Máy bay tàng hình A-12 Avenger đã phá hủy huyền thoại McDonnell Douglas ra sao?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - McDonnell Douglas là tập đoàn khổng lồ đã sản xuất F-15 Eagle, F/A-18 Hornet và AH-64 Apache vào những năm 1980, nhưng sau 10 năm mọi thứ đều tan vỡ.

Máy bay tàng hình A-12 Avenger đã phá hủy huyền thoại McDonnell Douglas ra sao?

Thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, McDonnell Douglas hùng mạnh là một trong những tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới, có hợp đồng để sản xuất hàng trăm chiếc F-15 Eagle và F/A-18 Hornet; tên lửa Harpoon và Tomahawk, một phần đáng kể trong ngành hàng không dân dụng với các máy bay DC-9 và DC-10 rất thành công và phổ biến.

Nhưng vào năm 1983, một sự kiện đã diễn ra và chôn vùi tập đoàn huyền thoại, rồi tới 13 năm sau, họ bị đối thủ cạnh tranh khốc liệt - Boeing tiếp quản.

Khi đó, Lầu Năm Góc bắt đầu phát triển một loại chiến đấu cơ mới theo chương trình Máy bay chiến thuật tiên tiến (ATA), sẽ thay thế chiếc A-6 Intrumer.

Nhiệm vụ thiết kế phi cơ mới là ứng dụng công nghệ tàng hình mang tính cách mạng để xâm nhập sâu vào không phận đối phương, tấn công bằng loại đạn có độ chính xác cao, điều kiện tiên quyết là bán kính chiến đấu đáng kể.

Và nhiệm vụ không hề đơn giản này được bổ sung bằng một "ghi chú" - phải có khả năng hoạt động trên tàu sân bay.

McDonnell Douglas đã nộp đơn đăng ký phát triển chiếc máy bay này cùng với General Dynamics, và đối thủ cạnh tranh là liên minh giữa Northrop và Grumman với chiếc Vought hiện đã bị lãng quên.

Hợp đồng với họ được ký vào năm 1984 và gia hạn vào năm 1986. Tình cờ thay, trong năm 1984, McDonnell Douglas đã mua lại Hughes Helicopters với hợp đồng AH-64 Apache.

Để hiểu mức độ phức tạp của nhiệm vụ: chiếc máy bay tàng hình đầu tiên F-117 Nighthawk của Lockheed (khi đó không có Martin), thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1981, và tới năm 1983, hoạt động của nó bắt đầu.

Đó là lý do tại sao chỉ có McDonnell Douglas đạt đến giai đoạn cuối của quá trình phát triển một ý tưởng khả thi, các đối thủ cạnh tranh đã phải rút lui khỏi cuộc thi.

Vì vậy, người chiến thắng vào ngày 13/1/1988 nghiễm nhiên được chọn là A-12 Avenger.

Đồ họa máy bay tấn công tàng hình A-12 Avenger.

Đồ họa máy bay tấn công tàng hình A-12 Avenger.

A-12 được tạo ra theo sơ đồ "cánh bay", để tiết kiệm không gian trên boong, các đầu cánh được gập lại theo kiểu truyền thống. Hình dáng của nó khá đặc trưng với sải cánh 21,3 mét, khá dày, có các cửa hút gió ẩn. Vũ khí phải được đặt trong các khoang bên trong.

Phi hành đoàn gồm 2 người ngồi trong "buồng lái kỹ thuật số" với màn hình đa chức năng. Do chiếc máy bay trông giống như một hình tam giác bay nên nó được đặt biệt danh là - Stealth Dorito (tên thương hiệu khoai tây chiên có hình tam giác).

Tốc độ của A-12 Avenger là cận âm - vào khoảng 930 km/h và bán kính chiến đấu với tải trọng 2,3 tấn được cho là 780 km.

Yếu tố thuận lợi cho A-12 là nó có sự thống nhất về động cơ với F/A-18 Hornet, khi sử dụng biến thể F404 không có bộ đốt sau, nhận được chỉ số F412-GE-400, mỗi động cơ cung cấp lực đẩy khoảng 5900 kgf, khá đủ khi trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay là 31,7 tấn.

Đơn đặt hàng tiềm năng cho A-12 Avenger có vẻ đầy hứa hẹn. Hải quân Hoa Kỳ muốn có 620 chiếc máy như vậy, Thủy quân lục chiến - 238. Không quân thậm chí cũng quan tâm đến chiếc phi cơ này và xem xét đặt hàng 400 chiếc.

Như vậy tức là chỉ với đơn đặt hàng nội bộ, con số đã lên tới hơn 1250 máy bay. Ngoài ra nhà sản xuất còn hy vọng A-12 sẽ được chọn để thay thế cho Panavia Tornado trong Không lực Hoàng gia Anh.

Nhưng chi phí sản xuất cũng khá cao: 4,38 tỷ đô la và có thể tăng lên 4,84 tỷ đô la (tương đương 11,75 - 13 tỷ đô la theo tỷ giá hiện tại).

Theo kế hoạch đầu tiên, chiếc A-12 dự kiến ​​sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1990. Nhưng điều này đã không xảy ra, có vấn đề lớn với vật liệu composite, do trọng lượng của máy bay tăng 30% nên cần có thêm kinh phí để đưa trạm radar vào trạng thái hoạt động.

Năm 1990, dự án đã trải qua một đợt sửa đổi và hoàn thành vào tháng 10, mốc hoàn thành chương trình được dời sang năm 1992 với kế hoạch đặt mua 280 chiếc A-12 cho 14 tàu sân bay, mỗi tàu 20 chiếc.

Nhưng dự án đã sụp đổ cùng với Liên Xô khi vào ngày 7 tháng 1 năm 1991, bất chấp quan điểm của chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Dick Cheney đã đóng cửa chương trình Máy bay Chiến thuật Tiên tiến do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Vào thời điểm đó, chi phí phát triển đã lên tới 5 tỷ đô la và thời gian trễ tiến độ là 18 tháng. Giá của một chiếc A-12 Avenger sản xuất hàng loạt ước tính khoảng 96 triệu đô la, tính đến lạm phát sẽ là 234 triệu đô la vào hiện tại.

Không quá quan trọng, nhưng quyết định của ông Dick Cheney được dẫn dắt bởi thực tế là việc sửa đổi dự án không đưa ra chi phí cuối cùng của chương trình, và chưa rõ ràng khi nào A-12 Avenger sẽ trở thành máy bay chiến đấu thực sự.

Bởi vì không một chiếc máy bay nào được chế tạo mà chỉ tồn tại dưới dạng mô hình thử nghiệm nên Stealth Dorito chưa bao giờ bay lên bầu trời. Nhưng điều quan trọng nhất là nó không còn cần thiết nữa.

Mô hình thử nghiệm của máy bay tấn công tàng hình A-12 Avenger.

Mô hình thử nghiệm của máy bay tấn công tàng hình A-12 Avenger.

Điều này xảy ra cùng với các vấn đề của McDonnell Douglas với máy bay MD-11, vốn đã hút 1,7 tỷ USD của họ, nhưng lại không tiết kiệm chi phí so với các máy bay tương tự của Airbus và Boeing, đồng nghĩa với việc có ít khách hàng hơn. Và một yếu tố khác đã hủy hoại họ là việc tái tổ chức vào năm 1989.

Theo mô hình quản lý TQMS (Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện) thời thượng lúc bấy giờ, các kỹ sư được chia thành các nhóm và phân công cho từng máy bay riêng lẻ, đồng thời 2.200 vị trí quản lý và giám sát cũng bị cắt giảm.

Trong đó sau khi kết thúc chương trình A-12 Avenger, 5.600 công nhân đã được bổ sung. Và TQMS tại McDonnell Douglas bắt đầu được đọc chệch đi là Time to Quit and Move to Seattle - “thời gian để nghỉ việc và chuyển đến Seattle”, nơi đặt trụ sở chính của Boeing.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc bắt đầu đòi McDonnell Douglas 2 tỷ USD, vụ việc được đưa ra tòa và kết thúc bằng một thỏa thuận dàn xếp vào năm 2014 với khoản thanh toán 400 triệu USD.

Giai đoạn từ 1990 đến 1997 là một cuộc khủng hoảng gần như liên tục, với lợi nhuận giảm mạnh, rò rỉ nhân sự có giá trị, sa thải quy mô lớn, thất bại trên thị trường máy bay, giảm đơn đặt hàng quốc phòng, ý định chia McDonnell Douglas thành các doanh nghiệp quốc phân khúc dân sự và quân sự riêng biệt. Vì vậy, việc sáp nhập với Boeing năm 1997 chỉ là một kết thúc đương nhiên.

Và tất cả những gì còn lại của chương trình Máy bay chiến thuật tiên tiến, đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của McDonnell Douglas, là một mô hình A-12 Avenger duy nhất, được lưu giữ tại Bảo tàng Hàng không Fort Worth.

Mô hình thử nghiệm của chiếc máy bay tấn công tàng hình A-12 Avenger.

Theo Defense Express

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ