Màn kịch khó hiểu của mẹ chồng

GD&TĐ - Cuộc sống của tôi về cơ bản là... sướng! Hai vợ chồng đều có công ăn việc làm tử tế, thu nhập ổn định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hội chị em thích buôn chuyện còn bảo: "Nhà chồng mày nhiều đất thế, chẳng nhẽ sau này không xén cho mày được một miếng à? Thích nhé!".

Thực sự tôi chưa bao giờ mơ màng đến chuyện thừa kế, hơn nữa, mẹ chồng tôi còn đang rất khỏe mạnh. Nghe những câu như thế tôi có cảm giác mình bị "xúc phạm" không hề nhẹ. Nhưng làm việc trong môi trường công sở, tôi biết mình không thể tránh được thị phi.

Một ngày, mẹ chồng tôi kêu mệt rồi "dính" luôn vào cái giường, không dậy nổi. Hội chị em thích buôn chuyện càng được dịp, họ bảo tôi: "Nhân lúc đầu óc bà còn tỉnh táo, mày hỏi dò về di chúc đi". Đến mức này thì tôi không thể nhịn được nữa, quát um lên: "Các bà vừa phải thôi chứ, mẹ chồng tôi đang rên rỉ vì đau ốm kia kìa". Thấy tôi nổi giận, họ không nói gì nữa nhưng vẫn rỉ rả buôn sau lưng về chuyện thừa kế.

Đau đầu ở cơ quan, về nhà tôi lại nghe mẹ chồng càm ràm không ngớt: "Ối giời ơi, đau quá, sao ông giời cứ hành thế này cơ chứ? Mẹ nó đâu rồi? Vào bóp chân cho tôi".

Tôi tham khảo các món ăn bổ dưỡng cho người già đang ốm, kỳ cạch hàng tiếng đồng hồ trong bếp rồi hoan hỉ bưng ra, định xúc cho mẹ chồng ăn thì món gì bà cũng chê, nào là "nhạt thếch", rồi thì "đắng miệng lắm, không ăn được".

Mẹ chồng ốm, tôi phục vụ bà từ A đến Z, vất vả nhất là khoản vệ sinh, tắm rửa, vì bà không tự đi được nên cứ "đến giờ" là chồng tôi gọi giật giọng: "Em ơi!". Chăm bà được một tuần thì tôi nguột sức, nói thẳng với chồng: "Em mệt quá anh ơi, tình hình mẹ ốm lâu dài thế này thì em cần người hỗ trợ, em không chăm mẹ anh mãi được, em còn bao nhiêu việc ở cơ quan".

Chồng tôi bảo: "Đấy, em nói thì anh mới nghĩ ra, từ ngày mẹ ốm, chị Thảo chưa sang chăm mẹ được ngày nào. Chị ấy tuy là con gái nhưng cũng phải có trách nhiệm với mẹ chứ". Tôi băn khoăn: "Nhưng chị ấy cũng đang tất bật với mẹ chồng, anh không thấy à?". "Mẹ đẻ phải hơn mẹ chồng chứ? Mới cả bà bên kia còn đi lại được, mẹ mình đang ốm liệt giường đây này, chẳng nhẽ chị Thảo không xót mẹ à? Em cứ để anh gọi xem chị ấy bảo sao".

Biết chuyện mẹ ốm nặng nhưng không chịu đi bệnh viện, chị chồng tôi tất tả chạy sang, hết sờ nắn chân tay lại xoa trán cho mẹ, biểu cảm có vẻ sốt sắng: "Mẹ mệt lắm ạ? Sao mẹ không chịu ăn? Con mang bánh chưng và đùi gà sang đây này, mẹ gắng ăn nhé!". Mẹ chồng tôi lắc đầu: "Cháo mẹ còn không ăn được, mày mang bánh chưng với đùi gà sang trêu mẹ à?".

Chị chồng tôi nài nỉ: "Con cứ để ở đây, bây giờ mẹ không ăn thì tí nữa mẹ ăn, hôm nay bên nhà con có giỗ nên con phải về, mai con lại sang ngó mẹ". Chị vụt đến vụt về làm mẹ chồng tôi hẫng hụt, bà càng càm ràm nhiều hơn: "Nhức xương quá, không ai thương tôi, chúng nó đi hết rồi...".

Tối đó bà kêu đau nhiều nên tôi phải ngồi canh bà, đề phòng trường hợp phải đưa bà đi cấp cứu. Nửa đêm mệt quá, tôi ngủ lúc nào không biết, thấy tiếng lạch cạch, tôi choàng tỉnh, không thấy mẹ chồng nằm trên giường, bà đang... di chuyển khắp nhà như một người khỏe mạnh bình thường, ăn uống xong, bà đi vệ sinh rồi mới vào giường nằm. Tôi giả vờ ngủ, đợi bà "ngáy" trở lại mới rón rén về phòng riêng.

Đang ngon giấc thì tiếng chị chồng lanh lảnh từ trong bếp: "Thím Nhã ăn bánh chưng với đùi gà của bà rồi à? Mà này, sáng bảnh mắt thím vẫn chưa dậy à?". Tôi cuống cuồng choàng vội chiếc áo len rồi chạy vào bếp, hỏi: "Chị sang sớm thế ạ? Chị vừa bảo em cái gì cơ?". Chị chồng quắc mắt nhìn tôi: "Thím ăn mất đùi gà và bánh chưng rồi hả?".

Tôi chối phăng: "Không phải em, hôm qua mẹ vào bếp ăn đấy chị ạ!". Chị chồng tôi gắt nhặng lên: "Thím đùa tôi à? Mẹ ốm liệt giường, không ăn uống được gì mà thím bảo mẹ vào đây ăn bánh chưng với đùi gà là sao? Tôi đã dặn thím là đêm qua phải nằm cạnh mẹ mà thím trốn vào phòng riêng ngủ đến tận giờ này, may mẹ không làm sao, không thì thím biết tay tôi".

Tôi giải thích thế nào chị chồng cũng không chịu tin. Mẹ chồng nằm trong phòng vẫn không ngừng rên rỉ: "Đau quá, nhức quá...!". Không rõ tại sao bà phải giả vờ ốm nhưng tôi biết bà hoàn toàn khỏe mạnh, chẳng nhẽ tôi phải lắp camera quay lén để "giải oan" cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…