(GD&TĐ) - Theo thống kê của Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Kon Tum, nếu như năm 2012, trong tổng số 4.167 trẻ em sinh ra có 2.129 trẻ em nam, 2.038 trẻ em nữ thì trong 5 tháng đầu năm nay, trong tổng số 3.828 trẻ em sinh ra có 2.008 trẻ em nam và chỉ có 1.820 trẻ em nữ. Tỷ số giới tính khi sinh giữa nam và nữ trên địa bàn tỉnh mất cân bằng sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ…
Hiện tượng đáng báo động
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục DS KHHGĐ tỉnh cho biết: Tỷ số giới tính khi sinh được tính theo tỷ lệ số bé trai/100 bé gái được sinh ra trong cùng một khoảng thời gian (1 năm, 5 năm). Tỷ số giới tính khi sinh bình thường là 104-106 bé trai (trung bình là 105)/100 bé gái; nếu số bé trai sinh ra 107 trở lên là ở mức báo động, nghĩa là đang ở tình trạng mất cân bằng giới tính.
Nhìn chung, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra cả ở khu vực nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay từ lần đầu, trong khi đó ở khu vực nông thôn thường chỉ xuất hiện vào lần thứ 2 trở đi. Những năm gần đây, ngay từ lần sinh thứ nhất đã xảy ra mất cân bằng giới tính khá cao. Nguyên nhân nếu như trước đây muốn có con trai chỉ có cách đẻ cho tới khi có con trai mới thôi; còn trong những năm gần đây do mức sinh giảm nhanh cùng với việc tiếp cận dễ dàng các kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh nên các cặp vợ chồng chủ động hơn trong việc sinh con trai.
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, sẽ có nhiều triệu đàn ông Việt Nam ế vợ trong khoảng 20 năm nữa. Thậm chí ông Trọng còn ví von: “Đàn ông Việt Nam sẽ sang châu Phi tìm vợ khi tỉ số nam nữ quá chênh lệch”.
Đi tìm nguyên nhân
Nhiều gia đình muốn sinh con trai để có lao động chính |
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do nhiều nguyên nhân. Đó là quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, có con trai mới được xem là có con để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ. Hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhất là ở khu vực nông thôn nên phụ thuộc rất lớn vào khả năng phụng dưỡng của con cái (chủ yếu là con trai). Hơn nữa, do nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt ở những công việc nặng nhọc rất cần đến con trai để vừa là trụ cột về tinh thần vừa là trụ cột về kinh tế, là lao động chính cho gia đình.
Bên cạnh đó, những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ (chỉ có 1 - 2 con) đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng: vừa phải có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Bởi vậy, cùng với những tiến bộ của y học hiện đại, nhiều gia đình đã áp dụng kỹ thuật trước, trong và sau khi có thai để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính…
Trong khi đó, hiện nay, các cặp vợ chồng cũng dễ dàng tìm hiểu để biết phương pháp tạo giới tính thai nhi (sách báo, tuyên truyền miệng, Internet, bác sĩ tư vấn…); ngành chức năng khó có chứng cứ xử phạt khi các bác sĩ phòng mạch “lách luật” không ghi giới tính thai nhi vào phiếu siêu âm mà chỉ nói riêng cho thai phụ biết và cũng không biết trường hợp nào là nạo phá thai để chọn lọc giới tính…
Hệ lụy
Sự mất cân bằng giới tính, trước mắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ như: phải nạo hút thai, đẻ nhiều, chịu sức ép tinh thần, giảm cơ hội phát triển… mà còn khiến cho các gia đình phải tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc.
Còn trong tương lai, khoảng 20 năm nữa, tình trạng dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới những thay đổi trong hệ thống hôn nhân và gia đình; sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội như tranh giành trong hôn nhân, do nam giới không thể kết hôn do khó hoặc không tìm được bạn đời.
Điều này dẫn đến khả năng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng và nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS cũng tăng cao; gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm bạn tình; gia tăng tội phạm buôn bán phụ nữ vì mục đích hôn nhân và mại dâm, buôn bán, bắt cóc trẻ em…. Hơn nữa, mất cân bằng giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của người phụ nữ tăng cao; tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ có thể sẽ gia tăng…
Nếu như tỷ số khi sinh bé trai/bé gái năm 2006 trên địa bàn tỉnh chỉ 104,7 và 102 (năm 2007) thì đến năm 2008 đã tăng lên 117 và tiếp tục duy trì ở mức cao trong các năm gần đây: 108 (năm 2009), 113,9 (năm 2010)… Sau nhiều nỗ lực, năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 104 nam/100 nữ (ở mức bình thường) thì trong 5 tháng đầu năm nay, tỷ số giới tính khi sinh lại ở mức báo động (107 nam/100 nữ). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh này sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, thậm chí cả an ninh chính trị khi các thế hệ trẻ em sinh ra hôm nay bước vào độ tuổi kết hôn, tức là vào khoảng 15 - 20 năm nữa. |
Nguyên Phúc