(GD&TĐ) - Đến tuổi thì phải đi học là lẽ thường tình, đã được quy định trong Luật GD. Tuy nhiên, ở nơi đất chật người đông như Hà Nội, việc tìm cho con được chỗ học ở trường mầm non công lập không hề dễ dàng. Tuy đã qua thời phải thức khuya dậy sớm hay chen lấn xô đẩy để có được lá đơn xin học, nhưng việc học của trẻ mầm non hiện nay vẫn phụ thuộc vào lá phiếu do cha mẹ bốc thăm được.
Giải pháp tình thế
Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2013 - 2014 ở Hà Nội được dự báo tiếp tục “nóng” do sự gia tăng học sinh ở tất cả các cấp học. Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh trên, ngay từ tháng 3, lãnh đạo thành phố đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến và yêu cầu ngành Giáo dục, các quận, huyện tuyệt đối không để tình trạng phụ huynh xếp hàng qua đêm tiếp diễn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Quan điểm của thành phố là các cháu trong độ tuổi phải có chỗ học. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần có kế hoạch rà soát số trẻ trong độ tuổi đến trường để lên kế hoạch tuyển sinh cũng như phân tuyến hiệu quả”.
Ý chí của lãnh đạo thành phố là vậy nhưng khi hệ thống trường công lập không thể theo kịp với sự gia tăng dân số thì các địa phương, trường mầm non vẫn chọn biện pháp tình thế là bốc thăm với trẻ nhà trẻ và trẻ 3 - 5 tuổi (ngoại trừ trẻ 5 tuổi được ưu tiên 100% nhu cầu vào trường) thay vì bán hồ sơ như trước đây. Để được bốc thăm, phụ huynh phải nộp sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của trẻ để chứng minh con em mình đúng tuyến tuyển sinh. Việc bốc thăm sẽ được tiến hành trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, công an. Phụ huynh bốc được thăm mang dòng chữ “có đơn” sẽ đồng nghĩa với việc chắc chắn có một chỗ học trong trường, ngược lại, với lá thăm ghi dòng chữ “không có đơn”, phụ huynh thêm một lần nữa đi tìm chỗ học cho con ở trường ngoài công lập hoặc cho con… ở nhà để đợi kỳ tuyển sinh năm tới.
Năm nay, Hà Nội dự kiến tuyển sinh 73.500 trẻ vào lớp nhà trẻ và 362.250 trẻ học mẫu giáo. Như vậy, so với năm học trước, số trẻ mầm non tăng trên 5000 nên tuyển sinh đầu cấp vẫn là vấn đề “nóng” ở nhiều quận, huyện. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Cao Bích Lan, mặc dù quận đã đảm bảo yêu cầu mỗi phường có một trường mầm non nhưng năm nào cũng vậy, tuyển sinh đầu cấp luôn là áp lực lớn. “Ngay từ đầu tháng 3, quận đã thành lập ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp với tinh thần phân bổ, phân tuyến với tất cả các trường, thực hiện mục tiêu đảm bảo duy trì phổ cập các độ tuổi nhưng không được tăng sĩ số học sinh/lớp học”, bà Lan cho biết.
Phó trưởng phòng GD quận Ba Đình Lưu Thị Tường Vân chia sẻ: Toàn quận có 42 trường mầm non trong đó có 21 trường mầm non công lập. So với nhu cầu gửi con của người dân, hiện các trường mầm non công lập mới đáp ứng được 54% nhu cầu, như vậy, 100% trường sẽ phải thực hiện bốc thăm để đảm bảo khách quan và tránh tình trạng xếp hàng trước cổng trường như trước đây. Cũng theo bà Vân, báo cáo của các trường cho thấy năm học 2013 - 2014, số trẻ 5 tuổi ra lớp tăng hơn so với năm học trước. Do vậy, kỳ tuyển sinh năm nay, các trường sẽ dành 2 ngày đầu để phụ huynh có con 5 tuổi đăng ký. Sau khi cân đối số lớp học còn lại, nhà trường sẽ tuyển sinh tiếp độ tuổi tiếp theo. Tuy nhiên, tinh thần vẫn là tuyển sinh 100% trẻ 5 tuổi, 90 % trẻ mẫu giáo. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp năm nay sẽ thấp hơn do không còn chỗ học.
Quá tải - Vì đâu?
Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 903 trường mầm non, trong đó có 696 trường công lập. So với năm 2011, Hà Nội có 37 trường (công lập, ngoài công lập) được xây mới. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo UBND thành phố, hệ thống trường mầm non hiện nay vẫn không theo kịp với sự gia tăng dân số. Đồng tình với nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Vân Anh trao đổi: Trong những năm qua, quận đã đầu tư xây dựng thêm 3 trường mới với tổng kinh phí 200 tỷ đồng, nâng tổng số trường mầm non công lập trên toàn quận là 14 trường, trong đó có 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Mặc dù Cầu Giấy đã đảm bảo tiêu chí mỗi phường có một trường mầm non, thậm chí 5/8 phường của quận có từ 2-3 trường nhưng so với tốc độ gia tăng dân số 10%/năm, các trường mầm non vẫn đối mặt với tình trạng quá tải. “Trong 3 năm, số học sinh tăng 4.500 trẻ, trong đó trẻ 5 tuổi tăng 1.600 em nên không ít trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu cấp”, bà Vân Anh khẳng định.
Với lợi thế về cơ sở vật chất, học phí trường mầm non công lập luôn thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Ảnh: H. Thu |
Là quận trung tâm của Thủ đô nhưng quy mô trường mầm non rất nhỏ hẹp. Bà Vân cho biết: Toàn quận Ba Đình mới chỉ có một trường có 19 lớp học, 2 trường có quy mô 13-15 lớp học, còn lại là 6-9 lớp, thậm chí có trường chỉ có 4 lớp học. Đây là lý do khiến ngành không thể xây dựng trường chuẩn hay tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Thiếu phòng học là nguyên nhân chính dẫn đến sự quả tải. Tuy nhiên, sự chênh lệch về cơ sở vật chất, chất lượng và học phí giữa trường công và trường tư cũng là lý do dẫn đến tình trạng quá tải ở trường công hiện nay. Về cơ sở vật chất, trừ một số trường mầm non chất lượng cao, hầu hết trường mầm non ngoài công lập đều không rộng, khang trang bằng trường công lập nên dù sĩ số học sinh/lớp học có thể lên tới 40 - 50 trẻ/lớp nhưng tính theo m2/trẻ, các trường công lập vẫn đảm bảo 8m2/học sinh nội thành và 15m2/học sinh ngoại thành. Ngoài ra, học phí cũng là bài toán mà phụ huynh phải cân nhắc khi lựa chọn trường cho con. Cũng là trẻ lớp mẫu giáo, nếu học trường công chỉ đóng từ 50 - 70 ngàn/tháng (tùy thuộc vào khu vực nội thành hay ngoại thành) nhưng với trường ngoài công lập, học phí một tháng ít nhất cũng là 1 triệu đồng/học sinh. Học phí cao nhưng do cơ sở vật chất chật hẹp, nên việc đầu tư trang thiết bị cũng không được như trường công lập, chất lượng giáo dục vì thế cũng không thể tương đồng.
Trường mầm non quá tải là điều không cần bàn. Thành phố cũng đã đặt ra mục tiêu sẽ giảm bớt căng thẳng trong tuyển sinh bằng cách dành quỹ đất để xây thêm trường. Tuy nhiên, với dân số dự báo đến năm 2020 là 7,4 triệu; 2030 là 9,5 triệu, việc tìm được chỗ học cho trẻ ở trường mầm non công lập nơi “đất chật người đông” chắc chắn vẫn không hề dễ dàng.
La Giang