúp cô được nữa...".

Nghe lời ô sin kể tôi cũng thấy bàng hoàng, những gì mẹ chồng tôi thể hiện khác hẳn với kiểu một người hiền lành và "kiệm lời". Chưa biết xử lý sự việc này thế nào, tôi an ủi ô sin: "Cháu đừng lo, cứ ở lại giúp cô chú tiếp nhé, bà già rồi nên nhiều khi hơi khó tính, cháu cứ nghe tai này rồi cho ra tai kia".

Chồng tôi về, được nghe tôi tường thuật sự việc thì lăn ra cười: "Em quên ngày xưa mẹ từng làm trong ngành điều tra à? Chuyện mẹ theo dõi ô sin nhà mình cũng dễ hiểu thôi mà". "Anh suy nghĩ quá đơn giản, trong khi ngày nào em cũng phải đau đầu xét xử những xung đột giữa mẹ anh và ô sin thì anh chẳng tìm ra giải pháp nào giúp em cả. Chuyện như vậy không thể tái diễn mãi được, em không muốn mất công tuyển người giúp việc khác". Nghe tôi nói vậy nhưng chồng tôi vẫn cười xòa: "Không đến mức ấy đâu, em đừng căng thẳng".

Một hôm tôi hí hửng xách túi về nhà thì bị hàng xóm chặn lại, thông báo: "Chẳng biết có chuyện gì mà lúc nãy bác thấy ô sin nhà cháu vừa khóc vừa chạy ra khỏi nhà, còn mang theo cả hành lý nữa". Đoán có điều chẳng lành, tôi cuống cuồng chạy về, mẹ chồng tôi đang bế thằng Tôm, mặt tỉnh bơ: "Nó chẳng giúp được việc gì nên mẹ đuổi nó đi rồi. Con bảo thằng Toàn tuyển đứa khác đi. Mẹ chỉ trông thằng Tôm hôm nay thôi đấy".

Quả nhiên mẹ chồng tôi không muốn trông cháu, nhưng bà liên tục kiếm chuyện với người giúp việc thì vợ chồng tôi bói đâu ra người vừa trông trẻ vừa lo chiều chuộng, nịnh nọt "bà chủ" trái tính trái nết này?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.