Để vơi bớt nỗi đau và sự bơ vơ của các em, các cấp chính quyền, nhà trường và cộng đồng đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ.
Chung tay chăm lo
Các chính sách chăm lo cho học sinh thuộc diện mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 được triển khai ở quy mô lớn. Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TPHCM cho biết: Trẻ em có cha mẹ qua đời vì Covid-19, căn cứ Khoản 1, Điều 5, Chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP, được xét trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp hệ số 2,5 đối với trẻ mồ côi dưới 4 tuổi và hệ số 1,5 đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.
Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi và được duy trì hưởng chính sách trợ giúp xã hội nếu đang học văn hóa, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, cao đẳng, đại học nhưng tối đa không quá 22 tuổi…
Ngoài chính sách hỗ trợ chung từ Nhà nước, mỗi địa phương, tổ chức chính trị xã hội còn có những chương trình riêng giúp học sinh vơi bớt nỗi đau lớn. Tại TPHCM, TP đang tổng hợp danh sách trẻ em mất cha mẹ do Covid-19 để xây dựng chính sách hỗ trợ.
Dự kiến, đối với trẻ mồ côi, tùy theo hoàn cảnh, nguyện vọng của gia đình, người thân, người giám hộ và các em, TP sẽ triển khai chương trình đỡ đầu, chăm sóc, trao học bổng hoặc đưa các em vào trung tâm bảo trợ trẻ em để có điều kiện ăn học tốt hơn. Tinh thần của TP là giúp các em có điều kiện tốt nhất để học tập đến năm 18 tuổi. Những em có thể học nghề thì tạo điều kiện, kết nối với các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức tạo việc làm.
Bên cạnh đó, Thành đoàn, Hội đồng Đội TPHCM cùng với Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các quận, huyện, TP Thủ Đức đã tích cực kết nối những trường hợp học sinh mồ côi với các nhà hảo tâm để kịp thời trao học bổng bảo trợ học tập đến hết bậc THPT.
Bà Trần Thu Hà - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM cho biết: Từ ngày 10/8 đến nay, có trên 400 suất học bổng của hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng dành cho học sinh mồ côi. Hội đồng Đội TP còn phối hợp với các đơn vị nhằm kịp thời đưa sách giáo khoa, thiết bị điện tử đến các em để hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập trực tuyến.
Không chỉ TPHCM, các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương, ngành Giáo dục đã và đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn vì dịch, học sinh mồ côi cha mẹ (mức hỗ trợ từ 2 - 5 triệu đồng). Ngoài đồ dùng học tập, chi phí tài chính cho sinh hoạt trước mắt, tùy theo hoàn cảnh của học sinh, các địa phương sẽ xây dựng phương án chăm lo cụ thể.
Song song với sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức xã hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng chung tay chăm lo học sinh mồ côi vì Covid-19. Là người nhận đỡ đầu cho 1 cháu gái mới 4 tuổi mồ côi mẹ (cha đã bỏ đi), Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - Bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết:
“Không thể nào đành lòng bỏ cháu bơ vơ một mình giữa cuộc sống đầy khó khăn này. Sau khi xin ý kiến từ Ban chỉ huy, tôi quyết định làm cha đỡ đầu, chăm lo cho con đến khi trưởng thành. Kế hoạch của tôi là cho bé được ở với người thân của con. Hiện tôi đã tìm ra được nơi ở của bà ngoại và cô ruột của cháu. Nhưng nếu con có mong muốn và nguyện vọng được ở cùng gia đình tôi, tôi sẽ dốc lòng để bù đắp những mất mát lớn nhất cuộc đời mà con đã gặp phải”.
Để nỗi đau không dài theo ngày tháng
Theo ông Lê Minh Tấn, băn khoăn nhất là phương án chăm lo cho trẻ thế nào cho phù hợp, đảm bảo nhất để những khoảng trống mất mát nơi các em sớm đi qua.
Chung góc nhìn trên, bà Trần Thu Hà cho hay: Các cấp, ngành đang cùng nhau tham mưu để đề xuất hệ thống chính sách chăm lo cho trẻ mồ côi từ nhỏ đến khi trưởng thành một cách vẹn toàn nhất.
Song song với những quan tâm về điều kiện vật chất, học tập, nhiều trường học ngay khi tiếp nhận thông tin có học sinh rơi vào cảnh mồ côi đã thực hiện nhiều giải pháp giúp các em vượt qua nỗi sợ hãi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cô Phạm Thị Gái, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Diệu, Quận 3, TPHCM chia sẻ: Trường có 1 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Ban giám hiệu nhà trường, cùng giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên em. Để giúp em ổn định tâm lý, ngoài việc hỗ trợ mọi điều kiện để em về Quận 12 sống cùng với ông bà nội, nhà trường cũng cử giáo viên chủ nhiệm đồng hành với em suốt thời gian qua.
“Sức khỏe tinh thần của học sinh sau nỗi đau mất cha, mất mẹ là việc khiến ban giám hiệu nhà trường trăn trở nhiều nhất. Các hỗ trợ về mặt vật chất có thể giúp các em không phải lo lắng về cuộc sống tạm thời trước mắt. Nhưng những đau thương thầm kín, lẩn khuất sau những giọt nước mắt… khi màn đêm buông xuống nếu không được chia sẻ, vỗ về sẽ ảnh hưởng tinh thần các em rất nhiều”, cô Gái cho biết.
Hiểu được việc ổn định tâm lý của học sinh sau biến cố lớn nhất trong đời chính là “sức khỏe tinh thần” nên ngoài việc hỗ trợ về vật chất, nhiều phòng GD&ĐT, trường học đã nhờ các hội tâm lý, trường đại học có khoa tâm lý để hỗ trợ, tập huấn cho giáo viên kỹ năng tham vấn tâm lý.
Ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD&ĐT Quận 3 cho biết, toàn quận có 50 học sinh mồ côi do ảnh hưởng của dịch. Ngoài những phần quà về mặt vật chất, để động viên tinh thần học sinh sớm ổn định cuộc sống, Quận 3 cũng phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM để có những hỗ trợ cho các em về mặt sức khỏe tâm lý.