Mái ấm mới cho trẻ em mồ côi vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 200 em là học sinh mồ côi sau đại dịch Covid-19 từ khắp mọi miền đất nước vừa tập trung tại Trường nội trú Hy Vọng (Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) để làm quen với môi trường mới trước ngày khai giảng năm học.

Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Trường Hy vọng đang trò chuyện với các bé nhỏ tuổi nhất của trường
Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Trường Hy vọng đang trò chuyện với các bé nhỏ tuổi nhất của trường

Thêm niềm hy vọng

Từ Thanh Hóa, cụ Lê Thị Phượng đưa 2 cháu ngoại là Lê Thư Kỳ và Lê Anh Thư vào Đà Nẵng để nhập học tại Trường nội trú Hy vọng. 88 tuổi, bà Phượng nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ đến tương lai của 2 đứa cháu ngoại sớm mồ côi cha mẹ sau đại dịch Covid-19. Thương cháu côi cút, đường học hành rồi sẽ lắm gập ghềnh. Nhưng khi Thư và Kỳ được nhận vào ở nội trú, được chăm sóc, nuôi dưỡng và học hành, thì bà Phượng lại lo nỗi lo khác. Nên bà quyết định sẽ đi vào Đà Nẵng, để tận mắt nhìn thấy nơi ăn, chốn ở, gặp những thầy cô giáo sẽ thay bà, thay mẹ chăm sóc 2 đứa cháu bà.

Chủ tịch Quỹ Hy vọng Trương Thanh Thanh hỏi thăm và giới thiệu các khu vực trường nội trú Hy Vọng với cụ Lê Thị Phượng

Chủ tịch Quỹ Hy vọng Trương Thanh Thanh hỏi thăm và giới thiệu các khu vực trường nội trú Hy Vọng với cụ Lê Thị Phượng

"Góc sẻ chia" của học sinh Trường nội trú Hy Vọng

"Góc sẻ chia" của học sinh Trường nội trú Hy Vọng

Xem xét kỹ từng khu vực trong khu nội trú, từ nơi ở, nhà ăn, gặp nhiều đứa trẻ cùng độ tuổi với cháu bà, vòng tay thưa gửi lễ phép, bà Phượng dần yên tâm. Bà càng vững tin hơn khi nghe bà Lô Thị Bích Quý (trú quận Thanh Khê, Tp Đà Nẵng) kể về trường hợp đứa cháu nội 13 tuổi đang theo học tại trường Hy Vọng được nửa năm nay.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bà Quý đưa cháu Trần Quang Hưng, học sinh lớp 7, sang nhập học tại Trường nội trú Hy Vọng. Thời gian đầu, bà Quý thấp thỏm vì Hưng vẫn chưa vượt qua được cú sốc trước nỗi đau mất cha. Hưng thu mình lại, không giao tiếp với ai, thậm chí không ra khỏi nhà.

Nửa năm chuyển sang Trường nội trú Hy Vọng, Trần Quang Hưng đã trở thành “tiểu đội trưởng”, tự tin, nhanh nhẹn chứ không còn rụt rè, không muốn gặp người lạ như trước đây. Bà Quý nhắn nhủ với các phụ huynh rằng, “hãy cứ yên tâm, khi các cháu vào đây đồng nghĩa với cuộc đời sẽ có thêm niềm hy vọng”.

Trao gửi yêu thương

Trong buổi lễ chào đón những đứa con về với ngôi nhà mới, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhà sáng lập trường nội trú chia sẻ, Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương của các thầy cô, anh chị em trong trường, đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

"Bằng tình yêu, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người. Hơn thế nữa, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê của mình, khoa học hay công nghệ, nghệ thuật hay thể thao, kinh tế hay xã hội", ông Bình nhắn nhủ.

Thầy cô giáo trò chuyện với các em nhỏ sau giờ học.

Thầy cô giáo trò chuyện với các em nhỏ sau giờ học.

Bà Lô Thị Bích Quý thì chỉ mong cháu nội mình cùng hàng trăm đứa trẻ khác, đang sinh sống, học tập tại Trường nội trú Hy Vọng nắm bắt được cơ hội để học hành, rèn luyện, tạo cho mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mai sau.

Từ giờ học, giờ chơi, bữa ăn, giấc ngủ của các em nhỏ đều được các thầy cô chăm chút. Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Trường Hy Vọng nhớ kỹ hoàn cảnh của từng em học sinh. Trực tiếp chăm lo, đồng hành cùng các học sinh mồ côi trong những ngày đầu đến trường, ông đồng thời cũng là người đến từng nhà thuyết phục người thân gửi con em mình vào trường sinh sống, học tập. Cứ thế, thêm nhiều em nhỏ gia nhập mái nhà Hy Vọng. Những chông chênh trong đời sống tinh thần, những khó khăn về vật chất khi không còn nơi nương tựa… của nhiều trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19 cũng đã được san sẻ ít nhiều.

Nhiều gia đình đã gửi con Trường nội trú Hy vọng sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đợt này gửi thêm em để theo học cùng anh, chị. Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh không giấu được niềm vui khi nhìn thấy sự rạng rỡ trên khuôn mặt của các con sau nửa năm gặp lại. “Các con tự tin khi đứng trên sân khấu sau một học kỳ sinh sống, học tập tại trường. Điều này tạo ra rất nhiều cảm xúc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.