Dạy chữ đi đôi với dạy người

GD&TĐ - Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên luôn được các cơ sở giáo dục, đào tạo quan tâm, chú trọng và thực hiện “Dạy chữ đi đôi với dạy người”.

Một buổi toạ đàm của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Một buổi toạ đàm của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Giáo dục bằng tình yêu thương

Cô Luyện Thị Tĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Phú Thọ) cho biết, hầu như năm nào nhà trường cũng có học sinh thuộc diện “cá biệt”. Vì thế, công tác giáo dục đạo đức, lối sống luôn được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Cô Tĩnh nhớ lại một học sinh thuộc diện “cá biệt của cá biệt”. Trong năm học, học sinh này liên tục vi phạm nội quy của nhà trường. Thậm chí, có lúc nhà trường đã tính đến phương án buộc thôi học. Tuy nhiên, bằng tình yêu và phương pháp “lạt mềm buộc chặt”, nhà trường đã “cảm hoá” được nam sinh này trở thành thanh niên có lý tưởng, hoài bão.

Từ thực tế, cô Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm: Ngoài việc giáo dục học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ; nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trên hết là giáo dục các em bằng tình yêu thương chân thành, dìu dắt và định hướng cho các em trở thành những người tử tế, có ích xã hội.

TS Trần Thị Thanh Thuỷ - Hiệu trưởng Trường TPT Alpha School cho hay: nhà trường coi mỗi thành viên là một cá thể, có năng lực và thế mạnh khác nhau. Xuất phát từ nghiên cứu nền tảng cơ sở của khoa học phân tích vân tay, thuyết đa trí thông minh và trí tuệ cảm xúc; nhà trường xây dựng một bộ hồ sơ cá nhân của từng học sinh và đưa ra lộ trình tư vấn, học tập phù hợp với từng em.

Để phù hợp với năng lực của từng nhóm học sinh, phương pháp dạy học cũng được đội ngũ giáo viên linh hoạt áp dụng ở từng bộ môn, giúp học sinh vừa có hứng thú trong học tập, vừa phát huy được năng lực của mình.

Một hoạt động ngoại khoá của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường.
Một hoạt động ngoại khoá của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phụ thuộc nhiều vào năng lực, trình độ, kinh nghiệm và cả tấm lòng, ý chí quyết tâm của nhà giáo. Do đó, cần lựa chọn phương pháp giáo dục theo hướng linh hoạt, sáng tạo.

Đặc biệt, cần tôn trọng, tin tưởng vào học trò, tạo động lực để các em phấn đấu, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách. Ngoài việc, tôn trọng sự khác biệt của học sinh, giáo viên cũng nên chấp nhập những mặt yếu kém của các em, từ đó có giải pháp khích lệ, động viên các em tiến bộ.

Không nên giáo điều

Theo TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên phải nằm trong hoạt động giáo dục chung của nhà trường, và cần được quán triệt trong tất cả các bộ môn, hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, sinh hoạt, chào cờ...

Ngoài việc tập trung dạy chữ, các nhà trường cũng không nên xem nhẹ dạy người. Việc này, cũng không nên gói gọn giáo dục học sinh ở một số môn như: Đạo đức, Giáo dục công dân hay một số nội quy, quy tắc giáo điều. Phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống với học sinh cũng cần linh hoạt, đa dạng các hình thức và phong phú về nội dung, gần gũi với đời thường.

Một lớp học của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Phú Thọ). Ảnh: Website nhà trường - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Một lớp học của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Phú Thọ). Ảnh: Website nhà trường - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Tại các cơ sở giáo dục đại học, nhiều đơn vị đã tổ chức giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống cho sinh viên thông qua tuần sinh hoạt công dân. ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết: Do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội, nên nhà trường xây dựng 2 kịch bản giảng dạy tuần sinh hoạt công dân.

Cụ thể: Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì ngày 6/9/2021, nhà trường sẽ tổ chức tuần sinh hoạt công dân trực tiếp cho sinh viên nhập học đợt 1. Còn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát thì sẽ tổ chức học trực tuyến, trước khi tổ chức học tập, các khoa sẽ gặp gỡ, trao đổi và hướng dẫn tân sinh viên để các em đỡ bỡ ngỡ.

Thông qua hoạt động này, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của sinh viên trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời giúp sinh viên hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của công dân; mặt khác trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên; từ đó định hướng tư tưởng cho sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng học tập, đào tạo, đáp ứng mục tiêu đầu ra và nhu cầu của xã hội.

Ảnh: NTCC
Ảnh: NTCC

Bên cạnh đó, ĐH Huế luôn chủ động phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong và ngoài trường tham gia tổ chức tốt “Tuần sinh hoạt công dân – Học sinh sinh viên”. Thông qua hoạt động này, nhằm tạo điều kiện phát huy ý thức tự giáo dục và tự quản của các em.

Đây là biện pháp quan trọng ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức, lối sống của từng học sinh, sinh viên. Trên cơ sở đó, tạo cho các em thói quen tự quản trong việc tự rèn luyện bản thân và thực hiện các hoạt động do nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức; từ đó nâng cao nhận thức, có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện phẩm chất nhân cách, biến quá trình rèn luyện thành quá trình tự rèn luyện.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các nhà trường nên tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống thông qua nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần cộng đồng cho học sinh, giúp các em sống có lý tưởng, ước mơ, hoài bão để trở thành người có ích cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ