Theo các chuyên gia tâm lý, những trẻ em mồ côi bởi Covid là một đại dịch “ẩn”.
Những cú sốc lớn về tinh thần cũng như sự chật vật, thiếu thốn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh là những “cơn bão” quét ngang đường đến trường của rất nhiều học sinh nếu không có sự chung tay hỗ trợ từ phía nhà trường và xã hội. Các em sẽ phải trải qua những khủng hoảng tâm lý sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn, chông chênh trong đời sống tinh thần, khó khăn về vật chất khi không còn nơi nương tựa… Chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi do Covid-19 do vậy, cần tính đến đường dài.
Nhiều cơ quan, đoàn thể đã vào cuộc để giúp đỡ nhóm trẻ yếu thế này ổn định cuộc sống. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh có chương trình trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh cũng thiết lập chương trình học bổng bảo trợ đến hết THPT cho 385 em bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách và cả một số bất cập đã và đang được điều chỉnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhưng quyền và lợi ích của trẻ em vẫn được ưu tiên, nhất là trẻ yếu thế. Ngoài những trợ giúp trước mắt như hỗ trợ nhu yếu phẩm, sách vở, các địa phương đã sớm nhận ra cần phải tính đến đường dài trong xây dựng chính sách, chăm sóc những trẻ em mồ côi cha, mẹ do ảnh hưởng của đại dịch.
Huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) sớm lên kế hoạch giúp đỡ và tìm người đỡ đầu cho hơn 100 trẻ mồ côi ở trên địa bàn theo mô hình Trao gửi yêu thương. Địa phương vận động các tổ chức, nhà hảo tâm, người dân góp kinh phí chăm lo hoặc nhận đỡ đầu trẻ từ nay đến 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông, học nghề, ĐH, CĐ.
Ngoài trợ giúp về vật chất, các tổ chức trên địa bàn, tùy theo nhiệm vụ, sẽ đồng hành với trẻ đến khi trưởng thành. Trường học sẽ xây dựng mô hình “bạn giúp bạn”, “đôi bạn học tập”, tạo điều kiện cho các em. Hội Phụ nữ sẽ tiếp nhận, quản lý các nguồn lực do huyện vận động chăm lo cho trẻ, báo cáo định kỳ cho lãnh đạo huyện và đơn vị đồng hành.
Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, bảo trợ học tập, việc chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ cũng được đặt ra. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tổ chức xã hội, chuyên gia xây dựng mạng lưới tư vấn, trị liệu khủng hoảng tâm lý và hỗ trợ pháp lý cho trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong điều kiện giãn cách xã hội, việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em mới chỉ được tiến hành qua điện thoại. Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp TP Hồ Chí Minh sẽ thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và chủ động tìm đến các trường hợp bất ổn tâm lý để chia sẻ.
Trong trường học, dù thầy cô giáo cũng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng vẫn dành cho những học sinh chịu nhiều sang chấn tâm lý sự quan tâm, yêu thương và dìu đỡ. Sự cưu mang, những bảo trợ thầm lặng cho học sinh mồ côi do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, để cho một đoạn đường đời của các em bớt chông chênh, thua thiệt so với các bạn cùng trang lứa.