Minh bạch, cụ thể hóa
Một trong những nguyên nhân khiến lạm thu chưa được giải quyết dứt điểm bởi sự thiếu minh bạch, chưa cụ thể hóa các khoản thu chi trong nhà trường. Điều đó khiến không ít phụ huynh không phân biệt rõ đâu là khoản thu bắt buộc, đâu là khoản tự nguyện. Để lạm thu không có “cửa” lách, đòi hỏi lãnh đạo các trường học thực sự vào cuộc.
Bà Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết: Trước hết, nhà trường thực hiện thu đúng, thu đủ các khoản theo chủ trương, quy định. Giải thích và làm rõ đầu mục các khoản thu theo diện bắt buộc, thu hộ, tự nguyện… để phụ huynh biết.
Đặc biệt, để tránh trường hợp núp bóng “tự nguyện” các khoản thu quỹ lớp nhà trường yêu cầu Ban đại diện PHHS kết hợp với GV chủ nhiệm lên kế hoạch hoạt động và triển khai cho HS trong 1 học kỳ, trên cơ sở đó dự trù số kinh phí thực hiện là bao nhiêu. Nhà trường sẽ xem xét, điều chỉnh hợp lý nhất cả về các nội dung hoạt động lẫn các khoản thu. Sau đó Đại diện Ban PHHS thông qua PHHS cả lớp. Nếu có được sự đồng thuận và tự nguyện thì Đại diện Ban PHHS mới được tiến hành thu.
Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Phương Anh các khoản thu quỹ lớp sẽ không được vượt quá 300.000đồng/1 học kỳ/1 HS. PHHS có điều kiện có thể ủng hộ nhiều hơn hỗ trợ PHHS không có điều kiện. PHHS nào không đồng thuận với các khoản thu quỹ lớp có thể góp ý kiến và không thực hiện.
“Nhiều năm nay, tình trạng lạm thu đã hạn chế đáng kể bởi một mặt các cấp lãnh đạo, quản lý có sự chấn chỉnh kịp thời, Hiệu trưởng đã quán triệt kĩ càng, quyết liệt việc thu chi đầu năm học tới GV, PHHS. Mặt khác, cơ sở vật chất trường lớp đã được đầu tư từ ngân sách Nhà nước… nên nhà trường gần như không phải thực hiện khoản thu chi nào có thể bị lợi dụng để lạm thu…” .
Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân – Hà Nội), bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng cũng cho biết: Từ đầu năm học nhà trường đã niêm yết công khai các khoản thu chi (thỏa thuận, tự nguyện, bắt buộc) trên bảng tin và website nhà trường.
Mức thu các khoản thỏa thuận như ăn trưa, nước uống… cho HS đều được GV chủ nhiệm lấy ý kiến và có sự đồng thuận của PHHS. Khi PHHS đồng ý và ký tên vào các khoản thu thì nhà trường tiếp tục niêm yết công khai trong vòng 10 ngày để tiếp thu ý kiến. Sau đó nếu không có sự phản hồi Ban giám hiệu sẽ trình UBND Quận và có sự phê duyệt thì mới tiến hành thu.
“Nhà trường luôn tiếp nhận những ý kiến phản hồi với các khoản thu chi bằng nhiều cách. PHHS có thể gặp Hiệu trưởng góp ý trực tiếp, hoặc gửi thư phản ánh vào hộp thư đặt tại trường. Thậm chí có thể đặt thư vào phòng Hiệu trưởng. BGH luôn lắng nghe để làm tốt việc bảo đảm quyền lợi cho HS đồng thời không đặt PHHS vào thế đã rồi với các khoản thu chi…” – bà Ngọc khẳng định.
Theo ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình, công tác chống lạm thu trường học được ngành GD-ĐT Ninh Bình xác định như một nhiệm vụ quan trọng nên triển khai sớm và quyết liệt. Trước năm học mới Sở đã có văn bản hướng dẫn thu chi trong nhà trường. Cùng đó, trong tất cả các hội nghị giao ban thường xuyên quán triệt về vấn đề chống lạm thu.
“Giữa tháng 9, Sở sẽ thành lập nhiều đoàn công tác thanh tra về vấn đề thu chi trường học. Mặt khác, công tác thanh tra chống lạm thu không chỉ tiến hành trong học kỳ 1 mà sang học kỳ 2 vẫn tiếp tục triển khai làm nhiều đợt để đảm bảo số lượng trường được thanh tra, nội dung thanh tra kĩ càng cẩn thận nhất…” - ông Đỗ Văn Thông nhấn mạnh.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm
Trước khi bước vào năm học mới, ngành GD-ĐT nói chung và các địa phương đều có động thái quyết liệt phòng, chống lạm thu tại các trường học với các văn bản cụ thể, quy định rõ việc kêu gọi, xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; minh bạch các khoản thu…
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục và Hiệu trưởng các nhà trường đều cho rằng, chống lạm thu trường học dù đã triển khai dưới nhiều hình thức thì vai trò của “đầu tàu” - Hiệu trưởng nhà trường vẫn quan trọng hàng đầu.
Như chia sẻ của lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình: “Năm học trước Sở GD&ĐT Ninh Bình đã tiến hành thanh tra được 80/481 đơn vị trường học từ MN, THCS, THPT, GDTX. Số lượng trường đã tiến hành thanh tra chưa nhiều song với lực lượng thanh tra ở Sở còn “mỏng” để có thể thanh tra được nhiều hơn về số lượng các trường cũng như kĩ càng các nội dung thu chi nhà trường. Bởi vậy, chống lạm thu trường học cần tăng cường vai trò trách nhiệm từ Hiệu trưởng. Hiệu trưởng làm nghiêm túc từ đầu thì chắc chắn tình trạng lạm thu sẽ khó lòng xảy ra. Hiệu trưởng buông lỏng quản lý, làm sai phạm cần xử lý nghiêm minh …”.
Bà Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên cũng khẳng định xảy ra vấn đề lạm thu trong trường học thì trách nhiệm chính thuộc về Hiệu trưởng. Vì vậy, bên cạnh quán triệt sát sao với lãnh đạo các nhà trường cần thiết phải xử lý nghiêm nếu để xảy ra sự việc. Như vậy, chắc chắn hiệu trưởng các nhà trường sẽ phải làm thật tốt công việc thuộc về vai trò, trách nhiệm của mình, tình trạng lạm thu sẽ được đẩy lùi.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót bày tỏ: Chống lạm thu trong trường học cần quyết liệt và bắt đầu từ lãnh đạo nhà trường. Nếu Hiệu trưởng, BGH thiếu nghiêm túc, cố tình làm sai… sẽ không thể nhắc nhở được GV thực hiện đúng quy định. Mặt khác, khi GV không được định hướng đúng đắn dễ trở thành “tiếp tay” cho những hoạt động thu chi không hợp lệ… từ PHHS.
Như vậy, chống lạm thu trong trường học khó nhưng không phải không làm được nếu Hiệu trưởng các trường có sự đồng lòng, quyết liệt. Khi Hiệu trưởng không cố ý “lách luật”, im lặng, thiếu sát sao trong giám sát… thì dễ dàng chấm dứt lạm thu từ nhà trường. Vai trò, trách nhiệm của mỗi hiệu trưởng trong chống lạm thu hơn lúc nào hết cần được nêu cao và phát huy.