Thành tích khó tin chưa đủ giúp kéo dài thời đại xe tăng M1 Abrams

GD&TĐ - Ngay cả những biến thể tối tân của xe tăng M1 Abrams cũng có thể không hữu ích lắm trong một cuộc chiến tương lai.

Thành tích khó tin chưa đủ giúp kéo dài thời đại xe tăng M1 Abrams

Khi bắt đầu Chiến dịch Bão táp Sa mạc, Lầu Năm Góc từng lo ngại kịch bản tồi tệ sẽ tái diễn. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống George HW Bush đã vui mừng khôn xiết trước hiệu quả mà quân đội tiên tiến của Mỹ đã thể hiện, khi đè bẹp lực lượng vũ trang lớn thứ tư trên thế giới khi đó.

Quân đội quốc gia Trung Đông này khi đó rất mạnh, Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq thiện chiến khét tiếng và có trong trang bị những chiếc xe tăng T-72 do Liên Xô chế tạo, mang đến sự tự tin lớn trước trận đánh.

Nhưng họ không nhận ra rằng người Mỹ đã được trang bị cỗ máy tác chiến nguy hiểm nhất trên chiến trường: xe tăng M1A1 Abrams (do General Dynamics phát triển).

Sân khấu đã được chuẩn bị cho một trong những trận chiến xe tăng vĩ đại nhất. Trên thực tế, nó được mệnh danh là “trận chiến xe tăng cuối cùng” của thế kỷ XX.

Được lịch sử biết đến với cái tên “Trận chiến 73 Easting”, cuộc xung đột kỳ lạ này được đặt tên theo tên nhận dạng trên bản đồ chiến đấu của lực lượng Liên quân.

Một con số đáng kinh ngạc là 200 - 300 xe bọc thép của liên quân thuộc nhiều loại khác nhau đã được tập hợp ở đó cùng với 4.000 lính bộ binh.

Ở phía bên kia chiến tuyến, có khoảng 300 - 400 thiết giáp của Iraq và 2.500 - 3.000 lính bộ binh.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đè bẹp hoàn toàn Iraq. Trong nhiều trường hợp, binh sĩ Iraq thậm chí còn không bao giờ thấy đối phương đang tới. Và điều đó càng nhấn mạnh ưu thế công nghệ của xe tăng Abrams - vốn được thiết kế để giao chiến với Quân đội Liên Xô tại Tây Âu.

Bởi vì Iraq sở hữu một số hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của Liên Xô vào thời điểm đó, nên kết quả cuộc chiến đã cho thấy ưu thế vượt trội của Mỹ và NATO.

Thất bại của Iraq năm 1991 cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, khiến Bắc Kinh bắt đầu xây dựng chiến lược chiến tranh của mình gần như giống người Mỹ, khi họ nhận thấy rõ không thể dựa vào vũ khí và cách thức tác chiến lỗi thời.

Năm 1991, Mỹ đã cho thế giới thấy rằng họ đi trước đối phương quá xa. Xe tăng Abrams là một trong những ví dụ điển hình cho thấy Mỹ vượt xa đối thủ của họ ra sao.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55 và T-72 do Nga chế tạo đơn giản là không thể sánh được về tốc độ, hỏa lực, tầm bắn và khả năng huấn luyện vượt trội của các đội hình thiết giáp Mỹ vào năm 1991.

Quân Iraq mất tới 160 xe tăng, trong khi phía Mỹ là con số 0, chỉ duy nhất 1 chiếc xe chiến đấu bộ binh Bradley đã bị mất trong trận chiến. Quân Iraq đã bị M1 Abrams tiêu diệt hoàn toàn.

Ưu thế lớn nhất là Abrams có thể tiêu diệt xe tăng Iraq từ khoảng cách xa hơn nhiều. Pháo nòng trơn 120 mm mạnh mẽ của chúng có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, đặc biệt là đạn xuyên động năng làm từ uranium nghèo.

Hơn nữa, các xe tăng Mỹ còn có thể chiến đấu vào ban đêm nhờ kính ngắm ảnh nhiệt. Chiến dịch Bão táp Sa mạc còn được gọi là “cuộc chiến tranh không gian” đầu tiên của Mỹ vì đã sử dụng rất nhiều vệ tinh của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) đời đầu để hướng dẫn các đơn vị cơ giới hóa của Mỹ trong sa mạc.

Mẫu trình diễn kỹ thuật xe tăng chiến đấu chủ lực AbramsX.

Mẫu trình diễn kỹ thuật xe tăng chiến đấu chủ lực AbramsX.

Nhiều biến thể xe tăng Abrams đã được tạo ra trong những năm qua, nó vẫn là MBT xương sống của Quân đội Hoa Kỳ.

Các phiên bản cũ hơn hiện đang được triển khai tới Ukraine.

Nhưng thật không may cho Kyiv, các phiên bản M1 mà họ nhận được từ Mỹ đều cũ và cần được bảo trì. Chúng không phải là biến thể cập nhật nhất của xe tăng Abrams.

Nhưng ngay cả phiên bản mới nhất của M1 Abrams cũng có thể không hữu ích lắm trong một cuộc chiến tương lai, khi máy bay không người lái và các hệ thống chống tăng khác - thường có giá chỉ bằng phần nhỏ một chiếc MBT hiện đại - có thể tiêu diệt xe tăng một cách rất hiệu quả.

Đối với tất cả các cuộc thảo luận về chiến trường Ukraine, chúng ta dễ nhận thấy không còn những trận đấu tăng quy mô lớn như trong Chiến dịch Bão táp sa mạc, đặc biệt là Trận chiến 73 Easting, nơi xe tăng Abrams trở nên vĩ đại.

Hiện tại, nên "đầu tư khôn ngoan" không phải những xe tăng với thiết kế cổ điển, mà đó là những thiết giáp được trang bị hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái.

Thậm chí có thể trong tương lai, xe tăng nên được trang bị khả năng phóng máy bay không người lái của riêng mình để đóng vai trò là lực lượng quyết định chiến trường, đáng tiếc là những tính năng này chưa có trên chiếc Abrams phiên bản mới nhất.

Xe tăng AbramsX vẫn chưa thực sự mang lại một cuộc cách mạng cho dòng MBT chủ lực của Mỹ.
Theo National Interest

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.