Giúp HS chuyển cấp học tốt chương trình mới
Để chuẩn bị cho HS lớp 5 có thể tiếp cận và học tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi lên lớp 6 vào năm sau, ngành Giáo dục huyện Thái Thụy, Thái Bình chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS và cha mẹ HS việc triển khai chương trình mới. Các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn đã cử GV dạy lớp 5 tham gia chương trình tập huấn tiếp cận chương trình mới do Bộ/Sở/Phòng GD&ĐT tổ chức. Việc đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học được chú trọng.
“Bên cạnh thực hiện nghiêm túc Công văn số 4612 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS, các trường tăng cường tổ chức các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá HS theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học với sự tham gia của GV 2 cấp học (lớp 1, lớp 5, lớp 6). Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn của các tổ, nhóm chuyên môn, đặc biệt là sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; trong đó GV lớp 5 dự giờ lớp 6 và ngược lại để cùng trao đổi, thảo luận. Quan tâm bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, GV” - chia sẻ của ông Bùi Đức Thụy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy.
Nêu quan điểm về nội dung này, NGƯT Tô Ngọc Sơn, GV Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ GV. Theo đó, GV phải tham gia đầy đủ các học phần bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hoàn thành tốt các module được Bộ GD&ĐT tổ chức và thực hiện tốt kế hoạch năm học của nhà trường. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh; giới thiệu, giải thích, chia sẻ những nội dung cốt lõi, cách thức thực hiện giảng dạy của thầy cô, của nhà trường trong một giai đoạn (nửa học kỳ hay một học kỳ…) và cả năm học để cha mẹ HS thấu hiểu từ đó có sự hợp tác tốt. Với nhà trường, cần phát huy vai trò của tổ chuyên môn, nên trao quyền cho tổ thực hiện những nội dung giảng dạy của mình, không rập khuôn theo lối mòn. Phối hợp với UBND xã, phường, huyện để tuyên truyền kế hoạch của nhà trường, chủ trương của Bộ, tỉnh và ngành mà nhà trường thực hiện để có sự hỗ trợ, tiếp ứng và đồng hành thực hiện.
Sẽ có tài liệu hướng dẫn
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT đang xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 5, lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tài liệu này được xây dựng theo hướng so sánh 2 chương trình ở từng môn học để có điều chỉnh phù hợp. Việc điều chỉnh sẽ theo hướng bổ sung nội dung kiến thức có trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng không có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để dạy học vào những thời điểm thích hợp. Với nội dung có cả trong chương trình hiện hành và chương trình mới nhưng yêu cầu cần đạt khác nhau thì điều chỉnh từ mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, sang yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình mới.
“Cố gắng làm hẹp khoảng cách về yêu cầu cần đạt giữa chương trình hiện hành và chương trình mới để HS học chương trình hiện hành ở lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thuận lợi nhất” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Cùng với bổ sung nội dung kiến thức, PGS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, cần đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình mới đối với lớp 5, lớp 9.
“Nói dạy học phát triển năng lực kiến thức không quan trọng rất nguy hiểm. Muốn phát triển cho HS những năng lực nào, phải tổ chức hoạt động sao cho HS được thực hành để chiếm lĩnh kiến thức, vận dụng kiến thức. Khi tổ chức dạy học phát triển năng lực, HS phải đọc, xem, nghe, nói, làm và kết quả thực hiện thì phải viết, nói, làm ra được cái gì cụ thể. Kiến thức được “chứa đựng” trong kênh chữ, hình, tiếng hoặc trong dụng cụ thí nghiệm, vật thật… Muốn “lấy” kiến thức từ trong chữ thì phải đọc; muốn “lấy” kiến thức từ trong tiếng phải nghe; muốn “lấy” kiến thức từ các dụng cụ thí nghiệm thì phải làm, thao tác... Như thế tất cả câu lệnh trong sách giáo khoa, cũng như trong giờ dạy phải rõ ràng về mục tiêu, nội dung, hỏi cho trúng…” – PGS Nguyễn Xuân Thành làm rõ.
Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học theo phương pháp tích cực, định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho HS, giúp HS, GV làm quen với chương trình mới ngay từ khi thực hiện chương trình hiện hành. Về kiểm tra, đánh giá với HS trung học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS, HS THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đây là “bước đệm”, sự chuyển hướng dần dần cho việc ban hành mới Thông tư thay thế Thông tư 58, phục vụ đánh giá, xếp loại HS THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.