Lạm thu được hiểu đơn giản là thu quá mức cho phép và không nằm trong danh mục được thu. Vậy mà có những khoản thu “cười ra nước mắt” khi núp bóng hình thức tự nguyện hoặc thỏa thuận. Lẽ tất nhiên, lạm thu không tự nhiên mà có, phần lớn do cơ sở giáo dục, giáo viên “vận dụng” sai khiến nhiều phụ huynh không hài lòng, thậm chí ấm ức.
Cũng không phủ nhận, xã hội hóa giáo dục từ nguồn đóng góp của phụ huynh đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác giáo dục tại các trường học. Thế nhưng, từ đây mà một số cơ sở “lạm dụng” xã hội hóa để lạm thu. Việc không minh bạch trong thu, chi cũng khiến phụ huynh và dư luận không khỏi bức xúc.
Thẳng thắn mà nói, hầu như năm nào cũng có đơn thư tố cáo (cả chính danh và nặc danh) về việc lạm thu trong trường học. Dù chưa biết đúng sai thế nào nhưng ít nhiều dư luận cũng đặt vấn đề “không có lửa làm sao có khói”.
Làm gì để chấm dứt tình trạng lạm thu? Câu hỏi tuy cũ nhưng năm học nào cũng được nhắc lại. Câu trả lời đầu tiên mà nhiều người hướng tới là chọn cử trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh thẳng thắn, khách quan và công tâm để bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh, học sinh của lớp, trường. Bản thân phụ huynh cũng cần mạnh dạn nêu ý kiến về những khoản thu bất hợp lý. Với những kế hoạch, khoản thu ngoài quy định và không hợp lý, phụ huynh có thể từ chối.
Với khoản đóng góp tự nguyện, không nên yêu cầu hoặc bắt buộc phụ huynh phải đóng góp mức tối thiểu hoặc tối đa. Nhiều khoản thu tự nguyện phải được sự thống nhất, đồng ý của 100% phụ huynh trong lớp. Xã hội hóa giáo dục trên nguyên tắc tự nguyện và cơ sở pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Các trường thu bao nhiêu, các khoản cụ thể phân bổ thế nào cần được phổ biến rõ ràng, minh bạch với phụ huynh, học sinh và công đoàn.
Nói như đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng), đừng để ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành vỏ bọc để kêu gọi đóng góp và thu tiền, nói cách khác là lạm thu. Điều này không đúng với chức năng, nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Nhà trường cần tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa đơn vị, ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh.
Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh lạm thu dưới mọi hình thức. Cũng cần tính đến, mọi khoản thu của cơ sở giáo dục sẽ không dùng tiền mặt. Muốn vậy, Chính phủ cần có văn bản pháp lý bắt buộc việc này.
Ngoài ra, phải xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục nào để xảy ra tình trạng lạm thu. Cần có nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất của lãnh đạo địa phương về các khoản thu chi trong năm học 2024 - 2025. Trường hợp nào cố tình vi phạm, để xảy ra lạm thu thì phải xử lý nghiêm khắc.
Việc xử lý sai phạm phải được thực hiện công khai trong toàn ngành để vừa răn đe người cố tình làm sai, vừa để tránh những hiện tượng sai phạm tương tự ở những cơ sở giáo dục khác.