Công khai, minh bạch để chống lạm thu trong trường học

GD&TĐ - Ngành giáo dục các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động thu chi đầu năm học, tránh tình trạng lạm thu.

Ảnh minh họa: Nhật Nguyên.
Ảnh minh họa: Nhật Nguyên.

"Đau đầu" với các khoản thu đầu năm học

Năm học 2021-2022 đã bước sang tuần học thứ 8. Một số trường vẫn đang tiến hành thu các khoản đầu năm học với học sinh. Điều khiến các bậc cha mẹ quan tâm chính là mức thu trong bối cảnh khó khăn chung về dịch bệnh như hiện nay. 

Chị Nguyễn Vân, phụ huynh một trường tiểu học tại huyện Trực Ninh (Nam Định) cho biết, vợ chồng chị là lao động tự do nên thời gian qua thu nhập bị ảnh hưởng rõ rệt. Mới đây, khi được cô giáo thông báo các khoản thu và tổng mức tiền phải đóng, chị thắc mắc tại sao cô giáo không ghi công khai ra bảng từng khoản mà chỉ nói miệng để phụ huynh tự ghi lại.

Điều chị Vân băn khoăn chính là tiền sổ liên lạc điện tử 70.000 đồng/năm và tiền xã hội hóa 450.000 đồng/học sinh để xây dựng cơ sở vật chất của trường. 

Tại Hà Nội, do đang trong thời gian dạy - học trực tuyến, một số trường mới chỉ triển khai thu hộ khoản bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể cho học sinh. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay, hiện đơn vị này đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo để trình UBND thành phố xem xét, quyết định nên Sở chưa công bố danh mục các khoản thu đầu năm học 2021 - 2022 tại các cơ sở giáo dục. 

Chị Vũ Hằng, phụ huynh có con học lớp 1 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: "Hiện tôi đã đóng cho cô giáo chủ nhiệm cả tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể. Cô giáo nói đợi khi nào các em được đi học trực tiếp, nhà trường sẽ tổ chức hội nghị phụ huynh toàn trường. Dù chưa công bố các khoản phải đóng góp nhưng chúng tôi mong nhà trường sẽ cắt giảm các khoản không cần thiết, nhằm chia sẻ khó khăn với các phụ huynh trong bối cảnh dịch hiện nay". 

Có hai con đang học lớp 3 và lớp 8 ở một huyện ngoại thành Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thành cho biết, với các khoản thu không chính đáng, anh kiên quyết nói "Không". 

"Dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều gia đình, nhất là với lao động tự do ở nông thôn. Các khoản thu "tự nguyện" như tiền điều hòa, rèm cửa trong lớp học phải được bàn bạc, thống nhất trong ban phụ huynh. Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh làm theo đúng quy định của Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT, tôi tin là sẽ không có lạm thu và bức xúc trong dư luận", anh Thành nói thêm. 

Hiện tại, nhiều trường ở Hà Nội mới chỉ thu tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể của học sinh. Ảnh minh họa: Nhật Nguyên.
Hiện tại, nhiều trường ở Hà Nội mới chỉ thu tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể của học sinh. Ảnh minh họa: Nhật Nguyên.

Cần công khai, minh bạch hoạt động thu chi

Ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng Phòng GD&ĐT Quốc Oai (Hà Nội) cho hay, đơn vị này đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn 1914 ngày 30/6 về việc triển khai thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Phòng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tạm thời chưa thu học phí năm học 2021 - 2022, nhằm chia sẻ khó khăn và hỗ trợ học sinh, phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Tại Nam Định, theo ông Lưu Quang Tuyển - Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, huyện đã ra văn bản 946 ngày 6/10/2021 về thực hiện các khoản thu chi trong trường học năm học 2021 - 2022.  Trong đó, mức thu học phí ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ mầm non, THCS và GDTX cấp THPT lần lượt là: 90.000, 70.000 và 90.000 đồng/tháng/học sinh. 

Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của trường. Trong đó, tiền nước uống được thu không quá 10.000 đồng/tháng/học sinh, thu theo số tháng thực học. Tiền chăm sóc trẻ ngày thứ 7 và trong thời gian nghỉ hè là 30.000 đồng/trẻ/ngày. Dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học: 4.000 đồng/học sinh/tiết. 

Dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh ở cấp mầm non, tiểu học thu không quá 18.000 đồng/học sinh/tháng. Với các trường tổ chức bán trú, tiền trả công thuê người nấu ăn đối với các cấp học là 100.000 đồng/học sinh/tháng...

Riêng các khoản thu chưa có trong nội dung hướng dẫn nêu trên, nếu phụ huynh có nhu cầu trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận với nguyên tắc thu đủ chi, khi đó các trường bàn bạc, thống nhất, công khai và phải báo cáo với cơ quan chủ quản trực tiếp đồng ý mới được triển khai thực hiện...

Ông Tuyển lưu ý, tất cả khoản thu chi ở các trường phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch theo đúng văn bản chỉ đạo của các cấp. Tuyệt đối không được thu chi sai quy định hay lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân. Nếu phát hiện sai phạm, người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ngay từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành công văn số 1205 gửi các phòng GD&ĐT huyện, thành phố; đơn vị trực thuộc Sở; trung tâm GDNN-GDTX chấn chỉnh thu - chi, xã hội hóa đầu năm. 

Theo đó, các đơn vị thực hiện công tác quản lý thu, chi tài chính phải đúng quy định, nhất là các khoản thu chi đầu năm học; nghiêm cấm việc đặt ra các khoản thu trái quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Sở yêu cầu các nhà trường chia sẻ khó khăn với cha mẹ học sinh trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Hạn chế tối đa việc huy động đóng góp tự nguyện từ cha mẹ học sinh; vận động các nhà cung cấp dịch vụ cắt giảm chi phí, giảm giá dịch vụ; tích cực huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cựu học sinh... để tăng cường cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động của nhà trường; hỗ trợ học sinh khó khăn về kinh tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chỉ có một lý do duy nhất khiến một người đàn ông chia tay: anh ta không còn yêu bạn nữa. (Ảnh: ITN).

Đàn ông nghĩ gì sau khi chia tay?

GD&TĐ - Việc chia tay của một người đàn ông chắc chắn không phải là ý định nhất thời mà là kết quả của kế hoạch đã ấp ủ từ lâu của anh ta.