Máy tính không thể thay chữ viết

GD&TĐ - Thời đại 4.0, con người làm việc trên máy tính, điện thoại nhiều hơn, việc viết tay hạn chế, vì vậy không ít phụ huynh có quan điểm chữ xấu đẹp không quan trọng, không cần rèn giũa chữ...

Rèn chữ cho HS từ lớp học nhỏ nhất - công việc vất vả của giáo viên. Ảnh: Đức Trí
Rèn chữ cho HS từ lớp học nhỏ nhất - công việc vất vả của giáo viên. Ảnh: Đức Trí

Tuy nhiên dưới góc độ khoa học và thực tế “dạy chữ dạy người”, các chuyên gia giáo dục, giáo viên lại khẳng định rèn chữ quan trọng, không thể xem nhẹ.

Dạy người từ chữ viết

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, bày tỏ: Quan điểm sử dụng máy tính thay thế viết tay là cái nhìn thực tế của phụ huynh, song tục ngữ có câu “Nét chữ, nết người”. Qua rèn chữ có thể rèn cả tính cách, sự tỉ mỉ, cẩn thận của học trò. Những học sinh (HS) có chữ viết cẩn thận, sạch sẽ, dễ nhìn thường cẩn thận hơn, thẩm mĩ tốt và tự tin khi giao tiếp chữ viết.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, với HS lớp 1, 2, 3, việc rèn chữ quan trọng bởi thông qua đó đồng thời rèn nền nếp, ý thức học tập. Nhiều HS lớp 1, 2 được GV quan tâm rèn chữ thì viết đẹp nhưng lên lớp lớn hơn, yêu cầu tốc độ viết nhanh hơn chữ xấu đi. Điều đó cho thấy, cả nhà trường, phụ huynh cần có ý thức rèn chữ thường xuyên, cần tạo cho HS hứng thú để viết đẹp.

“Chữ viết của HS có thể không cần đẹp như chữ mẫu, không “luyện” chữ để đi thi nhưng nhất định phải rõ ràng, sạch đẹp và người khác có thể đọc, hiểu…” - TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ  quan điểm.

Dưới góc độ GV gần 20 năm dạy học lớp 1, cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trao đổi: Rèn chữ viết là rèn tính cẩn thận, giúp HS nhận biết cái đẹp, nâng cao thẩm mĩ... Không phải HS nào cũng có thể viết đẹp nhưng không vì thế mà buông việc rèn chữ hàng ngày.

Với HS lớp 1, việc rèn chữ không dễ dàng. Muốn viết đẹp, HS phải biết quan sát, nắm được kĩ năng, biết lắng nghe GV hướng dẫn. Khi dạy học online, việc luyện chữ cho HS lớp 1 càng khó hơn so với rèn viết trực tiếp. Tại lớp GV được cầm tay học trò còn rèn chữ trực tuyến GV chỉ có thể hướng dẫn cách cầm bút, điểm đặt, điểm dừng, nết nối. Cơ bản HS phải tự viết dưới sự hỗ trợ của bố mẹ.

Cô Phương nhấn mạnh khái niệm “rèn chữ” và “luyện chữ” hoàn toàn khác nhau để phụ huynh hiểu đúng và từ đó hình thành quan điểm đầy đủ. “Rèn chữ” là giúp HS viết sạch đẹp, đúng cỡ, kiểu cách quy định… còn “luyện chữ” là giúp chữ HS đẹp hơn, nâng cao hoàn thiện kĩ thuật viết. Rèn chữ thì cần thiết cho mọi HS và cần tiến hành thường xuyên trong quá trình học tập chứ không dừng lại ở lớp 1. Còn “luyện chữ” phụ thuộc vào nhu cầu, sở thích, mong muốn của HS và tiến hành tự nguyện.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – GV lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) - cho rằng: Rèn chữ cho HS là rèn cách viết đúng li, cỡ, theo đúng chương trình, quy định của Bộ GD&ĐT chứ không phải “luyện” chữ để HS đi thi chữ đẹp.

Rèn chữ cần thiết với mọi HS vì qua đó trẻ được rèn luyện tính cách từ sớm. Từ lớp 1 HS được rèn viết tốt, đọc nhanh (học tốt môn Tiếng Việt) sẽ học nhanh hơn ở các môn học khác vì đã đọc và hiểu được đầu bài, yêu cầu chung.

Rèn chữ đồng nghĩa dạy học sinh tính cẩn thận, kiên trì. Ảnh: Đức Trí
Rèn chữ đồng nghĩa dạy học sinh tính cẩn thận, kiên trì. Ảnh: Đức Trí

Công nghệ không dạy được đạo đức

Trước quan điểm sử dụng máy tính thì chữ viết xấu đẹp không ý nghĩa, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định: Phụ huynh cần hiểu máy tính không thể sử dụng trong mọi trường hợp. Ví như trong những kỳ thi, kiểm tra, HS vẫn phải viết tay vào bài thi, bài kiểm tra. Bài viết nào sạch đẹp, ngay ngắn dễ nhìn thì việc chấm điểm sẽ chuẩn xác, người chấm có thiện cảm hơn. Bài viết nào chữ xấu, khó nhìn, GV không nhìn rõ có thể dẫn tới việc xác định đúng sai và đưa ra điểm số không chính xác.

TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, xã hội phát triển ra sao vẫn cần rèn chữ. Khi có được sự song hành cả chữ viết đẹp và sử dụng máy tính tốt, mỗi người sẽ tự tin hơn với các hình thức giao tiếp. Mặt khác “không nên dùng quá nhiều thời gian để “luyện” chữ như chữ mẫu nhưng vẫn cần “rèn” chữ từ những nét cơ bản để HS có thể viết sạch, rõ ràng, dễ đọc...

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) chỉ ra: Máy tính chỉ là một công cụ hỗ trợ con người trong cuộc sống chứ không thay thế được mọi phương tiện giao tiếp.

Ngôn ngữ giao tiếp có 2 dạng: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ chữ viết và con người vẫn phải biểu đạt cả bằng ngôn ngữ viết hàng ngày. Như vậy, quan niệm không cần rèn chữ, không cần viết đẹp, máy tính thay thế chữ viết là chưa đầy đủ. Việc rèn luyện chữ viết vẫn không thể thiếu, hay buông lỏng, xem nhẹ.

Quan trọng hơn cả, thông qua rèn chữ viết sẽ rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nhân cách HS. Như vậy, việc rèn luyện chữ viết cần tiến hành sớm và đúng cách từ khi trẻ bước vào lớp 1 và cả quá trình sau này.

Sau thời gian dài nghỉ dịch Covid-19 và học tại nhà, chị Hà Hồng Gấm (Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 2 nhận thấy chữ của con viết xấu hơn, không cẩn thận, chỉnh tề, không tập trung nên mắc nhiều lỗi sai. Sau khi được mẹ nhắc nhở, uốn nắn kịp thời, chữ viết vào hàng lối, sạch đẹp hơn. Và quan trọng, trẻ đã tập trung và cẩn thận hơn trong học tập nên không mắc nhiều lỗi sai như trước.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương cho rằng: Không phủ nhận có HS viết chưa đẹp lúc nhỏ, lớn lên có sự trau dồi, rèn giũa chữ viết đẹp hơn. Nhưng cơ bản từ lớp 1, 2 không uốn nắn, rèn cẩn thận, chữ không đẹp khi lớn lên chữ khó đẹp bởi HS đã thành thói quen viết cẩu thả. Rèn chữ cho HS cần bắt đầu từ những nét cơ bản của lớp học đầu đời và hành trình học tập sau này. Rèn chữ sớm cũng giúp HS có nền tảng học tập vững vàng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ