Lớp học trực tuyến với Google Classroom
Tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội 2 năm 2007, chuyên ngành Tin học, thầy Trường về công tác tại Trường CĐSP Yên Bái. Không chỉ tích cực, sáng tạo trong dạy học, thầy luôn tích cực bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2014, thầy học thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐHSP Hà Nội.
Từ thực tiễn khi giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, thầy Trường nhận thấy trình độ CNTT của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá, công cuộc thay đổi giáo dục căn bản toàn diện trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập.
Từ những trăn trở đó, thầy Trường quyết tâm thực hiện đề tài “Giải pháp: Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục kiến thức, kỹ năng làm việc trực tuyến”.
Thầy Trường cho biết: Nội dung của đề tài gồm 2 phần: Ứng dụng CNTT trong trường phổ thông và ứng dụng các dịch vụ của Google trong trường phổ thông. Các giải pháp của đề tài tập trung chủ yếu vào ứng dụng các dịch vụ của Google có khả năng hợp tác trong việc tạo, hoàn thiện, chia sẻ trong môi trường trực tuyến theo thời gian thực và các dịch vụ được lựa chọn sử dụng khá đơn giản về kỹ thuật tin học, hoàn toàn miễn phí khi sử dụng.
Do đó, những sản phẩm tạo ra có sự đồng thuận và thống nhất, dễ dàng truy cập, nhanh chóng thay đổi nếu cần và được lưu trữ với độ tin cậy cao trên Internet. Các giải pháp giúp cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Để bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên kiến thức, kỹ năng làm việc trực tuyến đạt hiệu quả, thầy Trường đã xây dựng lớp học trực tuyến với Google Classroom. Lớp học gồm các tính năng chính: Cho phép tạo bài tập, bài tập kiểm tra, câu hỏi, tài liệu, sử dụng lại bài đăng, chủ đề; Mở lịch Google, truy cập thư mục Drive của lớp học; Truy cập vào các bài học, bài kiểm tra …; Quản lý giáo viên, học viên: Mời giáo viên, mời học viên, gửi email, xem thông tin, xóa và ẩn các thành viên trong lớp học.
Chia sẻ về kết quả sáng tạo khoa học đã được áp dụng trong thực tiễn, thầy Trường cho biết: Các nội dung sử dụng, tối ưu hóa công cụ Google Search; Sử dụng, ứng dụng Gmail, Google Groups quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng thư điện tử đã được giảng dạy tại 2 lớp bồi dưỡng “Chuẩn kỹ năng Công nghệ thông tin cơ bản” cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS huyện Văn Yên và huyện Văn Chấn (năm 2018).
Bên cạnh đó, các nội dung sử dụng, tối ưu hóa công cụ Google Search; Sử dụng, ứng dụng Gmail; Hướng dẫn cài đặt, sử dụng UltraViewer hỗ trợ từ xa đã được triển khai giảng dạy tại lớp bồi dưỡng “Nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng Công nghệ thông tin” cho cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái (năm 2017).
Trong thời gian tới, thầy Trường có kế hoạch triển khai bồi dưỡng 300 cán bộ quản lý, giáo viên tỉnh Yên Bái trong hè năm 2019 (cuối tháng 7 và tháng 8) với 9 lớp (mỗi huyện/thị tổ chức thành 1 lớp). Thời gian bồi dưỡng: 4 ngày/lớp.
Nghiên cứu khoa học là thước đo năng lực
Theo thầy Trường, nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi giảng viên, đặc biệt là trong quá trình đổi mới giáo dục thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi giảng viên, là thước đo năng lực chuyên môn. Để nâng cao chất lượng đào tạo thì công tác NCKH của mỗi nhà trường phải được chú trọng và gắn với thực tiễn.
Thông qua NCKH giảng viên sẽ vận dụng được kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được để áp dụng trong thực tiễn. Không cần phải là những công trình to lớn, cao siêu mà chỉ cần áp dụng, cải tiến có hiệu quả là được. Không nhất thiết phải sáng tạo mà chỉ cần vận dụng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị cơ sở. Qua đó, người thầy trau dồi, củng cố, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu rõ hơn vấn đề và gắn với thực tiễn giúp cho bài giảng gần gũi, thiết thực hơn đối với học viên, mang tính hướng nghiệp cụ thể rõ ràng, không lý thuyết hàn lâm.
NCKH góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, phương pháp làm việc khoa học và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên. Đồng thời hình thành ở giảng viên những phẩm chất của nhà nghiên cứu như tư duy độc lập, tư duy phản biện, biết bảo vệ lập trường khoa học của mình, phát triển và hoàn thiện hơn các kỹ năng cần thiết cho việc giảng dạy, nghiên cứu. Đó là những phẩm nhất mà một người giảng viên trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cần có.
Với thầy Trường, tri thức truyền thụ cho học trò không phải là điều quan trọng nhất mà là sự truyền cảm hứng, phong cách làm việc, đạo đức của người thầy. Điều học trò nhớ đến, yêu mến thầy cô là xuất phát từ sự tâm huyết, nhiệt tình, sự cố gắng của thầy cô giúp đỡ, động viên, gắn bó với học trò.
Chia sẻ về nghề giáo, thầy Trường tâm sự: Nghề giáo hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập: Thông tin đang bị thổi phồng; thầy cô chưa thực sự được bảo vệ, luôn là người chịu mọi thiệt thòi trong các sự việc. Do đó, thực tế người thầy đang phải gồng mình trong quá trình dạy dỗ học trò; Xã hội cần có cái nhìn khách quan, đúng đắn và cảm thông với những khó khăn của nghề… Người thầy vẫn luôn giữ vị trí trung tâm quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Điều quan trọng là luôn tin tưởng, có các giải pháp động viên, khích lệ giúp họ yên tâm công tác, phấn đấu vì trách nhiệm với nghề, với học trò.