Cử tri gửi ý kiến đến Bộ GD&ĐT, cho rằng, chất lượng giáo dục hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, biểu hiện chạy theo thành tích còn phổ biến, từ đó dẫn đến các tiêu cực như áp lực thành tích nên có những trường, lớp phải đưa ra những tiêu chí mang tính áp đặt để đạt thành tích, làm cho việc dạy và học của nhà trường luôn trong tình trạng căng thẳng.
Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT sớm chấn chỉnh hiện tượng này và có những giải pháp tích cực, hiệu quả, tránh hình thức trong ngành giáo dục; đồng thời kịp thời đưa ra triết lý phù hợp để định hướng nền giáo dục phát triển bền vững, tránh chạy theo thành tích như hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, qua đó chất lượng giáo dục toàn diện đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, hiện tượng chạy theo thành tích như việc đề ra các chỉ tiêu, tiêu chí mang tính hình thức, gây áp lực cho giáo viên và học sinh vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Nhận thức rõ được vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản không còn phù hợp, dễ dẫn tới bệnh thành tích; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh phổ thông; xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực để đánh giá sự tiến bộ của từng tập thể, cá nhân.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (5/2018), kỳ họp thứ 6 (10/2018) và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (6/2019). Trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự thảo Luật cũng có ý kiến về việc nghiên cứu nội dung “triết lý giáo dục” trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tổ chức tọa đàm về nội dung “triết lý giáo dục” trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Nhiều ý kiến chuyên gia, các đại biểu khẳng định mặc dù không có điều khoản riêng về triết lý giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục nhưng triết lý giáo dục đã được thể hiện trong Luật Giáo dục hiện hành cũng như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại các quy định về mục tiêu của giáo dục (Điều 2), tính chất, nguyên lý giáo dục (Điều 3), yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục (Điều 7) và phát triển giáo dục (Điều 11)…, trong Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Do vậy, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) không đưa vào một chương hoặc điều với tên gọi là “triết lý giáo dục” mà tiếp tục hoàn thiện các quy định về mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục và chuyển vị trí Điều 11 về phát triển giáo dục lên thành Điều 3 nhằm thể hiện rõ triết lý giáo dục, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam và cụ thể hóa Điều 61 của Hiến pháp năm 2013.