Mang Tết Trung thu đến với trẻ vùng cao

GD&TĐ - Với trẻ em, Tết Trung thu là ngày hội được mong chờ nhất trong năm.

Trẻ em vùng cao Tu Mơ Rông hạnh phúc khi nhận được quà Tết Trung thu.
Trẻ em vùng cao Tu Mơ Rông hạnh phúc khi nhận được quà Tết Trung thu.

Ngày Tết trung thu, trẻ được nhận những món quà, lồng đèn, bánh kẹo và được vui chơi trong không khí đầm ấm… Thế nhưng, với những đứa trẻ vùng cao, điều tưởng chừng đơn giản đôi khi lại trở nên xa xỉ.

Trao yêu thương

Chiều dần buông ở huyện miền núi Tu Mơ Rông (Kon Tum), từ khắp các nẻo đường, thôn làng lũ trẻ háo hức đi dự “Đêm hội trăng rằm”. Vùng quê thường ngày hẻo lánh nay lại trở nên đông vui, nhộn nhịp.

Tiếng trống lân giòn giã, nhân vật Tôn Ngộ Không, ông Địa… nhảy múa khiến trẻ em vùng cao thích thú reo hò. Trong đêm hội đầy màu sắc, lũ trẻ được giao lưu với chú Cuội, chị Hằng, xem các tiết mục văn nghệ, trò chơi vận động và đố vui có thưởng tạo nên không khí hết sức rộn ràng.

Mong muốn mang đến cho trẻ em vùng cao một cái Tết Trung thu ấm cúm, Hội Chữ thập đỏ huyện Tu Mơ Rông phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum cùng các nhà hảo tâm tặng 700 suất quà cho học sinh Trường Tiểu học xã Đăk Hà và Trường THCS Bán trú DTTS huyện Tu Mơ Rông. Bên cạnh đó trao 50 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của Trường Phổ thông DTNT huyện Tu Mơ Rông với trị giá mỗi suất là 1,1 triệu đồng.

Ông Dương Văn Nam – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tu Mơ Rông chia sẻ, đối với các em nhỏ ở thành thị, Tết Trung thu luôn đông đúc, rộn ràng… nhưng với trẻ em vùng cao là điều gì đó xa xỉ. Mong muốn cho các em được vui Tết Trung thu và nhận những phần quà ý nghĩa, như: Đèn lồng, bánh kẹo… các cơ quan ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm cùng chung tay tổ chức “Đêm hội trăng rằm”.

“Đối với những vùng khó khăn, việc tổ chức Tết Trung thu rất ý nghĩa vì giúp trẻ em có sân chơi để giao lưu, chia sẻ. Không những vậy, đây là dịp để giới thiệu cho các em biết về ý nghĩa ngày Tết Trung thu. Thông qua “Đêm hội trăng rằm” những em nhỏ vùng khó sẽ biết đến nhân vật chú Cuội, chị Hằng và được tham gia chơi, trả lời những câu đố thú vị, bổ ích. Vui Tết Trung thu cũng sẽ tạo động lực giúp các em cố gắng vươn lên trong học tập để thoát khỏi đói nghèo”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, “Đêm hội trăng rằm” được tổ chức tại xã Đăk Hà vừa qua đã trao tặng nhiều phần quà, học bổng ý nghĩa cho học sinh với trị giá hơn 146 triệu đồng. Vào đúng ngày Tết Trung thu (15/8 – âm lịch) Hội Chữ tập đỏ huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục phối hợp với các mạnh thường quân trao tặng 800 suất quà cho trẻ em ở xã vùng khó Đăk Na.

Chị Y Ka (SN 1993, làng Kon Pia) vượt hơn 7km đường đồi núi đưa con tham dự “Đêm hội trăng rằm”.

Chị Y Ka (SN 1993, làng Kon Pia) vượt hơn 7km đường đồi núi đưa con tham dự “Đêm hội trăng rằm”.

Nụ cười hạnh phúc

Hay tin mạnh thường quân về địa phương tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, chị Y Ka (SN 1993, làng Kon Pia) một trong những khu vực xa nhất của xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) đưa con ra trung tâm từ sớm.

“Từ hôm nhận được thông báo con tôi rất háo hức, cứ ngóng đợi đến ngày Tết Trung thu. Thế nhưng đầu giờ chiều nay trời đổ mưa to, cháu nhìn ra ngoài sân mặt buồn thiu rồi nói với mẹ “Ước gì trời có nắng, mẹ nhỉ !”. May mắn trời cũng ngớt mưa, cháu được vui Trung thu cùng các bạn nên hạnh phúc lắm! Đây có lẽ là Tết Trung thu lớn và vui nhất từ trước đến nay của con mình”, chị Y Ka bộc bạch.

Mân mê chiếc lồng đèn giấy trong tay, em Y Kim Huệ (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đăk Hà) không giấu được niềm vui và hạnh phúc.

“Đây là lần đầu tiên cháu được xem múa lân lớn như thế. Không những vậy, cháu được tham gia trò chơi, giải câu đố và nhận được nhiều bánh kẹo, đồ chơi. Nhưng cháu thích nhất là chiếc đèn lồng giấy này, cháu sẽ dùng nó để rước đèn cùng các bạn”, em Y Kim Huệ rạng ngời nói.

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà phấn khởi nói: “Đêm hội trăng rằm” là chương trình thật sự ý nghĩa khi các em được đón một cái Tết Trung thu đầy niềm vui. Nhân dịp Tết Trung thu, UBND xã Đăk Hà cũng đã tổ chức và tặng 1.300 suất quà cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn. Với những em chưa đủ tuổi đến trường, UBND xã cũng gửi những suất quà, gồm: Bánh kẹo, đồ chơi… để lũ trẻ được hưởng niềm vui trọn vẹn.

“Thay mặt lãnh đạo địa phương, tôi gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm đã luôn đồng hành, hỗ trợ. Từ những hộ dân, hàng quán… đã cùng chung tay tổ chức Tết Trung thu, góp phần làm nên hạnh phúc, niềm vui cho mỗi trẻ em ở vùng cao. Từ đó, giúp các em phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi”, ông Khoa vui mừng chia sẻ.

Nhân dịp này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND huyện Đăk Glei cũng tổ chức cho 2.800 trẻ em ở huyện vùng khó Đăk Glei (Kon Tum) phá cỗ Tết Trung thu. Bên cạnh đó, tặng quà cho 100 cháu có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 15 em đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đăk Glei với trị giá 20 triệu đồng. Riêng 15 em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/suất. Những phần quà thể hiện sự quan tâm và tình cảm của các cấp gửi đến trẻ em vùng khó. Qua đó, góp phần động viên tinh thần để các em thiếu niên nhi đồng có một mùa Trung thu vui tươi, lành mạnh và vươn lên học tập tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.